Cựu chiến binh Nguyễn Cao Động gieo sinh kế xanh nơi đồng trũng

Từng là người lính kiên cường giữa chiến trường khói lửa, cựu chiến binh Nguyễn Cao Động nay là tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế. Trở về sau chiến tranh, ông tiên phong đưa giống cỏ bàng về vùng đồng trũng quê nhà, xây dựng mô hình sản xuất ống hút sinh học, tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần bảo vệ môi trường.

Từ người lính nơi chiến trường khói lửa

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, tôi tìm đến cánh đồng cỏ bàng ở thôn Tào Xá (xã Bắc Đông Hưng, tỉnh Hưng Yên). Mở ra trước mắt tôi là màu xanh mướt của những luống cỏ bàng thẳng hàng, đều lối, thay thế hoàn toàn vùng đất chua trũng, bỏ hoang trước kia. Phía sau sự hồi sinh ấy là nỗ lực bền bỉ và khát vọng nâng cao giá trị ruộng đồng quê hương của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Cao Động (sinh năm 1958).

Đang tỉ mỉ kiểm tra độ vươn, màu sắc từng thân cỏ, vừa thấy tôi, ông Động liền dừng tay, niềm nở mời về nhà uống chén trà xanh. Trong căn nhà nhỏ giữa thôn Tào Xá, người lính năm xưa chậm rãi kể lại hành trình quân ngũ nhiều gian khổ nhưng cũng đầy tự hào.

 Cựu chiến binh Nguyễn Cao Động.

Cựu chiến binh Nguyễn Cao Động.

Năm 1976, khi vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Cao Động tạm biệt gia đình, quê hương, lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, chiến sĩ trẻ Nguyễn Cao Động được phân công về Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 22, Quân đoàn 4 (nay là Quân đoàn 34), huấn luyện tại căn cứ Sóng Thần (Bình Dương, nay là TP Hồ Chí Minh).

Cuối năm 1978, ông cùng đơn vị tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc. Tiếp đó, phối hợp với lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đập tan chính quyền Pol Pot phản động, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh (7-1-1979). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Campuchia, năm 1979, ông Nguyễn Cao Động được phân công về Đại đội 2, Tiểu đoàn 3 trực thuộc Lữ đoàn 405 (Quân khu 3), tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tại đây, ông cùng đồng đội kiên cường bám trụ, góp phần giữ vững từng tấc đất thiêng liêng nơi phên giậu Tổ quốc. Đến năm 1981, Nguyễn Cao Động xuất ngũ, trở về quê hương.

 Nhận thấy tiềm năng từ cây cỏ bàng, ông Động mạnh dạn tìm hiểu và trồng thử trên đất quê hương.

Nhận thấy tiềm năng từ cây cỏ bàng, ông Động mạnh dạn tìm hiểu và trồng thử trên đất quê hương.

Đến chiến sĩ nơi mặt trận kinh tế

Trở về với đời thường, CCB Nguyễn Cao Động bắt đầu xây dựng lại cuộc sống từ ruộng đồng. Ông chia sẻ: “Giống như nhiều hộ dân trong xóm, kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây lúa. Dù sở hữu hơn 1 héc-ta ruộng, nhưng là vùng đồng trũng nên thường xuyên ngập úng, đất bạc màu, năng suất không cao, đời sống không khấm khá lên được”.

Đó không chỉ là câu chuyện riêng của gia đình ông, mà là thực trạng của nhiều nông dân trong vùng. Việc cơ giới hóa gặp khó khăn do địa hình trũng thấp, canh tác thủ công vẫn phổ biến, hiệu quả kinh tế mang lại không tương xứng với công sức bỏ ra. Nhiều lao động trung niên không có việc làm ổn định, đời sống còn nhiều bấp bênh.

Trong hoàn cảnh ấy, với bản lĩnh vững vàng, quyết tâm vượt khó đã được tôi rèn trong những năm tháng quân ngũ, ông Động trăn trở tìm hướng đi mới, để tận dụng đất hoang hóa, tạo việc làm cho bà con và mở ra cơ hội kinh tế bền vững.

“Chồng của cháu gái tôi là một kỹ sư nông nghiệp người Nam Phi. Năm 2021, trong một lần trò chuyện cậu ấy, tôi được biết rằng, ở nhiều nước, người ta sử dụng ống hút làm từ cỏ bàng thay vì ống hút nhựa, để thân thiện với môi trường. Nghe thấy vậy, tôi nảy ra ý tưởng đem cỏ bàng về ruộng quê mình để trồng”, ông Động nhớ lại.

Thành công ở 1,08 héc-ta ban đầu, vợ chồng ông Động tiếp tục mua lại ruộng bỏ hoang, đến nay, tổng diện tích trồng cỏ bàng là 4,32 héc-ta.

Thành công ở 1,08 héc-ta ban đầu, vợ chồng ông Động tiếp tục mua lại ruộng bỏ hoang, đến nay, tổng diện tích trồng cỏ bàng là 4,32 héc-ta.

Nghĩ là làm, ông Động đến tỉnh Long An (nay là tỉnh Tây Ninh) để tìm gặp nông dân, học hỏi cách trồng và xin giống cỏ bàng về trồng thử trên phần ruộng của gia đình. Mỗi sáng tưới nước, nhìn mầm cỏ lên xanh mướt, khỏe mạnh, vợ chồng ông Động phấn khởi, tin rằng cây cỏ bàng có thể thích nghi với đất quê mình. Từ thành công ban đầu ấy, ông nhận ra tiềm năng phát triển lâu dài của loại cây này và mạnh dạn đề xuất ý tưởng khởi nghiệp với chính quyền địa phương. Được Ủy ban nhân dân xã cùng các cơ quan chức năng ủng hộ, ông bắt tay vào chuyển đổi 1,08 héc-ta đất trồng lúa sang trồng cỏ bàng.

Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển đổi, ông Động cùng vợ bắt tay vào cải tạo đồng ruộng. Ông phá bỏ các bờ thửa nhỏ, san phẳng mặt ruộng, chỉnh trang lại hệ thống thoát nước để phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cỏ. Những khu vực đất trũng sâu được bồi đắp lại cho đồng đều, bờ vùng được củng cố chắc chắn để giữ ẩm và chống ngập. Trước khi xuống giống, ông còn tổ chức làm sạch toàn bộ cỏ dại, tạo điều kiện thuận lợi cho cỏ bàng bén rễ, phát triển ổn định trên nền đất mới.

Thời điểm đầu, do chưa có kinh nghiệm với giống cỏ mới, ông Động gặp nhiều khó khăn. “Lúc đó, cả cánh đồng ai cũng cấy lúa, chỉ riêng tôi trồng cỏ. Tôi gieo giống trước, vậy mà khi bà con gặt xong rồi, ở ruộng nhà tôi, cỏ vẫn chưa mọc. Khi đó, tôi cũng lo, nhưng không nản. Bản chất người lính ăn vào máu rồi, đã bắt tay làm thì không bỏ cuộc giữa chừng”, ông Động nhớ lại.

 Theo ông Động, mỗi cây cỏ bàng thường cao 2m, được chia thành 3 đoạn để làm ống hút, tùy thị trường mà kích cỡ khác nhau; phần dư được tận dụng đan rổ, rá, bện chão.

Theo ông Động, mỗi cây cỏ bàng thường cao 2m, được chia thành 3 đoạn để làm ống hút, tùy thị trường mà kích cỡ khác nhau; phần dư được tận dụng đan rổ, rá, bện chão.

Từ đó, ông kiên trì mày mò cách trồng, dẫn nước, tính mật độ gieo phù hợp với vùng đất trũng. Hai tháng sau, những luống cỏ bàng bắt đầu vươn xanh giữa cánh đồng trước đây chỉ quen với cây lúa kém hiệu quả.

Biến cỏ xanh thành ống hút xuất khẩu

Sau một năm chăm sóc, cỏ bàng đủ tiêu chuẩn để thu hoạch, ông Động bước vào giai đoạn sản xuất ống hút sinh học từ loại cỏ này.

“Cỏ sau khi cắt từ ngoài đồng về phải được rửa thật sạch, rồi cắt thành từng đoạn. Tiếp đến là công đoạn thông màng trong thân cỏ, ngâm muối và giấm để khử mùi tự nhiên. Sau đó, đưa vào máy sấy khô và cuối cùng là cắt lại để tạo thành những ống hút hoàn chỉnh, đồng đều. Cuối cùng, chúng tôi đóng hộp để bán ra thị trường”, ông Nguyễn Cao Động chia sẻ.

Để vươn ra thị trường quốc tế, sản phẩm phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn kiểm định khắt khe, đặc biệt về vệ sinh và an toàn. Nhờ đáp ứng được các yêu cầu này, ống hút sinh học từ cỏ bàng của ông Động không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn được xuất sang các thị trường khó tính như: Canada, Hàn Quốc, mỗi đợt lên tới hàng triệu chiếc. Kết quả ấy cho thấy tiềm năng cạnh tranh của sản phẩm sinh học Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nhìn sản phẩm Việt rời khỏi ruộng đồng quê hương, vượt hàng nghìn cây số để đến tay người tiêu dùng nước ngoài khiến ông Động không giấu được niềm tự hào. Với ông, mỗi ống hút cỏ là một thông điệp xanh gửi gắm vào tương lai: “Tôi làm ra sản phẩm này vì mong muốn lan tỏa ý thức giảm rác thải nhựa, sử dụng vật liệu thiên nhiên để con cháu mình bớt lệ thuộc vào đồ nhựa độc hại. Nhìn sản phẩm Việt được nước ngoài tin dùng, tôi thực sự xúc động”.

 Vợ chồng ông Động phấn khởi nhìn thành phẩm của mình.

Vợ chồng ông Động phấn khởi nhìn thành phẩm của mình.

Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mô hình của ông còn tạo sinh kế thời vụ cho 20–30 lao động địa phương, phần lớn ở độ tuổi 50–60, với thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, trong niềm vui, vẫn còn đó nỗi trăn trở khi thị trường trong nước còn thờ ơ với sản phẩm thân thiện môi trường: “Người ta vẫn quen dùng ống nhựa vì rẻ và tiện. Nhưng tôi tin nếu điều mình làm thực sự mang lại giá trị cho cộng đồng thì xứng đáng để theo đuổi đến cùng”, ông Động chia sẻ.

Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, CCB Nguyễn Cao Động còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương. Là hội viên Chi hội CCB thôn Tào Xá (xã Bắc Đông Hưng, tỉnh Hưng Yên), đồng thời là Phó chi hội nông dân tập thể của thôn, ông luôn phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể địa phương để tạo việc làm cho con em hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn. Ông cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm về trồng, chế biến cỏ bàng và sản xuất ống hút cho những người có nhu cầu học hỏi, góp phần lan tỏa mô hình kinh tế xanh tại địa phương.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Trưởng thôn Tào Xá, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn, nhận xét: “Ông Nguyễn Cao Động là một CCB gương mẫu, tiên phong trong phát triển mô hình làm ống hút sinh học từ cỏ bàng. Không chỉ tạo thu nhập ổn định cho gia đình, ông còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mô hình của ông là động lực để những người khác học hỏi và làm theo, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững”.

 Sản phẩm ống hút làm từ cỏ bàng của ông Động.

Sản phẩm ống hút làm từ cỏ bàng của ông Động.

Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Động cho biết gia đình đang lên kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để có thể tiếp cận những thị trường khó tính như Nhật Bản. Đồng thời, ông cũng tiếp tục tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Những năm tháng được rèn luyện trong quân đội đã tạo nên bản lĩnh vững vàng của người lính Bộ đội Cụ Hồ không sợ hy sinh gian khổ, dám nghĩ dám làm, quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Nhìn lại thành quả của một lão nông gần 70 tuổi, khiến không ít người phải trầm trồ, thán phục. Đó là sự kết tinh của ý chí làm giàu, khát vọng cống hiến và bàn tay không lúc nào ngơi nghỉ. Mỗi ống hút cỏ ra đời là một phần nỗ lực để bảo vệ môi trường. Mỗi vụ thu hoạch là thêm một mùa việc làm cho bà con quê lúa. Giữa ruộng cỏ lộng gió, ông Động vẫn lặng lẽ gắn bó với đất, với người, với giấc mơ xanh cho mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: TRẦN HẢI LY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/cuu-chien-binh-nguyen-cao-dong-gieo-sinh-ke-xanh-noi-dong-trung-838766