Giá đồng tiết lộ những gì về tình hình sức khỏe của nền kinh tế thế giới?
Liên tiếp các sự kiện từ xung đột chính trị, tới lạm phát và dịch bệnh đã khiến cho giá đồng tăng trưởng ổn định từ đầu năm. Dù vậy, những yếu tố hỗ trợ cho giá khó có thể duy trì trong khoảng thời gian dài.
Căng thẳng chính trị thúc đẩy sức mua trên thị trường
Từ đầu năm tới nay, giá đồng tăng 7,3% lên 10,473 USD/tấn, và hoàn toàn vượt trội so một số mặt hàng kim loại khác như vàng hay bạch kim. Chỉ số MXV-Index Kim loại tăng 2% lên mức 2.224 điểm. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đây là chỉ số thể hiện sự biến động của các mặt hàng ở Sở đang được liên thông với thế giới gồm: bạc, bạch kim, đồng, quặng sắt, nhôm, chì, thiếc, kẽm và niken.
Hiện nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với sức ép lạm phát do giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, trước ảnh hưởng của những căng thẳng địa chính trị ở khu vực Biển Đen. Chỉ số Bloomberg Commodity Index (BCOM), đo lường “rổ hàng hóa” gồm: dầu, khí đốt, kim loại công nghiệp, và các loại ngũ cốc như: đậu tương, lúa mì, đã tăng 25% từ đầu năm tới nay.
Kim loại đồng vốn được coi là chỉ báo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, bởi giá đồng có xu hướng tăng khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, tuy nhiên, đà tăng trong thời gian hiện nay của thị trường nhiều khả năng phản ánh các kịch bản tiêu cực hơn.
Cụ thể, sức mua trên thị trường đồng chủ yếu xuất phát từ những lo ngại về tình trạng nguồn cung bị thắt chặt. Nga và Ukraine tuy không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung, nhưng xung đột giữa 2 nước khiến chi phí luyện đồng trở nên đắt đỏ hơn, và cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở khu vực châu Âu. Bên cạnh đó, sức mua cũng gia tăng trên thị trường trong bối cảnh các mỏ đồng ở Peru, nơi chiếm hơn 20% khối lượng xuất khẩu của thế giới, phải tạm dừng hoạt động vì các cuộc biểu tình của người dân.
Dịch bệnh ở Trung Quốc gia tăng sức ép lên giá
So với sự biến động mạnh mẽ của nhiều loại hàng hóa như: dầu thô, lúa mì, thị trường đồng có được sự tăng trưởng đều đặn hơn. Giá lập đỉnh cao nhất mọi thời đại ở mức 11,096 USD/tấn vào ngày 7/3, tuy nhiên sau đó ngay lập tức giảm mạnh, bởi sức mua gặp phải lực cản lớn đến từ các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là nhà tiêu thụ đồng số 1 thế giới, chiếm hơn 50% sản lượng mỗi năm, nên giá đồng thường gắn liền với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu.
Hiện nước này đang trải qua đợt bùng phát dịch lớn nhất từ năm 2020 đến nay, với gần 150.000 ca nhiễm. Để duy trì mục tiêu “Không Covid”, các nhà chức trách đã thực hiện nhiều phương pháp chống dịch nghiêm ngặt ở các tỉnh thành lớn như: Thượng Hải, Thâm Quyến hay Cát Lâm. Đáng chú ý, Thượng Hải và Thâm Quyến là 2 mũi nhọn của nền kinh tế Trung Quốc, nên việc phong tỏa và cấm đường đã làm cho nhiều hoạt động sản xuất, cũng như vận chuyển rơi vào trạng thái bị đình trệ.
Cảng Thượng Hải và Thâm Quyến là 2 cảng biển lớn thứ 1 và thứ 4 trên thế giới, dù vẫn đang hoạt động, nhưng công suất bị giảm đáng kể vì lệnh hạn chế đi lại cũng như số lượng nhân công làm việc tại các cảng bị cắt giảm. Hãng tin Reuters cũng cho biết, số lượng tàu đang neo chờ cập bến ngày một tăng, thậm chí phải chuyển hướng sang các cảng khác, như cụm cảng Ninh Ba-Chu Sơn.
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ trở nên trầm trọng hơn do giá cước thuê tàu gia tăng, còn thời gian chờ xếp dỡ tại các cảng cũng bị kéo dài. Các hoạt động xuất nhập khẩu đồng của Trung Quốc cũng đang ở trong tình trạng bị tê liệt, khiến cho mức tồn kho nội địa liên tục giảm. Hiện mức dự trữ đồng trên Sở Thượng Hải đã giảm 57% về 42.621 tấn trong vòng 3 tuần, và cũng là mức thấp nhất cùng kỳ kể từ năm 2018 tới nay.
Không chỉ thiếu hụt về nguồn cung, triển vọng tiêu thụ đồng của Trung Quốc vẫn rất tiêu cực, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng thanh khoản của thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp lớn, tiêu biểu là tập đoàn Evergrande, vẫn đang xoay sở để trả nợ trái phiếu trong bối cảnh nguồn tiền mặt cạn kiệt, và không thể gia tăng doanh thu vì các hoạt động xây dựng, và đầu tư bất động sản bị trì hoãn vì dịch bệnh.
Bên cạnh đó, mật độ dân số cao của Trung Quốc cũng là thách thức đối với công cuộc hạn chế sự lây lan dịch bệnh ở nước này. Các chuyên gia cũng dự báo, Trung Quốc sẽ không thể duy trì các biện pháp chặt chẽ này trong thời gian dài, để tránh làm cho nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái.
Có thể thấy, những tác động tiêu cực kể trên là yếu tố ngăn cản dòng vốn của các nhà đầu tư đến với thị trường đồng và rất có thể sẽ gây sức ép lên giá trong khoảng thời gian sắp tới.
Tác động gián tiếp từ những chính sách tiền tệ
Bên cạnh những yếu tố cơ bản về cung cầu, giá đồng còn chịu ảnh hưởng nhất định từ sự thay đổi trong các chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn.
Trong tháng 3 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiến hành nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2018, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng tiến hành nâng lãi suất lần thứ 3 trong vòng 4 tháng lên 0,75%. Những động thái này đều cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đang ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát. Công cụ theo dõi lãi suất, CME Watch Tool cho thấy có tới 66,6% khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 5 sắp tới, để đưa mức lãi suất điều hành lên 0,75%-1,0%.
Các chính sách thắt chặt tiền tệ này sẽ làm giảm dòng tiền được lưu thông, và buộc các nhà đầu tư sẽ phải rút bớt vốn khỏi các thị trường tài chính, trong đó có thị trường đồng. Ngoài ra, việc tăng lãi suất cũng sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, và gián tiếp làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với đồng.
Hiện Trung Quốc và Liên minh châu Âu là 2 khu vực kinh tế lớn vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn duy trì mức lãi suất 0% từ năm 2016 đến nay và không thể cắt giảm thêm. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) dù đã có những động thái cắt giảm mức dự trữ bắt buộc và những cam kết sẽ hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên, những đợt bơm thanh khoản của PBOC trong thời gian vừa qua đều nhỏ giọt và không đáng kể so với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, nên cũng không mang lại những tác động tích cực đối với thị trường đồng.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, thị trường đồng hiện vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng đều đặn, tuy nhiên, đà tăng có thể sẽ không kéo dài do những áp lực kép đến từ cả yếu tố cung cầu, lẫn các chính sách vĩ mô.