Giá gạo Ấn Độ tiếp tục giảm, nông sản Mỹ sụt nhẹ, càphê thế giới bật tăng mạnh
Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm ba tuần liên tiếp, trong khi lúa mỳ, ngô, đậu tương Mỹ cũng mất giá. Ngược lại, giá càphê trên cả thị trường thế giới và trong nước đều bật tăng ấn tượng.

Công nhân vận chuyển gạo tại nhà kho ở Jalandhar, Ấn Độ. (Nguồn: ANI/TTXVN)
Thị trường nông sản thế giới tiếp tục ghi nhận những biến động trái chiều trong tuần qua: gạo Ấn Độ giảm mạnh, nhóm nông sản Mỹ sụt nhẹ, còn giá càphê bật tăng trên cả hai sàn giao dịch lớn.
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm tuần thứ ba liên tiếp, do chịu áp lực từ nhu cầu thị trường suy giảm, đồng rupee yếu và tình trạng dư cung. Trong khi đó, giá gạo nội địa tại Bangladesh vẫn duy trì ở mức cao bất chấp vụ thu hoạch bội thu.
Loại gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 375-380 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2023. Tuần trước, giá dao động trong khoảng 377-382 USD/tấn. Trong tuần này, gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ có giá từ 372-377 USD/tấn.
Một thương nhân tại New Delhi cho biết việc đồng rupee mất giá và nguồn cung dồi dào từ vụ mùa năm ngoái đang cho phép các nhà xuất khẩu hạ giá bán, trong khi nhu cầu từ nước ngoài vẫn còn yếu.
Trong khi đó, giá gạo tại Bangladesh vẫn ở mức cao bất chấp một vụ thu hoạch bội thu, với sản lượng tăng 15% so với năm ngoái.
Theo giới thạo tin trong ngành, dù sản lượng lúa vụ Hè đạt mức cao kỷ lục, cả nông dân và người tiêu dùng đều không được hưởng lợi trong bối cảnh chi phí đầu vào cao, tình trạng thao túng thị trường của các thương lái trung gian và sự kém hiệu quả của chuỗi cung ứng.

Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Còn tại Việt Nam, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 381 USD/tấn.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số thương nhân đang tăng cường thu mua lúa gạo từ nông dân để phục vụ cho các hợp đồng trong tương lai, và điều này đã đẩy giá nội địa tăng nhẹ.
Trong khi đó, các thương nhân cho biết giá gạo 5% tấm của Thái Lan không thay đổi so với tuần trước, ở mức 380-385 USD/tấn.
Một thương nhân tại Bangkok nhận định, mặc dù đồng USD yếu và giá gạo đáng lẽ phải tăng, nhưng do vẫn chưa có người mua nên giá bị ghìm ở mức thấp. Ông cũng cho biết thêm rằng nguồn cung đang dần được đưa ra thị trường.
Thị trường nông sản Mỹ
Trong phiên giao dịch ngày 25/7, giá lúa mỳ, ngô và đậu tương kỳ hạn tại Sàn Giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) đã đồng loạt giảm.
Giá lúa mỳ giảm 3,25 xu Mỹ, xuống còn 5,3825 USD/bushel, do nguồn cung toàn cầu dồi dào từ các vụ thu hoạch đang diễn ra ở Bắc Bán cầu đã lấn át hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của Mỹ. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô giảm 1,75 xu Mỹ, xuống 4,19 USD/bushel, trước những dự đoán về một vụ thu hoạch lớn tại Mỹ.

Lúa mỳ sau khi được thu hoạch tại Jalandhar, Ấn Độ. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Các nhà giao dịch cho biết giá ngô còn chịu áp lực từ các dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ ban đêm tại khu vực Trung Tây sẽ ôn hòa hơn trong tháng Tám. Điều này có thể mang lại lợi ích cho cây trồng trong giai đoạn vào hạt quan trọng.
Giá đậu tương phiên 25/7 giảm 3,25 xu Mỹ, xuống còn 10,21 USD/bushel, do những bất ổn thương mại và nhu cầu xuất khẩu yếu.
Thị trường càphê thế giới
Thị trường thế giới ghi nhận mức tăng giá đáng kể trong phiên 26/7. Trên sàn London, giá càphê robusta giao tháng 9/2025 tăng 49 USD lên 3.349 USD/tấn.
Cùng chiều đi lên, giá càphê arabica trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 9/2025 tăng 3,5%, đạt 304,85 xu Mỹ/lb (1 lb=0,4535 kg). Các kỳ hạn còn lại tăng từ 2,75% đến 3%.
Cùng chung xu hướng, thị trường càphê trong nước cũng bật tăng mạnh mẽ. Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá càphê phổ biến dao động từ 97.000-97.500 đồng/kg.

Nông dân thu hoạch hạt càphê. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lâm Đồng thu mua càphê với giá thấp nhất trong tất cả các khu vực mặc dù tăng thêm 1.300 đồng/kg, hiện niêm yết ở mức 97.000 đồng/kg.
Giá càphê trên thị trường nội địa và thế giới trong một tuần trở lại đây tiếp tục duy trì xu hướng tăng mạnh.
Đây không còn là diễn biến nhất thời mà phản ánh một loạt yếu tố mang tính nền tảng và toàn cầu, từ khí hậu bất lợi, chi phí sản xuất leo thang, tới chính sách thương mại và biến động trong chuỗi cung ứng./.