Gia đình sinh 5 đầu tiên ở Việt Nam vượt qua Covid-19
Những ngày ở khu cách ly, mẹ chồng trở nặng, 5 con nóng sốt, bản thân cũng phải vật lộn với các triệu chứng mắc Covid-19 nhưng chị Thư gắng gượng để không gục ngã.
Hơn nửa tháng từ khi chữa khỏi Covid-19, chị Lê Huỳnh Anh Thư (sinh năm 1985, ở phường 4, quận 5, TP.HCM) vẫn nghẹn ngào mỗi lần nhắc lại biến cố mà gia đình mình vừa trải qua.
Đầu tháng 8, chị Thư, mẹ chồng và 5 con của chị phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. 7 thành viên trong nhà được đi cách ly cùng nhau nhưng chỉ có 6 người trở về.
“Hiện cả nhà tôi đều khỏe, chỉ có điều đã quen có bà nội nên khi mẹ không còn nữa, vợ chồng tôi chật vật, xoay xở để trông các con. Nhiều khi, các cháu hỏi mẹ ‘Nội đâu rồi’, ‘Sao Nội đi lâu quá chưa về’, nghe mà chỉ biết xót xa”, chị Thư nói với Zing.
Xin đi cách ly cùng nhau
Từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, gia đình chị Thư cửa đóng then cài vì nhà đông con, nếu không may nhiễm bệnh sẽ khổ.
Tuy nhiên, bà N.T.K., mẹ chồng chị, không may tiếp xúc với hàng xóm là F0 nên bị ho, mệt mỏi.
Ngày 30/7, chị Thư cùng mẹ lên phường lấy mẫu test nhanh Covid-19 và được thông báo có kết quả dương tính, cần làm thêm xét nghiệm PCR.
Nhận tin dữ, chị lo lắng, bối rối vì không nghĩ Covid-19 ập đến với gia đình. Chị xin lấy mẫu cho 5 con. Kết quả, cả nhà đều trở thành F0.
Lúc này, anh Nguyễn Thanh Hiếu, chồng chị Thư, làm lái xe taxi, đang ở chung cư tại quận Bình Tân (do công ty anh tặng cho gia đình) nên không nhiễm virus.
Chị Thư xin y tế phường cho cả nhà đi cách ly, điều trị vì bà K. đã hơn 70 tuổi, người mệt mỏi do bị ho, sốt từ 4-5 ngày trước. Các con chị cũng xuất hiện triệu chứng tương tự nhưng nhẹ hơn.
Sau đó, 7 người được đưa tới quận 2, cách ly trong căn phòng chung cư chưa có ai ở. Hành lý của cả nhà chỉ là chút quần áo với sữa cho các bé.
Hiểu được vai trò trụ cột của mình lúc này, chị Thư không cho phép mình mệt mỏi dù cơ thể rã rời, mất khứu giác. Chị quay cuồng chăm mẹ già rồi lo cho các con. Trong đó, bé nặng nhất bị ho, sốt liên tục, 4 bé còn lại chỉ nóng sốt nhẹ.
Vượt qua mất mát
Ở bệnh viện, sức khỏe của bà K. diễn biến xấu. Bà bị tụt oxy máu và phải cấp cứu vì khó thở. Dù được các bác sĩ dốc sức cứu chữa, bà qua đời hôm 5/8.
Nhận tin dữ, chị Thư bàng hoàng, chỉ biết khóc thương mẹ.
“Ở nhà, mẹ tôi tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học, điều độ. Bà khỏe vậy mà vẫn không qua khỏi”, chị nghẹn ngào nói.
5 con của chị Thư rất quấn bà K. vì bà là người chăm sóc các em từ ngày còn trong bụng mẹ. Bởi vậy, chị giấu tin bà nội mất để các bé tiếp tục điều trị.
Ngày nào ăn gì hay làm gì, 5 đứa trẻ cũng nhớ tới bà nội. Thấy mẹ khóc, các em thắc mắc nhưng không hay biết gì.
Nén nỗi đau mất người thân, chị Thư cố gắng ăn, uống để có sức lo cho các con.
Ngày 11/8, chị Thư nhận được giấy thông báo ra viện sau khi test lại âm tính. Tuy nhiên, một bé vẫn chưa hồi phục. Chị xin ở lại để chờ 6 mẹ con cùng được về nhà.
Đến 14/8, bé còn lại đã âm tính, cả nhà mừng mừng, tủi tủi thu xếp đồ đạc.
Trước câu nói hồn nhiên của con thơ “Nội đâu mẹ? Sao nội không về cùng mẹ con mình?”, “Đi 7 người phải về 7 người mới vui”, chị đành nói dối lũ trẻ là bà nội đang chờ ở nhà. Trước đó, hậu sự của mẹ được anh Hiếu một mình thu xếp.
“Vừa mở cửa vào nhà, thấy di ảnh bà nội, các con tôi òa lên khóc, trách mẹ nói dối. Tôi phải nén lòng dỗ dành, giải thích vì sao mẹ phải làm thế để chúng hiểu, bớt đau buồn”, chị Thư nhớ lại.
Những ngày thiếu vắng mẹ chồng, chị Thư lại xoay vần với lũ trẻ. Do dịch, anh Hiếu không đi làm được nên ở nhà phụ vợ chăm con.
Cơn bão Covid-19 quét qua, mang đi người thân yêu nhất là cú sốc đối với gia đình chị Thư. Người mẹ hy vọng tất cả khó khăn, nỗi đau sẽ dần nguôi ngoai, cả nhà tập quen với cuộc sống không có bà nội để bà được yên lòng.