Giá gạo tăng, nông dân không có để bán
Giá lúa, gạo trên thế giới cũng như Việt Nam nói riêng đang tăng...
Nông dân Lê Văn Thành ở xã Quảng An (Quảng Điền) chia sẻ, ông biết giá lúa, gạo trên thị trường đang tăng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Quảng An nói riêng và toàn tỉnh nói chung, thường sau khi thu hoạch người dân đều bán hết lúa để tái đầu tư sản xuất và phục vụ nhu cầu đời sống. Hiện nay, phần lớn nông dân không còn lúa, gạo để bán, chủ yếu dự trữ phục vụ đời sống hằng ngày. Trong khi vụ hè thu của tỉnh đến nay chưa thu hoạch nên chưa biết giá lúa, gạo sắp tới sẽ như thế nào. Vì thế, mặc dù lúa, gạo thế giới và ở Việt Nam hiện đang tăng vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Phú (Quảng Điền) thông tin, sau khi thu mua lúa của nông dân sau vụ thu hoạch, hợp tác xã tổ chức xay xát, hoặc bán lúa cho các doanh nghiệp để tái đầu tư. Hiện tại, lượng lúa dự trữ tại hợp tác xã còn ít nên không ảnh hưởng gì trước giá cả thị trường lúa, gạo thế giới và Việt Nam đang tăng. Lâu nay, sản phẩm tại hợp tác xã thu mua của nông dân bao nhiêu thì tiêu thụ bấy nhiêu, không có tình trạng “găm hàng”, trừ khi giá lúa, gạo quá thấp mới dự trữ chờ cao mới bán.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức thông tin, hiện nay giá gạo bình quân cả nước đang tăng. Riêng tại thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế, giá lúa thu mua trong dân tăng từ 500-1.000 đồng/kg tùy thuộc vào từng loại, giá gạo thành phẩm tăng nhẹ khoảng 500 đồng/kg. Mức tăng này thấp hơn so với giá lúa, gạo các vùng miền Nam và Bắc.
Thị trường gạo ở Huế hiện nay ít biến động, do lượng lúa trữ trong dân còn ít (do cuối mùa thu hoạch). Giá lúa tăng như hiện nay thì người dân hưởng lợi, còn đối với các cơ sở thu mua dự trữ và cơ sở xay xát hưởng lợi khá tốt nhờ lượng hàng dự trữ.
Tình trạng “găm hàng” hầu như không có, vì lượng lúa dự trữ trong dân đã giảm dần. Tâm lý người dân lo ngại giá sẽ giảm nên bán ngay từ đầu vụ; các công ty nhập hàng thì đang sản xuất theo sản lượng, nhu cầu thị trường. Đối với các hợp tác xã và nông dân tham gia mô hình lúa theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ thì hiện nay hầu như không chịu ảnh hưởng của việc tăng hoặc giảm giá.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày. Chừng một tuần nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao, đạt mức kỷ lục trong hơn 10 năm qua. Giá gạo tăng kéo theo giá lúa thu mua trong nước tăng bình quân mỗi ngày từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7.
Dự báo, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm dự kiến còn khoảng 2,66 - 2,67 triệu tấn, chưa kể lượng thóc, gạo nhập khẩu hàng năm từ Campuchia về phục vụ chế biến.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trên thị trường thế giới, hiện giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, thấp hơn Thái Lan 7 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá 598 USD/tấn. So với thời điểm Ấn độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.