Giá gà trắng lao dốc, người chăn nuôi thua lỗ nặng
Anh Phạm Văn Nhu, xã Thanh Sơn (Kim Bảng), chủ trang trại chăn nuôi gà trắng liên kết với doanh nghiệp có quy mô 10 nghìn con/lứa, đồng thời nuôi thêm 1.000 con gà trắng xuất bán ra thị trường tự do. Lứa gà trắng xuất chuồng đầu tháng 8 vừa qua, giá cả thị trường xuống thấp, anh phải bán với giá hơn 20 nghìn đồng/kg, chưa đủ chi phí sản xuất cho 1 kg sản phẩm.
Anh Phạm Văn Nhu, xã Thanh Sơn (Kim Bảng), chủ trang trại chăn nuôi gà trắng liên kết với doanh nghiệp có quy mô 10 nghìn con/lứa, đồng thời nuôi thêm 1.000 con gà trắng xuất bán ra thị trường tự do. Lứa gà trắng xuất chuồng đầu tháng 8 vừa qua, giá cả thị trường xuống thấp, anh phải bán với giá hơn 20 nghìn đồng/kg, chưa đủ chi phí sản xuất cho 1 kg sản phẩm.
Anh Nhu cho biết: Thời gian gần đây, giá gà trắng đảo chiều xuống quá thấp, mỗi kg gà xuất chuồng bị lỗ từ 6 - 7 nghìn đồng. Gà trắng hoàn toàn được nuôi theo phương pháp công nghiệp nên đến thời điểm phải xuất bán, không thể giữ lại chờ giá tăng như nuôi gà thả vườn hay bán công nghiệp.
Thực tế, thời gian qua giá gia cầm luôn trong tình trạng bấp bênh. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, giá các mặt hàng nông sản, trong đó có giá gia cầm giảm mạnh, nhất là giá bán gà trắng xuất chuồng giảm xuống sâu, còn xung quanh 20 - 22 nghìn đồng/kg, giảm hơn 10 nghìn đồng/kg so với trước. Không chỉ gặp khó khăn về giá bán, chi phí “đầu vào” chăn nuôi đang bị đội lên cao. Thức ăn công nghiệp cho gà trắng từ đầu năm đến nay đã tăng giá 4 đợt, với mức tăng khoảng hơn 20% so với trước. Cùng với đó, gà trắng được nuôi hoàn toàn bằng phương pháp công nghiệp nên suất đầu tư lớn. Hệ thống chuồng trại đều phải xây dựng theo mô hình chuồng kín có hệ thống làm mát, quạt gió… Mỗi lứa gà trắng thường dao động từ 40 – 45 ngày phải xuất bán. Do tác động của dịch Covid-19, đầu ra cho sản phẩm gà trắng cũng khó khăn và chậm hơn trước. Có nhiều trang trại đã phải lùi ngày bán 7 – 10 ngày, hoặc lâu hơn ảnh hưởng đến chi phí và làm chậm cả lứa gà tiếp theo.
Theo tính toán, với giá bán hiện tại, người chăn nuôi gà trắng đang chịu thua lỗ nặng. Giá thành sản xuất cho 1 kg sản phẩm gà trắng thịt phải chi phí lên đến 28 nghìn đồng tiền giống, thức ăn, chuồng trại, điện, vắc - xin… Như vậy, chỉ cần người dân nuôi quy mô 1 nghìn con đã thua lỗ khoảng trên 20 triệu đồng/lứa. Cũng theo anh Phạm Văn Nhu, giá cả bấp bênh ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi gà trắng của các trang trại. Thực tế, giá bán giữa các lứa gà lúc lên, xuống rất khó để bù được khoản lỗ khi một đợt giá xuống quá thấp. Khó khăn nữa, chuồng trại đã đầu tư không thể dừng nuôi chờ giá lên.
Chăn nuôi gia cầm của tỉnh thời gian qua phát triển khá mạnh, duy trì tổng đàn 9 triệu con, riêng gà trắng gần 2 triệu con, chiếm khoảng 20% tổng đàn. Trong đó, có 36 trang trại nuôi gia công cho doanh nghiệp có quy mô khoảng từ 6 – 10 nghìn con/lứa; số lượng còn lại là các trang trại của người dân tự đầu tư. Sản phẩm gà trắng được các đầu mối tiêu thụ chính phục vụ các bếp ăn trong các khu công nghiệp, quán ăn… Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các mối tiêu thụ hạn chế do khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển. Các quán ăn phần lớn ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm đáng kể.
Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản (Sở NN & PTNT) đánh giá: Gà trắng là đối tượng con nuôi đặc thù, chịu tác động rất lớn từ biến động của thị trường. Ngay việc tiêu thụ sản phẩm cũng phải thực hiện tập trung theo lứa dẫn đến khi giá xuống thấp, người chăn nuôi dễ bị thua lỗ nặng.
Trước tình hình giá gà trắng xuống thấp, người chăn nuôi cần tính toán trong việc nhập số lượng đàn mới; đồng thời củng cố hệ thống chuồng trại bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, chủ động duy trì số lượng đàn hợp lý, hạn chế ảnh hưởng do tác động của giá cả bấp bênh, ổn định chăn nuôi trong điều kiện khó khăn hiện nay.