Giá gạo liên tục tăng, doanh nghiệp, đại lý chỉ dám 'ôm' cầm chừng
Trước tình hình giá gạo đang biến động mỗi ngày, doanh nghiệp và đại lý cho biết chỉ dám ôm hàng cầm chừng để đề phòng rủi ro.
Ngày 4/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 5 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 598 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 578 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.
Riêng gạo thơm Jasmine lên mức 733 USD/tấn, tăng 45 USD/tấn so với ngày 1/8 và tăng 110 USD/tấn so với ngày 20/7.
Giá gạo tại thị trường trong nước cũng tiếp tục tăng 200 - 300 đồng/kg.
Trước tình hình giá gạo trong nước và thế giới không ngừng biến động, nhiều doanh nghiệp, đại lý cho biết, họ chỉ dám gom hàng cầm chừng vì giá quá cao.
Theo đại diện Nam Bình Food, các mặt hàng gạo giá rẻ lại đang tăng giá mạnh nhất, do loại này được xuất khẩu nhiều nên doanh nghiệp thu mua nhiều. Trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu đang tranh thủ thời cơ thì các mặt hàng gạo chuyên phục vụ xuất khẩu càng tăng giá nhanh. Hiện giá của các loại gạo rẻ đang tiệm cận mức giá của các loại gạo đắt tiền. Trong khi các loại gạo giá cao như ST 25, Bắc Hương...tuy tăng nhưng chỉ ở mức 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó.
Giám đốc Công ty Mai Phương - chủ đại lý Gạo Ngon tại 353 Trương Định, Hà Nội - cho hay, giá gạo đang tăng từng ngày, khiến khách đến mua đều băn khoăn hỏi giá. Hiện cửa hàng vẫn có đủ các mặt hàng gạo khác nhau để phục vụ nhu cầu của người dân. "Chúng tôi ưu tiên bán lẻ vì tầm này đại lý không dám ôm hàng quá nhiều. Theo tôi được biết, nhiều kho ở miền Bắc đang khan hiếm hàng, lượng cung không đủ cầu. Các đại lý gạo ở miền Bắc cũng chỉ đủ số lượng để bán lẻ chứ không đủ để bán sỉ với số lượng lớn”, vị này nói.
Trong khi đó, đại diện chuỗi siêu thị PT Mart cũng xác nhận giá gạo đang tăng mỗi ngày. Gạo ST25 đang được bán với giá 29.900 đồng/kg, mức chênh khá lớn so với 25.000 đồng/kg tại các đại lý gạo ở chợ dân sinh. Theo giải thích của đại diện siêu thị, bình thường giá gạo ở đây đã cao hơn so với các đại lý bên ngoài. Trong tình hình giá gạo đang tăng mạnh như hiện nay thì việc siêu thị điều chỉnh giá là đương nhiên.
Nhiều chủ đại lý gạo khác cũng cho biết, nguồn hàng hiện về ít và giá các chủng loại có xu hướng tăng cao.
Ngày 3/8, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo.
Văn bản hỏa tốc do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký nêu rõ, trước tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng thóc gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Chia sẻ với báo chí trước đó, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát tình hình thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp cân đối cung cầu. Bộ cũng đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% số lượng gạo mà họ đã xuất trong 6 tháng trước đó. Trường hợp hụt cung, sẽ có biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết, gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hàng năm. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn không điều chỉnh giá, bán thấp hơn thị trường 5-10%. Trường hợp có bất thường, doanh nghiệp muốn điều chỉnh phải xin Sở Tài chính, chỉ thay đổi trong khoảng 5-10%. Với những khu vực sức mua tăng, các doanh nghiệp cung ứng phải cân đối và tăng cung để tránh giá leo thang.