Hình tượng Na Tra biến đổi ra sao trong suốt chiều dài lịch sử?

Na Tra là một trong những nhân vật tiêu biểu của văn học Trung Quốc. Trong quá trình phát triển, Na Tra đã trải qua nhiều lần thay đổi diện mạo.

 Hình ảnh Na Tra trong bộ phim Na Tra: Ma đồng giáng thế. Ảnh: Sina.

Hình ảnh Na Tra trong bộ phim Na Tra: Ma đồng giáng thế. Ảnh: Sina.

Hình tượng Na Tra đã trải qua một hành trình dài trong lịch sử, từ nguyên mẫu trong kinh điển Phật giáo đến nhân vật huyền thoại trong văn hóa dân gian Trung Quốc. Dù ở bất kỳ thời kỳ nào, nhân vậy này cũng có sức hút và truyền tải thông điệp mạnh mẽ.

Thành công vang dội của bộ phim hoạt hình Na Tra 2 với doanh thu lên tới 1,69 tỷ USD là một minh chứng cho điều đó.

Từ thần linh Phật giáo đến nhân vật huyền thoại

Theo các tài liệu Phật giáo, hình tượng Na Tra có nguồn gốc từ Narajuva, con trai của Tỳ Sa Môn thiên vương (Vaisravana) - vị thần hộ pháp quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng Phật giáo. Các bản kinh như Nghi quỹ của Bắc phương Đa Văn Thiên Vương hộ pháp thời nhà Đường đã mô tả Na Tra với dáng vẻ dữ dằn, cầm kích trong tay và mang đôi mắt sắc lạnh - hình tượng một chiến thần thực thụ, không phải cậu bé tinh nghịch mà nhiều người tưởng tượng. Vai trò của Na Tra khi ấy là bảo vệ Phật pháp, hàng yêu phục ma, giữ gìn trật tự tam giới.

 Một số minh họa bây giờ phỏng theo các bức họa từ đời nhà Thanh. Ảnh: 6parknews.

Một số minh họa bây giờ phỏng theo các bức họa từ đời nhà Thanh. Ảnh: 6parknews.

Tuy nhiên, hình tượng Na Tra bắt đầu thay đổi khi giao thoa với tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo Trung Quốc. Từ cuối thời Đường sang thời Tống, Na Tra không còn là vị thần của Phật giáo mà dần trở thành một nhân vật có số phận bi tráng.

Câu chuyện Na Tra “lóc thịt trả mẹ, rút xương trả cha” xuất hiện trong các thư tịch thời Tống như Cảnh Đức Truyền đăng lục và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Ở giai đoạn này, Na Tra không còn là hậu duệ của Tỳ Sa Môn Thiên Vương mà được gán làm con trai của Lý Tịnh - một danh tướng đời Đường, người về sau được tôn là Thác Tháp Lý Thiên Vương.

Sự phát triển của văn học dân gian đã giúp hình tượng Na Tra ngày càng đa dạng. Phong thần diễn nghĩa, bộ tiểu thuyết thần thoại nổi tiếng thời Minh, đã định hình rõ ràng hình tượng một Na Tra có pháp bảo Càn Khôn Quyền, Hỗn Thiên Lăng, có khả năng bay lượn trên bánh xe Phong Hỏa và luôn đấu tranh chống lại những thế lực áp bức. Đây chính là nền tảng cho nhân vật Na Tra thời hiện đại.

Na Tra trong văn học có đặc điểm gì?

Sự xuất hiện của Na Tra trên sân khấu kịch bắt đầu từ thời Nguyên với vở Nhị Lang Thần túy xạ tỏa ma kính. Na Tra được khắc họa là chiến binh song hành với Nhị Lang Thần chiến đấu chống lại Ngưu Ma Vương và Bách Nhãn Ma Quân.

Trong vở kịch Na Tra tam biến, hình tượng Na Tra càng trở nên siêu nhiên hơn khi có thể hóa thân thành hai đầu bốn tay, thậm chí ba đầu sáu tay để hàng phục yêu ma. Những tác phẩm này giúp củng cố hình tượng Na Tra như một chiến thần mạnh mẽ, chuyên trừ gian diệt ác.

 Na Tra phiên bản Tây Du Ký 2019. Ảnh: Sohu.

Na Tra phiên bản Tây Du Ký 2019. Ảnh: Sohu.

Sang thời Minh, Na Tra xuất hiện trong tác phẩm kinh điển Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Dựa trên những câu chuyện dân gian và truyền thuyết Phật giáo, tác giả đã tạo dựng một Na Tra với sức mạnh phi thường, phục vụ Ngọc Hoàng Đại Đế. Điểm đáng chú ý là vũ khí đặc trưng của Na Tra - Phong Hỏa Luân - lần đầu tiên được đề cập trong tác phẩm này, bổ sung vào kho vũ khí vốn đã đa dạng của nhân vật.

Tuy nhiên, hình tượng Na Tra thực sự đạt đến đỉnh cao khi xuất hiện trong Phong thần diễn nghĩa của Từ Trọng Lâm. Trong tác phẩm này, Na Tra được khắc họa từ lúc chào đời với diện mạo kỳ lạ: "Da trắng như phấn, môi đỏ như chu sa, mắt sáng như lửa". Cậu chiến đấu cùng những pháp bảo như Càn Khôn Quyền, Hỗn Thiên Lăng.

Tuyền thuyết về việc Na Tra "cắt thịt trả mẹ, rút xương trả cha" được thể hiện đầy đủ trong một tác phẩm văn học. Phong thần diễn nghĩa không chỉ định hình hình ảnh Na Tra trong văn hóa dân gian Trung Quốc, mà còn góp phần quan trọng trong việc biến nhân vật này thành một biểu tượng thần thoại gắn liền với đạo giáo Trung Quốc.

Một hình tượng Na Tra mới mẻ thời hiện đại

Hình tượng Na Tra đã không ngừng thay đổi suốt nhiều thập kỷ qua, từ chàng thiếu niên dũng cảm trong Na Tra Náo Hải (1979) đến phiên bản đầy phá cách trong Na Tra: Ma Đồng Giáng Thế (2019) và Na Tra: Ma đồng náo hải (2025). Mỗi lần được tái hiện, Na Tra lại mang một sắc thái mới, phản ánh tinh thần của thời đại.

 Hình ảnh Na Tra phiên bản 2019-2025. Ảnh: Paper.

Hình ảnh Na Tra phiên bản 2019-2025. Ảnh: Paper.

Phiên bản Na Tra bản 2019-2025 đã phá vỡ hình ảnh quen thuộc của nhân vật thần thoại này. Đội ngũ sáng tạo còn xây dựng nên một Na Tra có phần “nổi loạn” hơn, gai góc hơn nhưng cũng đầy chiều sâu. Với đôi mắt thâm quầng, biểu cảm tinh quái, giọng điệu ngang tàng và phong thái bất cần, Na Tra giờ đây không còn là một anh hùng hoàn hảo mà trở thành một cậu bé “có vấn đề”, bị xã hội ghẻ lạnh nhưng vẫn luôn chiến đấu để khẳng định bản thân.

Bên cạnh sự thay đổi về tạo hình, bộ phim cũng tái cấu trúc quan hệ giữa các nhân vật. Ao Bính, kẻ thù truyền kiếp của Na Tra trong các phiên bản trước, nay trở thành một người bạn đồng hành, tạo nên một mối quan hệ đối trọng đầy ý nghĩa.

Những yếu tố truyền thống như tình cha con giữa Na Tra và Lý Tịnh cũng được khai thác theo góc nhìn nhân văn hơn, biến Lý Tịnh từ một người cha hà khắc thành một người cha sẵn sàng hy sinh tất cả vì con trai. Tương tự, mẫu thân Na Tra, thay vì chỉ là hình mẫu người phụ nữ hiền thục, đã được khắc họa như một nữ chiến binh mạnh mẽ, vừa dịu dàng nhưng cũng đầy bản lĩnh.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/hinh-tuong-na-tra-da-bien-doi-nhu-nao-theo-chieu-dai-lich-su-post1532929.html