Giá gạo càng tăng, doanh nghiệp càng thua lỗ
Dù giá gạo tăng liên tục trong 1 tháng trở lại đây, thế nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn vẫn đang miệt mài 'gồng lỗ' do phần lớn đơn hàng đã ký từ trước.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia cấm xuất khẩu gạo do lo ngại an ninh lương thực, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này sẽ tạo lợi ích cho các quốc gia mạnh về xuất khẩu gạo như Thái Lan, Việt Nam, nhưng lại gây thiệt hại với các quốc gia nhập khẩu gạo như Philippines và một số quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng được lợi.
Nhiều đơn vị ngành gạo khi ký hợp đồng xuất khẩu, thì lượng chân tồn kho không có hoặc có rất ít, dẫn đến phải mua gạo ở thời điểm giá tăng cao để thực hiện cho đơn hàng ký trước đó. Điều này, khiến doanh nghiệp ngành gạo đang chịu cảnh lỗ rất lớn.
Trao đổi với phóng viên bên lề tọa đàm "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam” sáng 29/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) cho biết: “Ví dụ như khi doanh nghiệp ký hợp đồng vào tháng 5, tháng 6 và giao vào tháng 8 với giá 500 USD/tấn thì giá bây giờ đã lên tới 700 USD/tấn, tức một tấn gạo xuất khẩu thì doanh nghiệp lỗ 200 USD, tương đương lỗ hơn 4,8 triệu đồng. Nếu xuất chục nghìn tấn thì con số lỗ sẽ càng tăng hơn nữa, lên tới hàng chục tỷ”.
Nhận định về tình hình hiện tại, ông Thuận khẳng định lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ không thể tăng lên trong bối cảnh giá gạo đầu vào cao như hiện nay. Bởi rất ít doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, chủ yếu mua từ nông dân, mua cao bán cao với hoàn cảnh bình thường thì sẽ lãi chênh lệch 1-2%, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại thì hầu hết là lỗ nặng.
Cho bối cảnh từ nay về cuối năm, đại diện Lộc Trời cho biết: “Doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ không có triển vọng từ nay về cuối năm, bởi trong những tháng còn lại, tại Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ thu hoạch khoảng 2 triệu tấn gạo, số lượng đơn hàng xuất khẩu giao động 6-700.000 tấn. Nhu cầu trong nước cũng tương đương với khoảng 700.000 tấn, như vậy sẽ còn dư khoảng 600.000 tấn. Tuy nhiên giá cao quá, chưa bao giờ lên cao như vậy. Đáng nói là nó lên một cách đồng loạt chứ không lên rồi xuống như trước. Với mức giá này, nông dân sẽ có lợi, còn doanh nghiệp thì rất khó”.
Trao đổi với TTXVN ngày 24/8 vừa qua, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cho biết hiện tại các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang trì hoãn đơn hàng hoặc đàm phán với khách hàng để điều chỉnh tăng giá hoặc hủy hợp đồng.
Tuy nhiên, với giải pháp đàm phán tăng giá, đa phần khách hàng không đồng ý, bởi giá gạo Việt hiện tại đang cao hơn cả Thái Lan, Hoa Kỳ và đứng đầu thế giới. Khi giá gạo quá cao trong khi chất lượng chỉ ở mức trung bình khá thì sẽ làm các doanh nghiệp nhập khẩu chọn nhà cung cấp khác.
Cùng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã: TAR) cho rằng, dù có thêm quốc gia cấm xuất khẩu gạo thì gạo Việt cũng rất khó tăng giá thêm. Trên thị trường, các nhà nhập khẩu chỉ chấp nhận mức giá 640 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu vẫn ký hợp đồng bán và phải mua lúa giá cao như hiện nay sẽ lỗ khoảng 30-40 USD/tấn.
Mới đây nhất, trong tuyên bố của Bộ Thương mại Ấn Độ, Chính phủ sẽ áp giá sàn 1.200 USD/tấn với gạo basmati xuất khẩu. Mục tiêu là để ngăn chặn một số thương lái cố gắng buôn lậu gạo trắng non-basmati (một loại gạo đã bị cấm xuất khẩu trước đó) dưới dạng gạo basmati.
Trước đó, quốc gia này cũng áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ trong ngày 25/8. Như vậy, Ấn Độ đã cấm hoặc áp biện pháp hạn chế với hoạt động xuất khẩu nhiều loại gạo khác nhau, từ đó siết nguồn cung gạo trên toàn cầu. (Trong năm 2022, Ấn Độ chiếm 40% thương mại gạo trên thế giới và là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới).
Trong bối cảnh lo ngại nguồn cung sụt giảm tại các nước sản xuất lớn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã duy trì đà tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 21/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của nước ta đang ở mức 638 USD/tấn, cao hơn 10 USD so với gạo Thái Lan cùng loại. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam ở mức 623 USD/tấn, cao hơn nhiều so với gạo cùng loại của Thái Lan là 563 USD/tấn.
Trên thị trường nội địa, trong tuần kết thúc vào ngày 17/8, giá lúa gạo loại thường tại các ruộng đạt mức bình quân 7.850 đồng/kg, tăng 64 đồng/kg so với tuần trước đó. Mức giá cao nhất được ghi nhận tại An Giang với 7.900 đồng/kg.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gia-gao-cang-tang-doanh-nghiep-cang-thua-lo.html