Giá gạo giảm sâu, Bộ Công Thương đề xuất hàng loạt giải pháp
Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
Giá gạo liên tục giảm sâu
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024 nước ta đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo với 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá trị. Về đơn giá, năm 2024 nước ta đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng 9% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá lúa gạo nội địa và xuất khẩu đang ở mức thấp nhất 2 năm qua, trong khi vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm - vụ Đông Xuân -cũng mới bắt đầu, khiến nhiều nông dân lo lắng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm đã giảm tổng cộng đến 25 USD, chỉ còn 473 USD/tấn, mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua.
Với giá lúa nguyên liệu IR 50404 (sản xuất gạo 5% tấm) chỉ còn trên 6.000 đồng/kg, lúa giống OM 5451 còn khoảng 6.500 đồng/kg và lúa thơm khoảng 7.000 đồng/kg, thấp nhất trong 2 năm qua.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhiều sản phẩm gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trước đây như OM 5451 có giá 640 - 650 USD/tấn thì đến cuối năm 2024 chỉ còn khoảng 560 USD/tấn và hiện tại còn khoảng 540 USD/tấn. Tương tự, gạo ĐT8 trước đó từ 660 - 670 USD/tấn, đến cuối năm 2024 giảm còn 570 USD/tấn và hiện nay khoảng 550 USD/tấn.
Nguyên giá gạo giảm được lý giải là do vụ Đông Xuân sớm của Việt Nam bắt đầu thu hoạch khiến nguồn cung tăng. Các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam như Philippines, Indonesia hay Trung Quốc cũng chưa có dấu hiệu tham gia thị trường.
Mặt khác, không chỉ có giá gạo của Việt Nam giảm, giá gạo của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã giảm tuần thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 17 tháng qua. Theo đó, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 436 - 442 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 439 - 445 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được chào ở mức 440 - 449 USD/tấn.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 490 - 502 USD/tấn, thay đổi không đáng kể so với mức 502 USD/tấn của tuần trước. Trong tuần này, nhu cầu vẫn yếu và nguồn cung không thay đổi.
Các thương nhân ở Thái Lan cho biết, thị trường đang dự đoán xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm trong năm nay do Ấn Độ gia tăng xuất khẩu. Một số thương nhân ở Thái Lan nhận định xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể giảm khoảng 30% khi Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu nhiều gạo hơn trong năm 2025. Tình hình nhu cầu yếu có thể khiến giá giảm sâu hơn nữa.
Việc giá gạo Việt Nam và các nước liên tục giảm nên các nhà nhập khẩu cũng chần chừ, nghe ngóng. Trong khi thị trường vắng người mua thì một số người bán có tâm lý nóng vội muốn bán nhanh nên giảm giá để tăng cung. Khi giá gạo càng giảm, thị trường lại càng có tâm lý muốn mức giá tốt hơn nữa.
Bộ Công Thương tập trung giải pháp, đẩy nhanh tháo gỡ nút thắt
Vấn đề giá gạo cũng nóng tại cuộc Họp báo thường kỳ quý IV/2024 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 7/1. Trả lời phóng viên, báo chí về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, giá gạo giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh Ấn Độ đang “xả hàng” sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng như bỏ thuế xuất khẩu.Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan chứ không riêng Việt Nam.
“Giá gạo không thể nào tăng mãi được, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm. Giá gạo xuất khẩu cũng như chứng khoán, có lúc lên, lúc xuống, lúc tăng, lúc giảm. Đây là điều hết sức bình thường", ông Hải nói.
Tuy nhiên, do gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và có những bạn hàng nhất định. Mặt khác, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu gạo khá tốt và có những bạn hàng nhất định, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường xuất khẩu gạo mới. Do đó, nguồn lúa Đông Xuân (nhiều địa phương đã bắt đầu gieo sạ) sớm muộn cũng sẽ có thị trường.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp, người dân sản xuất lúa gạo cần trợ lực từ nhiều bên. Chẳng hạn, ngân hàng hỗ trợ vay vốn để tăng cường mua gạo tích trữ, nhân lúc giá đang xuống thấp, giúp bình ổn thị trường trong nước. Hoặc ngành tài chính nhanh chóng hoàn tất thủ tục hoàn thuế VAT để doanh nghiệp có điều kiện xoay vòng vốn.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, ngay đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01 sửa đổi Nghị định 107 ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp quản lý rõ ràng, minh bạch hơn về xuất khẩu gạo nhằm vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa duy trì đà xuất khẩu.
Một trong những điểm quan trọng của Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3, là quy định trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo Nghị định 107, định kỳ vào thứ năm hằng tuần, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho theo từng chủng loại cụ thể. Nhưng trong Nghị định 01, thương nhân được giãn kỳ báo cáo, định kỳ trước ngày mùng 5 hằng tháng.
Ngoài văn bản gửi Bộ Công Thương để chỉ đạo, điều hành, doanh nghiệp phải đồng gửi Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc, gạo và gửi cả Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
"Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cam kết đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để sớm tháo nút thắt cho mặt hàng này", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ:
Đầu năm 2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và bổ sung quy định về trách nhiệm của thương nhân xuất khẩu.
Việc đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới.