Gia đình trẻ ở TP.HCM chi 100 triệu ăn Tết, đón xuân trên sân tennis

Gia đình Mỹ Thanh dành hơn 100 triệu đồng để trang trí nhà cửa, mua sắm và đi du lịch Tết, trong khi Thành Nhân cùng vợ, con dự định đón xuân trên sân tennis.

 Gia đình Mỹ Thanh (29 tuổi, kinh doanh tự do) dành khoảng 100 triệu đồng ăn Tết 2025.

Gia đình Mỹ Thanh (29 tuổi, kinh doanh tự do) dành khoảng 100 triệu đồng ăn Tết 2025.

Tết 2025 rất đặc biệt đối với gia đình Mỹ Thanh. Nhà cô vừa đón thêm “công chúa” thứ hai hồi giữa năm trước. Sắp tới, cha mẹ chồng của Thanh sẽ về Việt Nam để đón năm mới, cô và ông xã quyết ăn Tết thật lớn để kỷ niệm mùa Tết đoàn viên.

Ngược lại, gia đình Thành Nhân chỉ xem Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài, dịp để hồi phục năng lượng sau một năm làm việc. Họ tối giản các nghi thức như cúng ông Táo, trang trí nhà cửa và thay vào đó là dành thời gian rèn luyện sức khỏe.

Với Quỳnh Hương, Tết năm nay có phần khó khăn hơn vì tiền thưởng suýt thì không đủ chi tiêu. Ở cùng với cha mẹ, cô tự nhận xét bản thân may mắn khi có dịp tham gia các phong tục truyền thống của Việt Nam.

Dù đón Tết lớn hay nhỏ, truyền thống hay hiện đại, các gia đình trẻ ở TP.HCM cho biết họ muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, nhất là trong những ngày đầu năm Ất Tỵ.

Chi 100 triệu đồng ăn Tết

Giữa năm 2024, gia đình Mỹ Thanh (29 tuổi, kinh doanh tự do) đón thêm thành viên mới. Gia đình chồng cô bay từ Mỹ về để ăn Tết lần đầu cùng cháu nội thứ hai.

“Mọi năm gia đình tôi ăn Tết riêng nhưng năm nay có thêm em bé nên được đoàn viên”, Thanh chia sẻ.

Để kỷ niệm một năm đặc biệt, Thanh và chồng dành hơn 100 triệu đồng cho Tết Ất Tỵ. Trong đó, họ chi hơn 30 triệu đồng để sửa sang, trang trí nhà cửa, đặc biệt là khu vực thờ cúng.

“Vợ chồng tôi muốn mọi thứ thật trang nghiêm và mới mẻ để thể hiện sự kính trọng với ông bà tổ tiên”, cô nói.

Thực phẩm trong 3 ngày Tết và các mâm cúng cũng được gia đình trẻ chuẩn bị chu đáo với ngân sách khoảng 10 triệu đồng. 15 triệu đồng sẽ được dùng để lì xì cho người thân, con cháu họ hàng. 10 triệu đồng khác sẽ được dùng để mua quà biếu ông bà và đối tác.

Chuyến du lịch Phan Thiết vào mùng 2 Tết sẽ là điểm nhấn trong kế hoạch ăn Tết của gia đình Thanh, bao gồm 6 triệu đồng thuê nhà và 15 triệu đồng ăn uống, mua sắm. Cô còn dành khoảng 20 triệu đồng để mua quần áo mới cho cả nhà.

Năm nay, gia đình Mỹ Thanh đón thêm một thành viên và cha mẹ chồng cô cũng từ Mỹ về Việt Nam ăn Tết cùng cả nhà.

Năm nay, gia đình Mỹ Thanh đón thêm một thành viên và cha mẹ chồng cô cũng từ Mỹ về Việt Nam ăn Tết cùng cả nhà.

Dù chi tiêu nhiều hơn mọi năm, Mỹ Thanh cho biết vợ chồng cô hài lòng vì đây là cách gia đình tận hưởng thành quả lao động và dành thời gian sum vầy.

“Số tiền này đã được lên kế hoạch từ trước. Mỗi tháng, vợ chồng tôi đều trích thu nhập đưa vào quỹ dùng cho những dịp lễ, Tết”, cô cho biết.

Với gia đình Quỳnh Hương (28 tuổi, nhân viên văn phòng), Tết Ất Tỵ lại có phần chật vật hơn. Thu nhập của gia đình cô khoảng 25 triệu đồng/tháng, vừa đủ chi tiêu cho hai vợ chồng và em bé mới sinh.

Khoản tiền này không đủ để đón Tết.

“Tiền biếu cha mẹ hai bên là 10 triệu đồng, lì xì cho con cháu họ hàng là 3 triệu đồng, sắm sửa quần áo rồi gửi tiền cho cha mẹ chồng để chuẩn bị Tết là 10 triệu đồng…”, cô liệt kê chi phí ăn Tết của gia đình.

Năm nay, Hương vừa trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản nên thưởng Tết không quá cao, trong khi chồng cô được thưởng 2 tháng lương.

“May là có khoản tiền này, nếu không ra Tết chúng tôi vỡ nợ mất”, cô nói.

Đón xuân trên sân tennis

Khác với không khí nhộn nhịp ở gia đình Mỹ Thanh và Quỳnh Hương, gia đình anh Thành Nhân (35 tuổi, ngụ quận 1) chọn cách đón Tết tối giản, tập trung vào sức khỏe. Vợ chồng anh giảm bớt các hoạt động truyền thống như nấu mâm cỗ, trang trí nhà cửa hay cúng bái.

Thay vì bận rộn sắm sửa đón Tết, cả nhà chỉ dành một buổi mua trái cây, một số nhu yếu phẩm với tổng chi phí 4-5 triệu đồng. Con số này chỉ bằng một nửa so với năm gia đình anh ăn Tết kiểu truyền thống.

“Lúc trước, chúng tôi không ăn Tết mà hay để ‘Tết ăn mình’. Năm nào cũng tất bật chuẩn bị rồi sau đó là mệt mỏi, có năm còn đổ bệnh. Gần đây, hai vợ chồng và con trai tận dụng Tết để đi chơi, rèn luyện sức khỏe, nghỉ ngơi đúng nghĩa”, anh giải thích.

Kỳ nghỉ sắp tới, gia đình anh Nhân đã đặt sẵn sân tennis, môn thể thao yêu thích của hai vợ chồng, để đón xuân. Người đàn ông 35 tuổi cho biết đây là cơ hội để gia đình 3 thành viên quây quần bên nhau mà vẫn đầy năng lượng sau khi hết Tết.

Gia đình anh Thành Nhân chỉ dành khoảng 4-5 triệu đồng để chi tiêu trong dịp cuối năm và dùng thời gian nghỉ Tết để rèn luyện sức khỏe.

Gia đình anh Thành Nhân chỉ dành khoảng 4-5 triệu đồng để chi tiêu trong dịp cuối năm và dùng thời gian nghỉ Tết để rèn luyện sức khỏe.

Dù ăn Tết đơn giản, vợ chồng anh Nhân vẫn chú trọng giúp con có có dịp trải nghiệm các giá trị truyền thống ngày Tết. Anh kể từ khi 2-3 tuổi, con trai đã được tham gia các lễ hội Tết ở Hội An, miền Bắc, tự gói bánh chưng, bánh tét và cảm nhận không khí dịp cuối năm.

Gia đình anh vẫn giữ thói quen đi từ quận 1 xuống quận 9 (TP Thủ Đức) để chúc Tết ông bà. Nếu muốn, con trai vẫn được về nhà ông bà nội để trải nghiệm Tết truyền thống.

Mỹ Thanh và chồng cũng muốn hai con gái ăn Tết thật vui mà vẫn ý nghĩa.

“Gia đình tôi đặc biệt chú trọng ngày giao thừa, cả nhà sẽ ngồi lại với nhau chứ không tách riêng. Không khí đón Tết ở nhà sẽ là kỷ ức đẹp để các con nhớ về khi đã trưởng thành”, cô chia sẻ.

Cả ba gia đình chia sẻ với Tri Thức - Znews đồng ý Tết là dịp để sum vầy, dù truyền thống hay hiện đại. Họ giữ thói quen cùng đón giao thừa, chúc Tết ông bà vào mùng 1 và dành thời gian ăn mâm cơm đầu năm.

“Dù bận rộn hay áp lực thế nào, đến Tết thấy gia đình vui vẻ thì cũng xứng đáng”, Mỹ Thanh khẳng định.

Đức An

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gia-dinh-tre-o-tphcm-chi-100-trieu-an-tet-don-xuan-tren-san-tennis-post1527552.html