Gia đình rời TP.HCM về quê tránh dịch, trồng rau ở vườn 1.800 m2
4 tháng ở TP Bảo Lộc tránh dịch, chị Trâm từ không biết gì về nông nghiệp đã tự tay trồng được nhiều loại rau, củ cho gia đình và gửi tặng người thân tại TP.HCM.
Trưa 17/9, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1982) chuẩn bị đóng 50 phần rau, củ gồm các loại như dưa leo, su su, rau ngót, măng tây..., mỗi phần 3-4 kg, để gửi về TP.HCM tặng người thân, bạn bè.
Số thực phẩm này được chị thu hoạch tại vườn nhà và mua thêm từ những người sống xung quanh.
Chia sẻ với Zing, chị Trâm cho hay 4 tháng trước, khi các con được nghỉ hè, gia đình 5 người rời TP Thủ Đức tới Bảo Lộc nghỉ ngơi trong căn nhà mà chồng mua tặng chị hồi sinh nhật năm ngoái.
Đúng đợt TP.HCM bùng dịch rồi phong tỏa, gia đình chị Trâm ở lại thành phố cao nguyên đến giờ.
“Trước kia, tôi không hề biết trồng trọt, cuốc đất. Lên đây, ăn rau, củ gì cũng thấy tươi ngon, tôi nảy ra ý định trồng thử. Chỉ sau 3 tháng, tôi đã có rau sạch ăn và gửi về Sài Gòn - nơi tôi sinh ra, lớn lên”, chị Trâm nói.
Vườn rau mùa dịch
Sau 7-8 năm kinh doanh cửa hàng tạp hóa, chị Trâm cảm thấy cuộc sống của mình luôn tất bật từ sáng đến tối.
Muốn có nơi để nghỉ dưỡng và sống chậm lại, vợ chồng chị tìm mua nhà ở TP Bảo Lộc - vùng đất có khí hậu ôn hòa, không quá xa TP.HCM nên thuận tiện cho việc đi lại, duy trì kinh doanh.
Thấy gia đình, bạn bè ở Sài Gòn gặp khó khăn khi mua rau, củ trong đợt giãn cách, nhà ở đây lại có đồi cỏ gần 1.800 m2, chị quyết định thuê người xới toàn bộ đất cho màu mỡ rồi bắt tay vào trồng trọt.
Những ngày đầu, kinh nghiệm chưa có, thậm chí loay hoay khi cầm cuốc, chị Trâm và chồng, con cố gắng học hỏi, gieo những hạt mầm đầu tiên. Vì chưa khoan được giếng, họ giúp nhau xách từng xô nước về tưới.
Chị Trâm còn xin tre của hàng xóm về làm giàn trồng cây thân leo mà theo chị mô tả “không ai quanh đây làm như vậy”.
Khi rau, củ lớn dần và trổ lá, cả nhà vui mừng, tin rằng họ hoàn toàn có thể tự cung cấp thực phẩm sạch cho bữa ăn hàng ngày.
Vốn tính cẩn thận, chị Trâm tự tay nhổ cỏ, bắt sâu trong vườn để cây phát triển khỏe mạnh. Hiện chị có hơn 20 luống rau, có luống dài 10 m và cứ mỗi mét lại trồng loại khác nhau.
“Ở đây, mọi người chủ yếu trồng cải xanh và cải ngọt. Tôi thích nấu ăn nên vườn có đa dạng loại rau, củ. Bên cạnh các giống quen thuộc của Việt Nam, tôi còn tìm tòi từ Mỹ, Nhật, Italy, Hàn Quốc… để trồng ăn thử”, chị nói.
Ngoài ra, chị Trâm còn trồng trái cây như mít, sầu riêng, bơ, chôm chôm Thái, sapoche, vú sữa hoàng kim, mâm xôi, việt quất, nhãn tím, măng cụt, ổi, khế, sầu riêng, nho thân gỗ.
Mỗi lần thu hoạch rau, củ, gia đình không ăn hết, chị mang tặng hàng xóm và gửi về Sài Gòn cho cha mẹ 2 bên, người thân, bạn bè.
“Mọi người quý lắm vì rau, củ sạch 100%, yên tâm cho trẻ con, người bệnh ăn. Những lời cảm ơn từ họ cho tôi thêm động lực để tiếp tục trồng. Ngoài ra, tiện xe gửi về, tôi còn nhận ‘đi chợ hộ’, mua giúp mọi người từ cây bút, sách, vở đến đồ dùng mà ở TP.HCM không ra ngoài mua được. Chia sẻ được gì cho họ lúc này là tôi vui lắm”, chị Trâm nói.
Sống chậm lại
Mỗi sáng, chị Trâm lại sang khu vườn cách nhà 200 m để gieo hạt, bắt sâu, nhổ cỏ, tưới nước, quét dọn. Đến chiều, chị thu hoạch chút rau, củ về nấu bữa tối.
“Khi ở Sài Gòn, nhà không có đất, lại bận rộn công việc, tôi không nghĩ có ngày lại trở thành nông dân. Giờ không chỉ biết trồng trọt, tôi còn vượt qua được nỗi sợ sâu bọ, côn trùng”, chị cười nói.
Bên cạnh đó, từ những ngày đầu bỡ ngỡ vì không có bà con, bạn bè ở Bảo Lộc, giờ chị Trâm có những người hàng xóm chất phác, tốt bụng. Có hôm chị mang cho họ đậu que thì nhận về khi trái sầu riêng, lúc thì măng cụt.
Sau khi TP.HCM hết dịch, gia đình chị Trâm sẽ trở về vì còn nhà cửa, công việc kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, chị “phải lòng” nơi đây vì cuộc sống chậm lại và yên bình.
Chị Trâm cho hay: “Chồng tôi và con gái thứ hai bị hen suyễn, nếu giờ ở tâm dịch, mắc Covid-19 sẽ rất nguy hiểm. Tôi thấy may mắn vì ở đây có thể lạc quan, yêu đời, trồng cây mỗi ngày. Sáng dậy nghe tiếng chim hót, tiếng thác đổ, tiếng suối róc rách, tiếng côn trùng, đi lên cao một chút là thấy hết dãy núi Đại Bình và mặt phố Bảo Lộc. Cả nhà tôi thấy cơ thể được thanh lọc, sức khỏe cũng tốt hơn”.
“Với tôi, mỗi ngày trôi qua là một trải nghiệm mà trước giờ chưa từng có và rất đáng giá”, người mẹ bày tỏ.