Giá gạo tiếp tục lập đỉnh, VFA đề nghị quy định giá sàn xuất khẩu để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã lên mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn. Vì vậy, cần thiết quy định giá sàn xuất khẩu gạo để điều tiết cung-cầu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ.

Tại thị trường nội địa, sau khi điều chỉnh giảm nhẹ, giá lúa gạo đồng loạt tăng trở lại. Trong đó, lúa thường tại kho có mức tăng thấp nhất là 133 đồng/kg, gạo lứt loại 1 có mức tăng cao nhất là 313 đồng/kg.

Giá gạo trên thị trường liên tục tăng nóng. Ảnh: minh họa

Giá gạo trên thị trường liên tục tăng nóng. Ảnh: minh họa

Ở trong nước, theo phản ánh của các doanh nghiệp, tình hình thu mua gạo đang khó khăn do giá gạo trong nước đang ở mức rất cao. Lượng hàng trong kho không nhiều trong khi giá gạo cao, nên riêng việc có đủ số lượng để trả các đơn hàng đã ký trước đó cũng đã gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đang rất thận trọng chờ tín hiệu từ thị trường vì khi giá gạo ở mức quá cao, nếu thu gom mạnh thì sẽ không tránh được việc rủi ro nếu giá gạo hạ xuống.

Trong khi đó, mới đây, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10 năm nay. Đồng thời, Ấn Độ cũng đã áp dụng mức giá sàn xuất khẩu đối với gạo basmati là 1.200 USD/tấn. Không chỉ Ấn Độ, Myanmar cũng đang lên kế hoạch tạm hạn chế xuất khẩu gạo để nhằm đáp ứng tiêu thụ nội địa.

Với bối cảnh thị trường thế giới diễn biến phức tạp, trong văn bản báo cáo được gửi tới Văn phòng Chính phủ gần đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo.

Bối cảnh được VFA đưa ra là do giá gạo biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, xuất phát từ tâm lý chờ giá nên dẫn tới hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

Theo VFA, việc bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo là để đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và Nghị định 107 của Chính phủ.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-gao-tiep-tuc-lap-dinh-vfa-de-nghi-quy-dinh-gia-san-xuat-khau-de-tranh-dut-gay-chuoi-cung-ung-135085.html