Giá gạo thơm tăng 60%, thế giới thiếu hụt 7 triệu tấn
Giá gạo bắc thơm bán buôn trung bình tại Hưng Yên và Nam Định tăng lần lượt 60% và 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường lúa gạo dự báo tiếp tục sôi động khi thế giới thiếu hụt 7 triệu tấn gạo.
Báo cáo mới nhất từ Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 4 năm nay, nước ta đã xuất khẩu 3,23 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 11,7% về lượng và tăng mạnh 36,5% về giá trị.
Trong tháng 4/2024, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 623 USD/tấn, giảm 1,3% so với tháng 3 nhưng vẫn tăng 19,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu gạo bình quân neo cao, ở ngưỡng 644 USD/tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, sau một thời gian sụt giảm, giá gạo đang có dấu hiệu phục hồi. Ngày 1/5, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta neo ở ngưỡng 580 USD/tấn, tương đương giá gạo cùng loại của Thái Lan và cao hơn hàng của Pakistan 10 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá lúa trong tháng 4 tiếp tục diễn biến trái chiều, tùy từng chủng loại.
Cụ thể, giá thu mua lúa ướt IR50404 tại An Giang đạt 7.450 đồng/kg, giảm 90 đồng/kg so với tháng trước nhưng tăng 1.305 đồng/kg (21,2%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá lúa OM5451 tại An Giang và Kiên Giang tăng lên 7.489 đồng/kg và 7.400 đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2023 tăng lần lượt 18% và 16,8%.
Tại Hưng Yên và Nam Định, giá bán buôn trung bình gạo bắc thơm lần lượt là 21.667 đồng/kg và 18.357 đồng/kg, tăng lần lượt 60% và 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ NN-PTNT dự báo, thị trường gạo thế giới sẽ tiếp tục sôi động. Đó là bởi yếu tố thời tiết không thuận lợi, nguồn cung chưa dồi dào trong khi nhiều nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu để dự trữ. Bên cạnh đó, một số quốc gia tiếp tục chính sách cấm, hạn chế xuất khẩu cùng với nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới vẫn tiếp diễn.
Đối với Việt Nam, dự kiến sản lượng lúa đạt 43 triệu tấn năm 2024, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo.
Theo báo cáo “Triển vọng hàng hóa toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, giá gạo toàn cầu khó có thể giảm trước năm 2025. Còn theo dự đoán của BMI - một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions - mối lo ngại về nguồn cung có thể giảm bớt vào năm 2025. Khi hiện tượng thời tiết El Nino làm tăng nhiệt độ và giảm lượng mưa - chuyển sang La Nina, với lượng mưa cao hơn bình thường.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn. Tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, như vậy, dự báo năm nay thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo.
Tại hội nghị ngành lúa gạo mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thừa nhận 2 vướng mắc kéo dài trong chuỗi lúa gạo là người sản xuất không biết bán ở đâu, còn doanh nghiệp rất muốn mua lúa nhưng chưa xác định được thời điểm ký hợp đồng phù hợp, cũng như địa điểm tìm nguồn nguyên liệu, phải thu mua qua khâu trung gian làm gia tăng chi phí.
"Chúng tôi đã gửi thông tin đến Bộ Công Thương và các địa phương về sản lượng lúa từng mùa vụ. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thông tin chặt chẽ. Doanh nghiệp khi ký hợp đồng không biết sản lượng thế nào", Thứ trưởng chỉ rõ.
Theo ông, trước mỗi mùa vụ, các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương cùng với các hiệp hội cần thống nhất các nội dung triển khai. Sau đó, thông báo đến các doanh nghiệp để cùng tham gia, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra như năm vừa qua khi giá lúa tăng mạnh.