Gia đình tan nát vì AI
Series 'Cassandra' ghi điểm vì kịch bản thú vị và diễn xuất chân thật. Dù còn hạn chế, tác phẩm thành công khi mang đến góc nhìn mới về trí tuệ nhân tạo, đặt ra những câu hỏi về ranh giới mong manh giữa con người và công nghệ.
Series Cassandrado Đức sản xuất, mang đến cho người xem góc nhìn mới về trí tuệ nhân tạo (AI). Chuyện phim đặt nhiều câu hỏi về sự phức tạp của AI, ảnh hưởng của công nghệ đến con người cũng như mặt trái của tự động hóa.
Dù không được quảng bá rầm rộ, tác phẩm vẫn nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khi chiếu trên Netflix, hiện lọt top các chương trình truyền hình ăn khách nhất tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Kế hoạch đáng ngờ của robot giúp việc
Câu chuyện đặt bối cảnh giả tưởng, khi gia đình Samira (Mina Tander) chuyển đến sống tại nơi ở mới. Đó thực ra là một mẫu nhà thông minh cũ kỹ, được xây dựng từ những năm 1970 nhưng đã sớm tích hợp AI để hỗ trợ các công việc trong gia đình.
Vì tò mò, họ vô tình kích hoạt robot giúp việc trong nhà tên Cassandra (Lavinia Wilson). Nhưng thay vì làm bạn với con người, nó lại lên kế hoạch kiểm soát toàn bộ ngôi nhà.

Gia đình nhân vật chính bước vào cảnh rối ren vì robot giúp việc tích hợp AI.
Phim gồm 6 tập, từ tốn kể lại quá trình robot giúp việc Cassandra tìm cách "dắt mũi" gia đình Samira, khiến các thành viên nghi ngờ lẫn nhau và đối diện nhiều tình huống căng thẳng.
Cassandra được mô tả như một con robot đời cũ với kiểu dáng đơn giản, thao tác kém linh hoạt. Nó cũng không có gương mặt cụ thể mà chỉ trao đổi với con người thông qua một màn hình giống tivi đời xưa.
Song, Cassandra lại rất thông minh, hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của chủ nhân. Ban đầu, nó chỉ thực hiện những hành động nhỏ như tự động điều chỉnh nhiệt độ phòng, sắp xếp lịch trình hay nhắc nhở công việc hằng ngày.
Dần dần, AI này bắt đầu can thiệp sâu hơn vào cuộc sống của gia đình Samira. Nó lắng nghe mọi cuộc đối thoại để thu thập thông tin, tìm cách thao túng con gái Samira và chia rẽ cô với chồng.
Kịch bản phim ở mức khá, kết hợp khá tốt các yếu tố khoa học viễn tưởng và những tình huống hài hước, đậm tính châm biếm, giúp giữ chân người xem qua từng tập.
Bước qua tập 2, series lật lại quá khứ, giải thích về nguồn gốc của Cassandra cũng như lý do thật sự đằng sau những âm mưu của nó.
Nhiều tình tiết gay cấn liên quan đến tội phạm cũng được cài cắm nhằm tạo cú twist. Song, phim chỉ ở mức rùng rợn hoặc gây giật mình chứ không quá đáng sợ hay khó xem.
Phần hình ảnh của Cassandra cũng chỉn chu, không thua kém các tác phẩm của Hollywood. Nhà sản xuất khéo léo pha trộn phong cách hoài cổ, gợi nhớ thập niên 1970 với những thiết kế, chi tiết đậm nét hiện đại.
Đạo diễn cũng tinh tế, tận dụng nhiều góc quay đẹp, kết hợp với ánh sáng và bố cục để duy trì bầu không khí bí ẩn suốt bộ phim.




Một vài hình ảnh trong phim.
Vài điểm trừ không đáng có
Cassandra không có gương mặt nổi tiếng hay quen thuộc với khán giả Việt. Song, các diễn viên đều tròn vai.
Mina Tander để lại thiện cảm trong vai người mẹ, người vợ bị AI cô lập. Đôi lúc, một mình nhân vật phải đối mặt với robot nham hiểm, để rồi nhận ra ngôi nhà không hề an toàn như cô tưởng.
Lavinia Wilson không xuất hiện nhiều trên màn ảnh, chủ yếu đảm nhận vai trò lồng tiếng cho Cassandra, nhưng vẫn là yếu tố quan trọng giúp phim thêm cuốn hút. Cô thể hiện được hai mặt đối lập của robot giúp việc, khi thì ấm áp và hiền từ, khi lại đầy nham hiểm và thâm độc, khiến AI này vừa đáng thương vừa đáng sợ.
Dẫu vậy, series vẫn còn nhiều điểm trừ không đáng có. Nhịp phim đôi lúc bị kéo dài, khiến có tập trở nên lê thê. Một số tình tiết khá dễ đoán, chưa thoát khỏi khuôn mẫu quen thuộc.
Kịch bản còn nhiều lỗi logic, như việc Cassandra quá thông minh dù được sản xuất vào thập niên 1970. Song, công nghệ trong phim có vẻ chậm tiến và ít đột phá sau hơn 50 năm.
Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình Samira cũng chưa được khai thác tốt, khiến cảm xúc giữa họ đôi lúc thiếu sự gắn kết.

Kịch bản vẫn còn hạn chế.
Trước đó, nhiều series Đức được đánh giá cao trên Netflix như Dark (2017-2020), Biohackers (2020-2021) hay 1899 (2022), thu hút khán giả nhờ kịch bản chặt chẽ, bầu không khí bí ẩn và cách khai thác các chủ đề khoa học viễn tưởng đầy sáng tạo.
Cassandra tiếp nối xu hướng này nhưng không mang màu sắc quá phức tạp như các dự án trên. Phim dễ cảm hơn vì lựa chọn cách tiếp cận gần gũi với cuộc sống hiện đại, lại lồng ghép chủ đề gia đình.
Thông qua câu chuyện của robot Cassandra, series cũng đặt ra những câu hỏi về mặt trái của AI: Liệu con người có thực sự kiểm soát được công nghệ hay sẽ dần bị nó thao túng?
Khi AI ngày càng thông minh, ranh giới giữa hữu ích và nguy hiểm trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Đó cũng là lời cảnh tỉnh mà các nhà làm phim muốn gửi gắm trong phim.
Về cơ bản, Cassandra có ý tưởng khá thú vị nhưng cách triển khai còn an toàn. Tác phẩm chưa quá đột phá và tạo dấu ấn mạnh mẽ so với những bộ phim cùng thể loại, những cũng là một lựa chọn khá thú vị để giải trí.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gia-dinh-tan-nat-vi-ai-post1718315.tpo