Gia đình vượt khó, xây dựng cuộc sống tốt đẹp

Năm 1952, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào những năm cuối, đang công tác tại chiến khu 10, cha tôi được cử lên Cao Bằng công tác tại Tổng kho tiếp nhận hàng viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa giúp ta kháng chiến. Tổng kho đặt tại xóm Nà Bao, xã Minh Tâm (Nguyên Bình). Để phục vụ cho Chiến dịch Tây Bắc 1953 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, tổng kho tiếp nhận các loại vật tư - kỹ thuật: dây hữu tuyến, phụ tùng ô tô, máy phát điện quay tay... được nhập qua Trung Quốc.

Từ tổng kho - nơi sau này hình thành nên gia đình với bao ký ức, kỷ niệm một thời không thể nào quên giữa rừng già heo hút, cha mẹ tôi thành thân với tình yêu giữa chiến sĩ coi kho và cô thiếu nữ gánh hàng qua đường. Điều kỳ diệu là cha bên Lương lại cưới được vợ bên Giáo (Công giáo), điều này ít khi có ở giai đoạn đó.

Cha mẹ lấy nhau tá túc trong lán của khu kho bom dã chiến ven đường và tôi được sinh ra khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Phát hiện ra địa điểm tập kết của ta, địch đã dùng máy bay đánh bom, trận ném bom không trúng nhà kho lại lạc vào nhà dân làm chết 1 cụ bà và 1 con ngựa. Mới 2 tháng tuổi, tôi được mẹ bế xuống cái cống thoát nước tránh bom.

Hòa bình lập lại, cha quyết định xin thôi công tác và không trở lại quê hương Vĩnh Phúc. Hai con người tay trắng dựa vào nhau tần tảo kiếm sống nuôi đàn con. Không nghề nghiệp, không ruộng nương như kẻ tha phương, cầu thực. Nhờ có chút văn hóa lớp 4 thời Pháp, cha tham gia làm giáo viên học vụ, dạy chữ cho bà con, sau đó dạy lớp vỡ lòng để được trả công bằng thóc. Không thể tả xiết nỗi cơ cực của cái tổ ấm bé nhỏ giữa hoang vu rừng núi. Vừa dạy học vừa phát rẫy làm nương để cứ 2 năm lại thêm 1 đứa con ra đời. Không trạm xá, không nữ hộ sinh. Khi mẹ trở dạ cha làm bà đỡ. Tự chăm chút cho vợ con hoặc nhờ các bà trong làng hỗ trợ. Không có cái ăn cha vào các làng lân cận xin từng nắm thóc về xay giã cho mẹ ăn để có sữa nuôi con.

Cho đến bây giờ nghĩ lại vẫn không hiểu tại sao gia đình bé nhỏ ấy có thể hình thành và tồn tại cho đến hôm nay. Từ năm 1954 - 1971, có 8 anh em (4 trai, 4 gái) ra đời trong đói nghèo, khốn khó không nơi nương tựa. Như tổ ong rừng, đứa lớn trông đứa nhỏ, đứa lớn hơn giúp cha mẹ chăn bò, trồng ngô, trồng sắn. Tám đứa không đường sữa, thuốc men vẫn lớn lên như măng rừng dù cơm ăn không đủ no, áo quần không đủ mặc. Ngày hòa bình lập lại, đất nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cho miền Nam đánh Mỹ nên không có chính sách gì để hỗ trợ cho hộ đói nghèo như hiện nay. Cuộc sống cứ thế trôi đi với việc phải kiếm sống từng bữa, bữa ăn chủ yếu của gia đình là cơm ngô độn sắn, củ mài với rau rừng. Cha mẹ tần tảo làm mọi việc để có thể kiếm sống từ dạy học, làm nương, bán củi rồi mở quán phở. Cứ tối đến tôi cùng cha vào các làng mua gà, gạo gánh về làm hàng. Thực khách đi lại cũng thưa thớt nên việc mua bán chẳng được là bao. Giáp hạt là mùa cơ cực do thiếu ăn nên mới 12 tuổi tôi đã phải vác cuốc, thuổng vào rừng để đào củ.

Đại gia đình trong buổi họp mặt đầu xuân mới.

Đại gia đình trong buổi họp mặt đầu xuân mới.

Làng Nà Bao ngày đó cây củ mài (hoài sơn) rất dồi dào, tuy đào củ rất vất vả mà thành quả hôm được hôm không, vì vậy dù phía sau còn một đàn em nheo nhóc tôi vẫn quyết đi học. Không hiểu sao lúc đó chưa được 10 tuổi mà mình tôi đi 5 cây số đến trường, vượt đường rừng đầy muỗi, vắt từ Nà Bao qua Minh Tâm học từ lớp 3 đến lớp 7, đến lớp 8 thì phải bỏ học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Năm 1972 khi vừa tròn 18 tuổi, tôi rời xa ngôi nhà nhỏ 3 gian, cha mẹ và 7 đứa em nheo nhóc đang tuổi ăn, tuổi lớn lên đường nhập ngũ ra mặt trận.

Lăn lộn trên chiến trường cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng chỉ với một khát vọng cùng đồng đội chiến đấu sẵn sàng ngã xuống cho Tổ quốc, cho danh dự gia đình.

Cuối năm 1976 tôi mới được nghỉ phép về thăm gia đình, cha mẹ đã già vì cuộc sống lam lũ. Đàn em chỉ có 1 đứa đi làm giáo viên, còn lại ở nhà phụ gia đình, 1 đứa là xã viên còn lại đang tuổi đi học. Lúc này tôi mới biết các em chỉ học đến lớp 4, lớp 6 rồi bỏ học để lao động kiếm sống.

Năm 1979, trong chiến tranh biên giới, địch tràn qua phá sạch nhà cửa, tài sản. Cả gia đình sơ tán vào Minh Tâm sống nhờ sự đùm bọc của bà con dân bản. Hai em trai 1 là dân quân, 1 người tham gia cùng bộ đội biên phòng, bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ căn cứ và sau này trở thành chiến sĩ bộ đội biên phòng, 1 đứa mới 16 tuổi tham gia dẫn đường cho bộ đội trinh sát nắm địch, tải đạn để kết thúc chiến tranh được tham gia Đoàn Thanh niên đi dự trại hè tại Ahamata - Liên Xô vì được tặng Huy chương tuổi trẻ anh dũng bảo vệ Tổ quốc.

Xuất thân từ một gia đình bần nông vào loại nghèo nhất vùng, nhưng qua thời gian bằng ý chí vươn lên, cả 8 chị em đến nay đều yên bề gia thất, có cuộc sống ổn định. Nhớ lời cha dặn “đói cho sạch, rách cho thơm” cả đại gia đình đoàn kết trong tình yêu thương, trong niềm biết ơn bà con xã Bắc - Minh - Lang đã đùm bọc, nhường cơm, xẻ áo để gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn.

Hơn 70 năm, từ ngày hình thành tổ ấm bé nhỏ, đến nay con cháu, chắt, dâu rể đã trên 60 thành viên, hầu hết các thành viên đều có cuộc sống ổn định. Chỉ tính riêng đảng viên đã có đủ số lượng để thành lập đảng bộ cơ sở. Số có bằng đại học, cao học ngày càng được bổ sung để tham gia công tác trong cơ quan, trường học. Các thành viên tham gia sản xuất, kinh doanh đã và đang đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của tỉnh.

Mạnh Hùng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/gia-dinh-vuot-kho-xay-dung-cuoc-song-tot-dep-3170715.html