Gia đình thời 4.0: Có những giật mình không hề nhẹ!

Lại tới ngày 28/6, Ngày Gia đình Việt Nam. Lại như những năm trước, khắp mạng xã hội toàn là những lời chúc, là hoa, là cả những bài viết cảm ơn vợ, cảm ơn chồng, cảm ơn gia đình nhỏ của mình. Chỉ vậy thôi, hàng quán cũng không đông nườm nượp như ngày 8/3 hay ngày 20/10.

 Tranh minh họa

Tranh minh họa

Tôi đã từng kinh doanh nhà hàng tôi biết, Ngày Gia đình Việt Nam không phải là ngày Gia đình Việt Nam đi ăn nhà hàng. Thôi thì còn biết chúc nhau trên Facebook cũng là tốt lắm rồi. Thời đại 4.0, người ta chuộng bánh kem bằng ảnh gif lấp lánh, thậm chí phát ra cả nhạc. Thời của giận chồng là tung hê lên mạng thay vì "đóng cửa bảo nhau". Nhẹ nhàng thì ai cũng có thể đọc được lời vợ nhắc nhở chồng, lời chồng nhắc nhở vợ trong các "comment" công khai được "tag" tên chồng, tên vợ vào. Facebook thì làm gì có cửa mà bảo: Đóng cửa bảo nhau. Nên mọi thứ cứ lộ thiên như thế. Nhiều phụ nữ thoải mái "post" ảnh bikini lên mạng xã hội, nhiều ông bố ảnh chụp avatar cùng con nhưng vẫn có thể văng tục. Tất cả đều lộ thiên, công khai như đứng giữa quảng trường vậy.

Có những cặp đôi tôi biết, người chồng chỉ phát hiện ra vợ mình đang có nhiều tâm sự khi đọc "status" của vợ, hoặc khi bạn bè nhắn: "Này, vợ mày đang gặp chuyện gì à? Tao thấy nó post status"… Nhiều người chồng ngã ngửa: "Ơ thế á? Tao với vợ không kết bạn Facebook, "block" nhau để giữ quyền tự do cho nhau". Hay có những người vợ không để trạng thái "đã kết hôn" và vẫn đăng như "status" dạng mà lũ trẻ bây giờ bảo là… thả thính. Ờ, vui vui tí có chết ai? Miễn là không làm gì có lỗi với chồng là được, ba cái "status" nhảm nhằm nhò gì.

Tự do. Hôn nhân thời 4.0 người ta coi trọng quyền tự do của cá nhân nhiều lắm. Không như cái thời 2.0 xa lắc. Càng khác hẳn thời 1.0 của ông bà mình. Giá trị của hai tiếng "Gia đình" được hiểu một cách giản lược tối đa. Miễn là hạnh phúc. Phải rồi, cứ Hạnh Phúc là được mà. Gia đình 1.0 hay Gia đình 2.0 cũng là hướng tới việc Hạnh Phúc đó thôi. Chỉ là Hạnh Phúc thời 4.0 sau giản lược hình như nó khác quá. Nơi bữa cơm mỗi người ôm một chiếc điện thoại, có khi vợ trong phòng ngủ nhắn tin cho chồng ngoài phòng khách thay vì chạy lại rúc đầu vào ngực chồng thủ thỉ giống ngày chưa có điện thoại. Công nghệ đi cùng sự giám sát bằng định vị, bằng FaceTime, có chạy đằng trời. Những cuộc cãi vã thời công nghệ cũng gia tăng thêm nhiều lý do như "Sao anh thả tim ảnh người yêu cũ?". Hay những cuộc cãi nhau chỉ vì… anh đăng ảnh em mà không chỉnh sửa, định "dìm hàng" nhau à?

Cũng vì công nghệ phát triển mà thông tin cũng đầy ú khiến nhiều gia đình mâu thuẫn. Ảnh minh họa

Cũng vì công nghệ phát triển mà thông tin cũng đầy ú khiến nhiều gia đình mâu thuẫn. Ảnh minh họa

Lỗi tại công nghệ thông minh. Cũng vì công nghệ phát triển mà thông tin cũng đầy ú khiến nhiều gia đình mâu thuẫn. Từ những cuộc tranh luận nảy lửa trên mạng, chia phe giữa các "drama", nhiều cặp vợ chồng thành giận nhau không thèm ngủ cùng vì anh thuộc phe kia, tôi ủng hộ phe này. Đến những lời khuyên miễn phí được cho đi ào ào trên mạng mỗi khi người vợ giận chồng đăng "status", cả ngàn "comment" khuyên ly dị đi vì đàn ông kiểu đó quá tệ. Rồi đến cả những so sánh xảy ra khi trên mạng ai cũng lung linh cả khiến người vợ quay lại nhìn chồng mình, bụng một múi, ngoáy mũi, gãi mông vô tư trong khi chồng nhà người ta comple, cravat đi dự sự kiện này sự kiện nó hoặc đánh golf ngoài kia. Nhiều người chồng lướt ngón tay nhìn những phụ nữ xinh đẹp, bốc lửa dù đã có 2 con, thậm chí 3 con trong khi vợ mình thì đầu bù tóc rối. Đã xinh lại còn khoe nấu nướng cho chồng con toàn món ngon trong khi vợ mình 7 ngày, 3 món lặp đi lặp lại.

Gia đình nhỏ đã thế, gia đình lớn lại càng mỏi mệt hơn. Xem phim "Sống chung với mẹ chồng" rồi "Thương ngày nắng về" mới thấy mẹ chồng đúng là khác máu tanh lòng, kẻ thù truyền kiếp với con dâu. Đọc các bài trên mạng mới thấy đúng là cuộc chiến mẹ chồng-con dâu muôn đời không dứt. Rồi từ thế mà dâu con cũng phải phòng hờ mẹ chồng một chút, vì thế mà các mẹ chồng thời @ cũng nên cẩn trọng hơn với con dâu thời nay. Mạng xã hội đang làm biến dạng mọi thứ. Chưa kể chuyện ngoại tình trên mạng đọc xong thấy nghi ngờ cả thằng bạn thân của chồng mình cũng có khi là kẻ đã trả tiền và mua bao cao su cho chồng mình cũng nên.

Cuối cùng thì Gia đình của thời 4.0 này đang làm sao vậy? Kết nối wifi càng mạnh thì kết nối vợ chồng càng yếu đi. Người ta có thể bứt rứt vô cùng nếu quên điện thoại ở nhà chứ chẳng ai bứt rứt vì đi chơi không có vợ đi cùng. Vợ chồng nói chuyện bằng chat, bằng tin nhắn, bằng điện thoại có khi nhiều hơn cả nói chuyện trên giường với nhau. Bởi ông chồng bận chơi game, bà vợ bận "comment" rủa xả một "tiểu tam" nào đó trên mạng mà cô ấy thậm chí không quen. Nhiều gia đình mất kết nối. Con cái cuối năm được bằng khen để mẹ khoe Facebook, từ từ, để mẹ chụp, mẹ sửa ảnh, mẹ nghĩ "status", mẹ trả lời "comment" chúc mừng của mọi người cái đã. Những lời chúc tụng viết trên "phây" dễ dàng hơn nói trực tiếp.

Lũ trẻ lớn lên cùng chiếc điện thoại bố mẹ thảy ra cho chúng để bố mẹ giải quyết công việc đang ngập đầu. Kết nối của gia đình ngày càng lỏng lẻo và mờ nhạt nên những thứ gọi là truyền thống cũng vì thế mà được giản lược đi tối đa. Và cuối cùng thì… miễn là cả 2 đều hạnh phúc là được. Chỉ là thứ hạnh phúc hời hợt ấy gặp cơn chớp tắt của hôn nhân mà vỡ vụn. Người ta dễ dàng buông tay thay mới hơn là muốn kiên nhẫn sửa chữa lại hôn nhân. Ừ, thời đại "fastfood" mà, ăn gì cũng chỉ là cho no bụng thôi mà. Hạnh Phúc thời 4.0 vì thế có vị "fastfood". Gia đình thời 4.0 vì thế mà cần 3G, 4G, 5G thay vì quây quần bên nhau, có những trải nghiệm cùng nhau.

Gia đình bạn đang vận hành theo mô hình 4.0 hay vẫn ở thời 2.0, 1.0 vậy bạn ơi?

Một số vấn đề nổi bật của gia đình Việt Nam hiện nay

Gia đình tiếp tục là ưu tiên hàng đầu

Bất chấp những cảnh báo gần đây về nguy cơ giải thể, tan rã của hôn nhân, hôn nhân vẫn là một giá trị quan trọng ở Việt Nam hiện nay. Phần lớn những người được hỏi vẫn khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân, theo đó, thanh niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình. Tỷ lệ người đồng ý với việc sống độc thân thấp hơn nhiều so với số người không đồng ý (tương ứng là 10,3% và 48,5%).

Ly hôn có xu hướng tăng lên

Ly hôn ở Việt Nam cho thấy xu hướng đang tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ. Năm 2000, tỷ lệ ly hôn thô là 0,66 và tăng lên 2,22 vào năm 2017. Tỷ lệ ly hôn chung đã tăng từ 0,97 năm 2000 lên 2,69 vào năm 2017. Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm về hệ quả kinh tế, văn hóa, xã hội của ly hôn, cũng như các loại hình gia đình mới hậu ly hôn.

Mức độ chấp nhận cởi mở dần với một số hiện tượng hôn nhân gia đình mới

Có khoảng một nửa (49,6%) người trả lời chấp nhận hiện tượng làm mẹ đơn thân, thể hiện sự biến đổi trong nhận thức và sự nhân văn trong bảo vệ quyền của phụ nữ. Các gia đình chấp nhận thấp với hiện tượng sống độc thân (38,5%) nhưng mức chấp nhận tăng dần ở nhóm mang đặc điểm hiện đại và phụ nữ. Gia đình Việt Nam cũng có mức chấp nhận thấp, dè dặt với kết hôn đồng giới (27,7%) và thấp hơn ở nhóm nam giới, cao tuổi, học vấn thấp, dân tộc thiểu số.

Chung sống không kết hôn được nhìn nhận cởi mở hơn, với 67,5% đồng ý…

Con cái có ý nghĩa quan trọng nhưng giá trị con cái đang biến đổi

Con cái tiếp tục là một giá trị quan trọng trong hôn nhân nhưng người Việt Nam hiện nay không mong muốn có nhiều con, nhất là nhóm mang nhiều đặc điểm hiện đại. Nhóm mong muốn có nhiều con là dân tộc thiểu số, nông thôn, học vấn thấp và ở khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của Nho giáo là đồng bằng sông Hồng. Nhóm lớn tuổi thể hiện mức đánh giá cao vai trò quan trọng của con cái trong duy trì bền vững hôn nhân và không chấp nhận không có con.

Các giá trị của con cái đang chuyển dần từ giá trị xã hội (ưa thích con trai), an sinh (có người chăm sóc khi về già), kinh tế (có nguồn lao động) sang giá trị tâm lý-tình cảm (gắn kết hôn nhân, hoàn thiện bản thân). Nhóm mang những đặc điểm truyền thống, có trình độ hiện đại hóa thấp, thì coi trọng giá trị kinh tế của con cái nhất, bao gồm nhóm lớn tuổi nhất, học vấn thấp, dân tộc thiểu số, nhóm thuộc khu vực kinh tế hộ gia đình, tư nhân hay liên doanh, nhóm góa, li thân và li hôn, mức sống nghèo và các khu vực kinh tế phát triển chậm hơn như Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Theo giới tính, nữ giới coi trọng giá trị kinh tế của con cái hơn nam giới.

Trích bài viết "Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và một số vấn đề đang đặt ra" của PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Bài viết dựa trên một số kết quả của đề tài "Các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện năm 2017-2018 và số liệu thống kê về hôn nhân, gia đình từ các cuộc Tổng Điều tra Dân số, Nhà ở của Tổng cục Thống kê

Hoàng Anh Tú

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-dinh-thoi-40-co-nhung-giat-minh-khong-he-nhe-20220627193335824.htm