Gia đình tốt, xã hội mạnh
Chưa khi nào, câu chuyện giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống từ gia đình 'nóng bỏng' như thời điểm này. Khi những câu chuyện về nữ sinh mặc áo đồng phục đánh nhau giữa đường, hay những cậu học trò nghiện game Online bỗng dưng thành kẻ thủ ác… nhức nhối xã hội những ngày gần đây.
Gia đình bà Lương Thị Thi dạy cháu nội Đinh Hoàng Linh, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) cách mặc trang
phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Quần chẹt.
Ảnh: Minh thủy
Bà Phúc Thị Xuyên, Phó Trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 207 nghìn hộ gia đình. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, mô hình gia đình truyền thống gồm nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu chung sống đang dần thu hẹp nhường vị trí chủ đạo cho gia đình hạt nhân (một cặp vợ chồng và con cái mà họ sinh ra).
Theo bà Xuyên, giáo dục đạo đức, nhân cách không phải là những điều to lớn, khi trên thực tế, nhiều gia đình thuộc các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã duy trì được lối ứng xử có văn hóa, tạo ra nền nếp, kỷ cương để các thế hệ noi theo lâu nay. Đó chính là gia lễ, gia phong - cái gốc của gia đình. Dân gian có câu “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”. Con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của ông bà, bố mẹ để tự bắt chước, học theo, từ cách ăn mặc, nói năng, cư xử… Phép tắc thưa gửi, tính cách thật thà, cần cù, tiết kiệm, ngăn nắp, kỷ luật, biết quan tâm đến người khác, không văng tục… được trẻ học ngay từ chính những người thân trong gia đình, mà trước hết là từ bố mẹ của mình.
Trong năm 2020, ngành văn hóa đã ban hành kế hoạch hoạt động thuộc “Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” với nhiều nội dung như: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện Đề án thông qua việc cử cán bộ tuyến tỉnh tham gia tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các tuyến dưới; cung cấp cho đội ngũ cán bộ các cấp tham gia Đề án những tài liệu, kiến thức, kỹ năng cần thiết bảo đảm cho việc chỉ đạo, quản lý, tham gia thực hiện Đề án và làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình. Đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nội dung quảng bá, giáo dục về những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, dòng họ, gia đình; những giá trị nhân văn mới hiện nay gia đình cần tiếp thu, đề cao. Theo bà Xuyên, khi tuyên truyền, cán bộ cũng phê phán những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân, gia đình; xuống cấp của các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình và xã hội…
Phường An Tường (thành phố Tuyên Quang) được lựa chọn xây dựng mô hình điểm về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình từ năm 2010 đến nay. Theo bà Lưu Thị Thúy, cán bộ văn hóa phường, An Tường đã xây dựng mô hình điểm tại 9 thôn. Các nội dung được cụ thể hóa, lồng ghép vào các phong trào như: "Gia đình văn hóa"; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới” và “Xây dựng đô thị văn minh”. Các ban, ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa nội dung phòng chống bạo lực gia đình với các nội dung thi đua như phong trào: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc”, phong trào xóa đói, giảm nghèo... Bà Thúy đánh giá, chương trình đem lại những hiệu quả thiết thực, không chỉ giảm hẳn tình trạng bạo lực gia đình, mà còn góp phần giảm thiểu tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực.
25 năm giữ chức Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 12, phường An Tường, qua từng năm, ông Hà Văn Thành cảm nhận rõ nét sự thay đổi của nếp nghĩ, cách sống của bà con trong thôn. Ông bảo, đơn giản như chuyện sinh con một bề, thế hệ ông bà trước đây hầu như ít chấp nhận chuyện gia đình không có con trai “nối dõi tông đường”, nhưng giờ thì khác hẳn rồi. Thôn 12 có ít nhất chục hộ gia đình sinh con một bề, nhưng không ai cố sinh thêm con trai, mà vợ chồng bảo ban nhau phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái nên người, như gia đình ông Bùi Quốc Trung, Đặng Tiến Nam, Nguyễn Văn Trung, Phạm Bình Dương…
Ông Đặng Tiến Nam có 2 cô con gái đều đã lập gia đình. Vợ chồng ông cần mẫn với nghề mộc nên cũng có của ăn của để, khi gia đình sinh 2 cô con gái, hàng xóm, anh em cũng động viên ông bà sinh thêm cậu con trai nối dõi, nhưng ông bảo, con nào cũng là con. Có thời gian ông bà dồn sức bảo ban con học hành, dạy con từng nếp ăn cách nói, cách đối nhân xử thế. Niềm vui là cả 2 cô con gái nhà ông bà đều đỗ đại học, ra trường có công ăn việc làm ổn định. Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hà Văn Thành, từ khi triển khai chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, mỗi nhà đều tự nhìn nhau để điều chỉnh hành vi, lối sống. Nhờ thế, cả thôn có 223 hộ gia đình đều đạt Gia đình Văn hóa.
Toàn tỉnh hiện đang duy trì 364 Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc với trên 12 nghìn thành viên tham gia. Chính những câu lạc bộ này là nòng cốt để giữ lại những giá trị truyền thống về cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, để hạnh phúc gia đình được bền vững.