Gia đình và Xã hội, nhớ những buổi đầu gian khó…

Là Phó Tổng Biên tập từ những năm đầu tiên Báo Gia đình & Xã hội ra đời và phát triển, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh (hiện là Tổng biên tập Báo Đời sống & Pháp luật) chia sẻ, những người làm báo ở Báo Gia đình & Xã hội luôn luôn có một sự khác biệt, đúng như tên gọi, đó là một gia đình. Ai đi ra rồi cũng phải nhớ về, hướng về…

Trụ sở Báo Gia đình & Xã hội từ những ngày đầu thành lập. Ảnh: Nguyễn Đức

Trụ sở Báo Gia đình & Xã hội từ những ngày đầu thành lập. Ảnh: Nguyễn Đức

Luôn là tờ báo có khát vọng

Là một trong những người đặt nền móng cho Báo Gia đình & Xã hội, giúp Báo đi được chặng đường dài đến nay tròn 20 năm, ông có thể chia sẻ cảm nghĩ, những kỷ niệm về Báo Gia đình & Xã hội?

- Tôi có cơ duyên được về làm tờ báo ngay từ đầu, “hoài thai” từ số báo đầu tiên nên kỷ niệm về báo vẫn nguyên vẹn trong trái tim mình. Có thể nói 20 năm qua, Báo Gia đình & Xã hội có những thăng trầm nhất định. Cùng với sứ mệnh của ngành Dân số nói chung, như bất kỳ tờ báo nào khác, Báo Gia đình & Xã hội cũng có sứ mệnh riêng, đó là chuyển tải các thông tin của đời sống xã hội đến độc giả. Những người làm báo luôn luôn hướng tới, luôn luôn muốn làm tốt nhất, thực hiện đúng sứ mệnh của mình. Gia đình & Xã hội kể từ ngày đầu xây dựng cho đến bây giờ luôn là một tờ báo có khát vọng vươn tới.

Những ngày đầu, phải nói là muôn ngàn gian khó. Ngay cả việc tên báo thế nào, măng sét ra sao cũng mất khá nhiều thời gian. Để ra được cái tên Báo Gia đình & Xã hội như bây giờ, nhà báo Trần Quang Quý (Tổng Biên tập đầu tiên - PV) phải thuyết minh rất nhiều lần bởi lúc đó một số người muốn chọn cái tên khác. Cũng may, tên “Gia đình & Xã hội” được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia Dân số Trần Thị Trung Chiến ủng hộ. Riêng tôi cho rằng, tên báo vừa phù hợp với tôn chỉ mục đích, phản ánh rõ tính chất của tờ báo ngành, nhưng cũng phải “mở”, mang tính chất xã hội đại chúng, như vậy mới có thể thành công.

Về chuyện măng sét, hồi đó, chúng tôi mở hẳn một cuộc thi tuyển. Hàng trăm họa sỹ từ khắp nơi gửi măng sét dự thi, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải nhờ một họa sĩ “cứng” trong làng báo là anh Nguyễn Hữu Thanh thiết kế lại, mới chọn được măng sét ưng ý. Cho đến nay, dù măng sét của Báo Gia đình & Xã hội có thay đổi, nhưng những đường nét cơ bản vẫn giữ nguyên như thuở mới ra đời.

Tuy nhiên, cái khó hơn cả là đường hướng và cách thức tổ chức nội dung. Tòa soạn bắt đầu trên cơ sở là một tạp chí ngành dân số. Để chuyển đổi sang tư duy làm báo, đặc biệt để làm một tờ báo mang tính chất đại chúng và có hơi thở của đời sống là cả một quá trình. Bộ máy của tòa soạn hồi đó dường như chưa có gì, cán bộ, phóng viên chỉ chưa đầy 10 người…

Bài báo đặc biệt đầu tiên về đề tài dân số

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh. ảnh: NVCC

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh. ảnh: NVCC

Vâng, điều ông nói tôi cũng nhớ. Khi đó, tôi cũng chỉ là một phóng viên đang học việc. Phóng viên “cứng” chưa có, biên biên tập viên vừa ít vừa làm kiêm nhiệm, trang thiết bị cũng chỉ có mấy cái máy tính để bàn, ông có còn nhớ số báo đầu tiên ra đời thế nào không?

- Vâng, để ra được số báo đầu tiên (chính là số Tết âm lịch năm 1999 – PV), chúng tôi đã phải sang báo bạn, mượn được chiếc máy in A3 trong mấy ngày. Chúng tôi mượn cả người dàn trang của Báo Văn hóa về dàn trang hộ… Thời kỳ đầu của báo, tất cả mọi người đều thừa nhiệt huyết, nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, Tổng Biên tập Trần Quang Quý lo lắng đến mức, đêm ngủ anh ấy mơ thấy báo… hình vuông. Nói chung, làm những số báo đầu tiên đó khó khăn lắm.

Nhưng cũng phải nói rằng, bên cạnh khó khăn thì chúng tôi cũng gặp nhiều may mắn. Chẳng hạn như việc chọn bài “đinh” cho số báo đầu tiên. Trong lúc đang không biết lấy bài gì thì tôi chợt nhớ đến bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà tôi thực hiện hồi còn ở Báo Thanh niên. Ngay lập tức, tôi liên hệ với Đại tướng để xin phỏng vấn cho Báo Gia đình & Xã hội. Sở dĩ bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý nghĩa là bởi khi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ - PV) Đại tướng đã được Đảng, Nhà nước phân công kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số khi Ủy ban này được thành lập (cùng với một số Bộ trưởng các Bộ và tổ chức khác làm phó). Đại tướng lại là người rất quan tâm đến vấn đề dân số. Cũng rất may, Đại tướng cởi mở và dành cho tôi 2 tiếng trò chuyện. Vậy là số báo đầu tiên chúng tôi đã có được một bài báo đặc biệt. Nếu không nhầm thì tôi đã đặt tít cho bài báo đó là: “Hai giờ với người lữ hành đi qua thế kỷ”. Việc có một bài đinh đóng dấu như thế coi như tờ báo đã có sức nặng.

Nhưng bên cạnh đó, số đầu tiên cũng là số báo Tết nên chúng tôi có thể làm theo phong cách nhẹ nhàng, vui tươi. Nhờ vậy, chúng tôi đã tận dụng được một số bài sáng tác của các cộng tác viên nên số báo ấy cũng không đến nỗi quá thiếu bài. Một điều nữa, Ban biên tập in liều hơn 2 vạn tờ báo và vô cùng may mắn là đã bán cháy hàng. Hồi đó, anh em trong tòa soạn chúng tôi vui lắm, đi đâu cũng… khoe.

Sau số báo đầu tiên đáng nhớ ấy, Ban Biên tập định hướng tờ báo đi theo phong cách gì?

- Tất nhiên sau số báo Tết đó, bắt đầu làm số thường thì chúng tôi chỉ dám in mấy nghìn tờ. Chúng tôi đặt mục tiêu đến hết năm 1999, số lượng báo phát hành sẽ tăng từ 1 vạn, rồi sẽ đạt trên 2 vạn. Và thật tuyệt vời là hết năm 1999, số lượng báo ra thị trường đã vượt mục tiêu đề ra một cách ngoạn mục, không chỉ 2 vạn mà đã đạt trên 3 vạn bản mỗi số. Thời gian sau này, trong khi một số báo chững tia ra thì Báo Gia đình & Xã hội tăng trưởng rất nhanh và trở thành một hiện tượng của làng báo phía Bắc ngày đó. Một tờ báo non trẻ, lại là tờ báo của ngành dân số mà làm được như vậy, chúng tôi rất tự hào.

Lúc đó Gia đình & Xã hội làm theo phong cách của một tờ báo gần gũi với đời sống, đi vào các vấn đề dân sinh và đặc biệt là vẫn bám sát tôn chỉ mục đích của ngành. Mỗi số báo đều cố gắng có một bài đinh về dân số, nhưng phải thật hấp dẫn. Ví dụ, số đầu tiên sau số Tết, chúng tôi đặt cộng tác viên viết về đề tài dân số dài kỳ nhưng cực kỳ hấp dẫn. Đó là vệt bài 5 kỳ “Xóm 10 vợ và quả bom dân số ven đường 1A”. Với những đề tài như vậy, báo vừa bám sát tôn chỉ mục đích, vừa hấp dẫn và nhờ đó nó đi được vào đời sống.

Thời gian đầu, vì thiếu nhân sự nên tôi là Phó Tổng Biên tập phải kiêm Thư ký tòa soạn, kiêm luôn cả nhiệm vụ biên tập viên, thậm chí là cả đọc morat. Một tuần ra một số báo nhưng tôi và một số anh em làm suốt cả tuần, ngày nào cũng làm đến đêm mới về. Tuy nhiên, khó khăn là vậy nhưng cái được cũng vô cùng lớn. Báo phát triển rất nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Chúng tôi tạm coi như vậy là thành công. Thuở ban đầu ấy có khó khăn, gian khổ nhưng chúng tôi có hào khí và động lực làm việc bởi tờ báo tăng trưởng mạnh mẽ, được bạn đọc đón nhận.

Ai ra đi rồi cũng hướng về…

Nghe những điều ông kể, chúng tôi cảm nhận được tình yêu của ông dành cho tờ báo. Khi rời Gia đình & xã hội, chắc ông khó tránh khỏi sự luyến tiếc?

- Về phương diện cá nhân, tôi không có gì hối tiếc khi làm ở Báo Gia đình & Xã hội. Nhưng đúng là khi ra đi, tôi có chút nuối tiếc. Nuối tiếc vì mình có thể làm được nhiều hơn nữa cho báo.

Theo ông, trong thời điểm hiện nay, trước sự ra đời, phát triển mạnh mẽ của báo điện tử và các loại hình truyền thông khác, Báo Gia đình & Xã hội có khai thác được lợi thế của mình?

- Theo tôi, thế mạnh của tờ Gia đình & Xã hội vẫn là ở chỗ: Thứ nhất là mạnh dạn; thứ hai là bổ ích và thiết thực. Đây là một trong những tờ báo mà khi đọc, bạn đọc có thể lưu lại được. Nó mang tính chất công cụ để bạn đọc sau này có thêm nhiều tri thức bổ ích ngoài tính thông tin thời sự hấp dẫn. Tính thông tin thời sự chỉ sống trong ngày, sự việc trôi qua sẽ chìm vào quên lãng. Nhưng những tri thức được cung cấp từ các chuyên mục lại mang tính giáo dục. Nếu giáo dục một cách uyển chuyển thì rất dễ ngấm trong lòng bạn đọc. Đó chính là thế mạnh của báo.

Gia đình & Xã hội là một tờ báo, theo tôi là dễ làm hay bởi cái gì chẳng liên quan đến gia đình. Nó rất thiết thực với đời sống. Tất cả mọi nhu cầu của con người đều liên quan đến gia đình như ăn, ở, mặc, ngủ, đi lại, học hành…Tất cả những lĩnh vực đó nếu làm tốt đều mang lại hiệu quả. Gia đình & Xã hội cần đáp ứng được hai mũi nhọn, đó là “đánh trúng” một vài điểm thời sự hấp dẫn và mang đến những thông tin bổ ích. Hai thứ này luôn phải song hành.

Làm chuyên mục cũng phải có bản sắc. Bởi bản sắc mới làm nên sự hấp dẫn. Nó cũng giống như Facebook hiện nay. Facebook hấp dẫn ở bản sắc và quan điểm. Trong thời đại thông tin hiện nay, mọi thứ đều rất nhanh. Một cái click chuột là tất cả các thông tin đều giống hệt nhau. Bởi thế, làm chuyên mục phải có giọng điệu khác biệt, phải có quan điểm, phải có góc nhìn và phải luôn luôn đổi mới. Cũng giống như Facebook, người ta quan tâm đến conmmet. Nó thu hút người đọc bởi comment. Đấy chính là sức nặng của góc nhìn sâu, thấu đáo, của quan điểm, của bản sắc. Muốn chuyên mục có bản sắc, có giọng điệu thì người làm chuyên mục, người viết chuyên mục cần có nội hàm văn hóa mới có thể làm được. Chuyên mục chính là nơi tạo ra được góc nhìn sâu, khác biệt, thông minh và thấu đáo.

Quãng thời gian công tác tại Báo Gia đình & Xã hội có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời làm báo của ông?

- Trong đời làm báo của tôi có 3 ba dấu mốc. Thứ nhất là Báo Thanh Niên, đây là dấu mốc tôi bước chân vào nghề báo, tiếp cận nghề báo. Tôi được làm và được học rất nhiều ở đó. Ở Báo Thanh Niên, tôi cũng được ghi nhận và được bổ nhiệm rất sớm, khi mới 26 tuổi.

Còn Báo Gia đình & Xã hội là một dấu mốc khác. Đó là lần đầu tiên tôi được “cầm nội dung” một tờ báo, làm trọn vẹn nội dung một tờ báo theo ý tưởng của mình khi 30 tuổi.

Dấu ấn thứ ba là với Báo Đời sống & Pháp luật. Khi tôi về đó, khó khăn hơn rất nhiều nếu so sánh với thời làm ở Báo Gia đình & Xã hội. Bởi xây dựng một tờ báo, một thương hiệu mới tinh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều một tờ báo đã có sẵn và đang còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Tuy nhiên thời gian này, nhờ kiên trì ở lại nên rồi cuối cùng mình cũng làm được và cũng thành công.

Khoàng thời gian công tác ở Báo Gia đình & Xã hội, tôi nghĩ là mình bắt đầu có độ chín, đủ nhiệt huyết, sức bật của tuổi trẻ, có cảm hứng, có động lực, có lửa nghề. Vì thế đây là dấu mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo của tôi.

Tập thể của Báo Gia đình & Xã hội tuy ít người nhưng lại là tập thể tôi nhớ nhất. Tập thể đó có rất nhiều tính cách, kể cả người nhiều tuổi cũng như người ít tuổi. Những người làm ở báo Gia đình & Xã hội luôn luôn có một sự khác biệt, đúng như tên gọi, đó là một gia đình. Ở đó mọi người yêu quý nhau. Ai đi ra rồi cũng phải nhớ về, hướng về, như người ta nhớ về ngôi nhà thân yêu của mình…

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/gia-dinh-va-xa-hoi-nho-nhung-buoi-dau-gian-kho-20190618144040371.htm