Giá gạo ST25 tăng 'khủng' gần 50%, nhiều nông dân chốt lời thắng đậm

Gạo ST25 nhanh chóng chinh phục nhiều thị trường cao cấp; đặc biệt, giá bán cũng tăng cao, thậm chí tăng gần 50% chỉ trong thời gian ngắn.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 - 7/2024, tổng lượng gạo ST25 xuất khẩu đạt 21.777 tấn, giá xuất sang thị trường châu Âu mức cao nhất là 1.400 USD/tấn.

Từ tháng 8 đến nay, tại thị trường nội địa, loại gạo ST25 đã đứt hàng, do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung có giới hạn, dẫn đến giá gạo ST25 đạt mức cao bất thường, hiện giá cung cấp số lượng sỉ cho đại lý từ 29.500 - 30.000 đồng/kg.

Cũng nhờ đó, nhiều nông dân trồng lúa thơm ST25 thắng đậm trong vụ hè thu này. Ông Nguyễn Văn Bé (ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, chưa bao giờ bán được giá cao như vụ hè thu năm nay.

Lúa trên đồng mới ngậm sữa, thương lái đã đến "nghía" và xin đặt cọc nhưng ông không nhận. Hai ngày trước khi ông Bé thu hoạch, thương lái chốt giá mua tại ruộng 11.200 đồng/kg.

"Tui bón phân vừa phải, sạ thưa và canh rút nước hợp lý nên dù có mưa gió, lúa cũng không bị ngã. Năng suất vụ này khoảng 800kg/công, sau khi trừ chi phí, 10 công ruộng cho lời khoảng 50 triệu đồng. Làm ruộng 30 năm mới được một vụ lời nhiều đến như vậy. Vụ đông xuân tới, tôi sẽ tiếp tục làm giống lúa thơm ST25", ông Bé nói.

Giá gạo ST25 trong nước tăng mạnh, cao bất thường trong những ngày gần đây.

Giá gạo ST25 trong nước tăng mạnh, cao bất thường trong những ngày gần đây.

Bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Gạo Ông Thọ cho biết, cơ bản sản xuất gạo ST25 không đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, lại thêm thu hoạch vụ lúa vừa qua diễn ra trong thời tiết mưa bão, lúa bị đổ ngã hao hụt nhiều khiến nguồn cung càng giảm.

Khi nguồn cung càng hạn chế thì giá gạo càng tăng cao, hiện giá gạo ST25 giao cho đại lý có giá 30.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Giá gạo trong nước tăng cao kéo giá xuất khẩu tăng theo, gây khó khăn trong việc đàm phán các hợp đồng xuất khẩu.

“Lúc đầu, thấy giá gạo tăng cao quá, khách hàng nước ngoài chưa muốn ký hợp đồng, nhưng thời gian sau, nhà nhập khẩu ở các thị trường cao cấp như Mỹ, Úc... đã chấp nhận mua và ký hợp đồng lại, nhưng số lượng không lớn như trước. Khách hàng Trung Quốc cũng đang tìm mua nhưng họ còn ngại giá cao”, bà Thảo cho hay.

Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" giống lúa thơm ST25, khẳng định bình quân mỗi năm, doanh nghiệp của ông triển khai hợp tác, đầu tư và tiêu thụ khoảng 3.000ha, tập trung các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau. Do nhu cầu cao nên giá lúa ST25 vụ hè thu tăng mạnh.

"Chưa bao giờ giá lúa ST25 vụ hè thu lại tăng kinh khủng như vậy. Đây là tín hiệu tốt khi gạo ST25 được thị trường ngày càng tín nhiệm hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục lai tạo để giữ phẩm chất hạt gạo được ổn định, đáp ứng ngày càng cao thị hiếu người tiêu dùng", ông Cua nói.

Trên thị trường quốc tế, trước thông tin Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn, khiến giới chuyên môn lo ngại gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Thông tin với báo chí, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ lưu ý, việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường là một thông tin quan trọng với thị trường lúa gạo toàn cầu. Ấn Độ hiện là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 40% thị phần toàn cầu, trong đó gạo tẻ thường chiếm tỷ lệ đáng kể. Do đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đặc biệt ở những thị trường lớn như châu Phi và Đông Nam Á.

Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam thay vì cạnh tranh về giá, nên tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, bao gồm cả việc tăng cường quy trình sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ, và gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.

"Những sản phẩm này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trên toàn thế giới về sức khỏe và an toàn thực phẩm, và cũng giúp tăng giá trị xuất khẩu", ông Thướng lưu ý.

Việt Nam có nhiều giống lúa gạo ngon như ST24, ST25 đã được công nhận trên thế giới. Việc tận dụng và quảng bá các giống lúa gạo đặc sản này sẽ giúp Việt Nam có vị thế riêng trên thị trường quốc tế, thay vì cạnh tranh trực tiếp về giá với Ấn Độ hay Thái Lan.

Đáng chú ý, Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng cũng cho rằng thị trường lúa gạo toàn cầu thay đổi nhanh chóng, đặc biệt khi các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ điều chỉnh chính sách.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên cập nhật thông tin, nắm bắt kịp thời các thay đổi về chính sách thương mại và thuế quan để đưa ra chiến lược phù hợp.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/gia-gao-st25-tang-khung-gan-50-nhieu-nong-dan-chot-loi-thang-dam-1102733.html