Giá gạo toàn cầu lập đỉnh 11 năm nhưng có thể còn tăng thêm 20%
Giá gạo xuất khẩu của những quốc gia lớn trên thế giới như Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan hiện đều ở mức cao kỷ lục do lo ngại hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung gạo toàn cầu.
Chỉ số giá gạo thế giới của Liên Hợp Quốc hiện ở mức cao nhất 11 năm khi giá gạo xuất khẩu của hàng loạt nước trên thế giới neo cao kỷ lục. Nhiều chuyên gia phân tích vừa lên tiếng cảnh báo giá gạo có thể còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới khi nguồn cung gạo giá rẻ từ Ấn Độ có thể bị siết chặt hơn.
Đồng thời, hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp của nhiều quốc gia trên toàn cầu, vừa khiến nguồn cung giảm và khiến nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng lên.
Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng thêm 9% chỉ trong vài tuần trở lại đây, lên mức cao nhất 5 năm, chủ yếu do Chính phủ Ấn Độ tăng giá thu mua lúa gạo từ nông dân trên thị trường nội địa thêm 7%. Nước này cũng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm dỡ bỏ việc cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế lên tới 20% đối với việc xuất khẩu các loại gạo khác vốn được áp dụng từ tháng 9/2022.
Hãng tin Reuters cho biết, tính đến ngày 30/6 vừa qua, diện tích canh tác vụ Hè năm nay của Ấn Độ đã giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, do lượng mưa những tháng đầu năm giảm hơn 8% so với thông thường. Điều này sẽ càng làm gia tăng áp lực lên việc kiểm soát xuất khẩu lương thực của Chính phủ Ấn Độ nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.
Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo được xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2022, đặc biệt là trong phân khúc gạo giá rẻ. Do đó bất kỳ sự thắt chặt nguồn cung nào từ nước này sẽ khiến giá gạo toàn cầu tăng lên, gây tác động lớn đến những nước châu Phi vốn phụ thuộc vào gạo giá rẻ của Ấn Độ.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA), ông B.V. Krishna Rao, cho biết: “Ấn Độ hiện là nhà cung cấp gạo giá rẻ nhất trên thị trường, do đó khi giá gạo Ấn Độ tăng lên thì giá gạo của các quốc gia khác cũng sẽ tăng lên”.
Trên thị trường, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan cũng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục như hiện nay, thậm chí có thể tăng lên do nhu cầu đối với gạo Việt vẫn ở mức cao.
Xem thêm bài viết: "Giá gạo xuất khẩu Việt Nam neo cao kỷ lục, cổ phiếu doanh nghiệp gạo nào hưởng lợi nhất?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo dự trữ gạo toàn cầu vào cuối niên vụ 2023/2024 sẽ chỉ đạt 170,2 triệu tấn - mức thấp kỷ lục trong 6 niên vụ gần nhất. Nguyên nhân chủ yếu do dự trữ gạo tại một số quốc gia tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Ấn Độ giảm.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Ấn Độ hiện cảnh báo giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ có thể thêm tăng thêm 20% hoặc hơn nếu sản lượng gạo sụt giảm dưới tác động của hiện tượng El Nino.
Giới chức Thái Lan vừa qua đã kêy gọi nông dân nước này chỉ nên canh tác một vụ lúa gạo trong năm nay, thay vì hai hoặc ba vụ như thường lệ do lo ngại El Nino có thể gây ra hạn hán diện rộng. Dữ liệu cho thấy lượng mưa trong tháng 5 vừa qua của Thái Lan thấp hơn tới 26% so với thông thường.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu Shanghai JC Intelligence (Trung Quốc), cho biết thời tiết tại Trung Quốc hiện không thuận lợi cho thu hoạch sớm nhưng lượng dự trữ gạo của nước này hiện đủ cao để cân bằng cung - cầu. Hiện nhiều khu vực tại Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng khô hạn.
Hiện một số quốc gia khu vực châu Á, như Indonesia và Philippines, đang tích cực thu mua gạo nhằm tăng cường kho dự trữ, chuẩn bị cho kịch bản thiếu hụt nguồn cung lương thực.
Trong tháng trước, Indonesia đã ký thỏa thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ trong trường hợp El Nino khiến dự trữ gạo của Indonesia xuống thấp. Đây được xem là động thái đặc biệt, cho thấy Indonesia đang cố gắng đa dạng nguồn cung để đảm bảo chắc chắn hơn cho vấn đề an ninh lương thực; thông thường, Indonesia sẽ nhập khẩu gạo từ Thái Lan và Việt Nam.