Giá gạo tăng mạnh, tiểu thương như ngồi trên đống lửa
Trước thông tin giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, một số cửa hàng tại Hà Nội đang có xu hướng điều chỉnh tăng giá bán lẻ. Tiểu thương đang có nhiều lo lắng việc sẽ có nhiều người lợi dụng để găm hàng nhằm tạo sự khan hiếm và trục lợi.
Giá gạo tăng từng ngày
Theo các tiểu thương, tất cả các loại gạo đều lên giá trong vài tuần gần đây. Một số loại gạo còn thay đổi giá liên tục theo ngày, thậm chí theo giờ, khiến họ không kịp cập nhập giá mới.
Chị Hà Liên, một tiểu thương bán gạo trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) cho hay, giá gạo lên nhanh, mỗi lần tăng 1.000-2.000 đồng/kg. Đây là điều mà hơn 10 năm nay chị chưa từng thấy.
Theo chị Liên, gạo ST24, ST25 trước đây chị bán 27.000 - 28.000 đồng/kg, hiện tại là 30.000 đồng/kg. Gạo Bắc Thơm, tháng trước khoảng 15.000/kg giờ lên 17.000/kg. Gạo dẻo 64 tăng từ 14.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg. Còn gạo 504 là loại gạo bình dân được nhiều người lao động, quán cơm và bếp ăn tập thể mua nhiều, trước đây giá gạo từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, giờ giá bán 16.000 - 17.000 đồng/kg.
“Tính ra giờ đại lý bán gạo gần như không có lãi. Trong khi đó việc nhập gạo cũng gặp khó khăn do các đầu mối không muốn bán để giữ giá. Có những loại gạo phải gọi nhiều nơi mới mua được. Thậm chí, tìm được rồi còn bị bắt trả tiền ngay trong đêm mới giữ được hàng. Tình trạng này kéo dài thì các tiểu thương sẽ rất khó khăn”, chị Liên nói.
Là chủ một đại lý gạo ở Cầu Giấy, chị Nguyễn Thị Hậu cho biết, từ thời điểm giá gạo tăng, hạn chế không dám nhập nhiều bởi bán gạo lúc này rất dễ mất uy tín.
“Tôi nghĩ nguyên nhân không phải do hàng khan hiếm mà các đầu mối đẩy lên qua nhiều khâu. Giờ nhập vào giá gạo đang ở khoảng 16.000-17.000 đồng/kg, nhưng phải đến tháng sau mới có hàng. Lúc đó, giá gạo giảm, đại lý lỗ nặng”, chị Hậu nói.
Động thái mới từ Bộ Công Thương
Trước tình trạng giá gạo trong nước liên tục tăng mỗi ngày, ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.
Bộ Công Thương cho biết lệnh cấm xuất khẩu gạo tại Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nga cùng hiện tượng El Nino, diễn biến địa chính trị còn phức tạp… đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Do vậy, Tổng cục Quản lý thị trường cần chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cục Xuất nhập khẩu được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trình Chính phủ trong quý III; bố trí kinh phí cho các chương trình xúc tiến thương mại gạo để thương nhân khai thác hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký.
Cục Phòng vệ thương mại có trách nhiệm triển khai các hoạt động cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và trợ giúp thương nhân xuất khẩu gạo trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo Sở Công Thương địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo tại thị trường trong nước, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.