Giá đô la tăng vọt gây sức ép lên tiền đồng

Tiền đồng điều chỉnh giảm trong tuần trước khi chỉ số sức mạnh của đồng đô la Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn lạc quan về sức mạnh của xuất khẩu và dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam trong năm nay.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ vừa cập nhật của Công ty chứng khoán SSI, tỷ giá trong tuần qua có sự điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, tiền đồng giảm theo các đồng tiền trong khu vực, trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mạnh lên.

Diễn biến tỷ giá trên các thị trường. Nguồn: SSI.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá tăng 0,6%, lên khoảng 23.095 đồng/đô la, trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 140 đồng, kết tuần giao dịch ở vùng 23.230 (chiều bán ra). Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh 265 đồng ở chiều mua vào và 355 đồng ở chiều bán ra, giao dịch ở mức 23.820 chiều mua vào và 23.930 chiều bán ra.

Ngân hàng nhà nước cũng đã nâng giá bán đô la kỳ hạn, lên mức 23.250 đồng/đô la, tăng khoảng 200 đồng, sau khi sử dụng công cụ bán kỳ hạn hợp đồng đô la 3 tháng nhằm hỗ trợ thanh khoản đô la cho thị trường, theo SSI.

Tỷ giá tiền đồng tăng trong bối cảnh giá đô la Mỹ tăng vọt. Chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ một số đồng tiền mạnh trên thế giới) tính đến ngày 13-5 tăng 9,3% so với cuối năm 2021, trở về vùng cao nhất trong vòng 20 năm qua, theo Công ty chứng khoán BVSC.

Đồng đô la tăng khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trước đó tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, cũng là mức điều chỉnh tăng lớn nhất trong 22 năm qua, theo BVSC, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu hẹp bảng cân đối tài sản.

Việc nâng lãi suất đồng bạc xanh ngay lập tức đã tác động đến tiền đồng nói riêng và các đồng tiền khác. Tuy nhiên, theo BVSC, mức giảm giá của tiền đồng vẫn được đánh giá là “nhẹ nhàng” khi tỷ giá tiền đồng chỉ tăng 1,16% so với hồi đầu năm, mức mất giá thấp nhất so với nhiều đồng tiền khác.

Tương tự, SSI cho rằng trong tuần trước, tỷ giá tuy có tăng mạnh nhưng chưa đến mức đáng lo ngại, vì mức hiện tại chỉ tương đương so với cùng kỳ và vẫn thấp hơn mức đỉnh được xác lập vào tháng 3-2020.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, áp lực giảm giá tiền đồng dự kiến sẽ còn mạnh mẽ hơn khi lạm phát Mỹ tiếp tục ở mức cao, là cơ sở để Fed tiếp tục mạnh tay thu hẹp chính sách tiền tệ.

Tiền đồng cũng chịu sức ép giảm giá vì lạm phát trong nước. Yếu tố lạm phát cũng ngày càng rõ rệt hơn trong bối cảnh nhiều loại nguyên vật liệu, mặt hàng, chi phí đầu vào tăng giá mạnh so với hồi đầu năm.

Biến động của nhiều loại tiền so với đồng đô la Mỹ trong tuần trước. Nguồn: SSI.

Dù vậy, theo các nhà phân tích, tỷ giá tiền đồng được đánh giá là vẫn sẽ duy trì ổn định. Theo SSI, cơ sở quan trọng để kìm tỷ giá chính là nguồn cung đô la Mỹ vẫn tiếp tục tích cực, đến từ lượng vốn FDI giải ngân, thặng dư thương mại và dòng tiền kiều hối. Dòng tiền này được cho là đủ sức bù đắp dòng vốn gián tiếp rút ra khỏi thị trường khi lãi suất đô la Mỹ tăng lên.

Báo cáo của Standard Chartered đầu tháng 5 cũng tỏ ra lạc quan về tỷ giá. Ông Divya Devesh, Trưởng nhóm nghiên cứu ngoại hối khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, thậm chí còn kỳ vọng tiền đồng sẽ tiếp tục tăng giá trong những năm tới, nhờ cán cân vãng lai và vốn FDI vào ròng tiếp tục tăng.

“Tổng cán cân vãng lai và vốn đầu tư trực tiếp ròng vào Việt Nam đạt mức trung bình hàng năm 19 tỉ đô la trong 9 năm qua. Chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ đạt 22.500 vào cuối năm 2022 và 22.000 và cuối năm 2023”, đại diện Standard Chartered chia sẻ.

Theo báo cáo của HSBC, xuất khẩu tăng trưởng cao đang là lợi thế lớn của Việt Nam. Sau khi tăng 13% trong quí 1, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 4 lại tăng hơn gấp đôi lên 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong báo cáo vĩ mô quí 1, khối nghiên cứu của HSBC đã tăng nhẹ mức dự báo tỷ giá trong ngắn hạn vì những rủi ro bên ngoài, chẳng hạn như giá dầu tăng ca. Tuy nhiên, mức dự báo đến cuối năm vẫn ở mức 22.800

Trong khi đó, báo cáo mới của VCBS đưa ra nhận định duy trì dự báo giảm giá tương đối so với đồng đô la Mỹ, với mức biến động không quá 2% cho cả năm nay.

Lý do mà VCBS đưa ra là trong giai đoạn này, nguồn cung ngoại tệ có xu hướng diễn biến không thuận lợi như các năm trước, trong bối cảnh Việt Nam tăng nhập khẩu nhưng giá cả hàng hóa nguyên liệu lại tăng cao. Tăng trưởng vốn FDI giải ngân và đăng ký chỉ ở mức trung bình. Thêm nữa, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng kém sắc trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn.

Trong năm ngoái, tiền đồng trên thực tế duy trì xu hướng đi ngang, thậm chí tăng giá so với đồng đô la Mỹ. Điều này được lý giải là do tình trạng xuất siêu nhất trong 5 năm trở lại đây, cũng như nhu cầu đô la giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19, dự trữ ngoại hối duy trì ở mức cao, đặc biệt là Việt Nam được gỡ khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-do-la-tang-vot-gay-suc-ep-len-tien-dong/