Giá gạo trên thị trường quốc tế có thể tăng mạnh trong thời gian tới
Một số chuyên gia phân tích vừa lên tiếng cảnh báo gạo có thể trở thành mặt hàng lương thực tiếp theo chứng kiến giá tăng vọt trên thị trường quốc tế khi nhiều vùng canh tác lúa gạo quan trọng tại Ấn Độ đối mặt tình trạng thiếu mưa nghiêm trọng nhất trong 3 năm trở lại đây.
Trong nửa đầu năm nay, trái ngược với diễn biến của một số loại nông sản như ngô và lúa mì, giá gạo trên thị trường quốc tế được giữ ở mức thấp, thậm chí có xu hướng giảm ngắn hạn, nhờ sản lượng và mức tồn kho gạo tại những nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan ở mức cao. Điều này đã giúp thị trường lương thực thế giới không rơi vào khủng hoảng khi giá hàng loạt loại lương thực, thực phẩm khác đồng loạt tăng.
Tuy nhiên, tình hình có thể xấu đi trong thời gian tới khi giá gạo trên thị trường nội địa Ấn Độ bắt đầu tăng lên do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Theo tờ báo kinh tế Business Standard (Ấn Độ), tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích canh tác lúa gạo của Ấn Độ đã giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái do tình trạng khô hạn diễn ra tại nhiều nơi, bao gồm cả bang West Bengal và bang Uttar Pradesh. Sản lượng gạo của hai bang này chiếm đến 1/4 tổng sản lượng gạo hàng năm của Ấn Độ.
Ông Mukesh Jain, Giám đốc hãng xuất khẩu nông sản Sponge Enterprises Pvt. (Ấn Độ), cho biết giá một số loại gạo tại các bang canh tác gạo lớn như West Bengal, Odisha và Chhattisgarh đã tăng hơn 10% trong hai tuần gần đây do tình trạng khô hạn nghiêm trọng và nhu cầu thu mua gạo từ Bangladesh tăng lên.
Theo ông Mukesh Jain, giá gạo Ấn Độ có thể tăng từ mức 365 USD/tấn (giá FOB) như hiện nay lên 400 USD/tấn vào tháng 9. Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Việc thiếu hụt gạo có thể khiến việc kiểm soát giá lương thực và lạm phát của Ấn Độ gặp nhiều thách thức. Hồi giữa tháng 5 vừa qua, Ấn Độ đã bất ngờ tuyên bố ngưng xuất khẩu lúa mì vô thời hạn nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước khi lạm phát tại nước này chạm mức cao nhất 8 năm trở lại đây và giá lúa mì nội địa tăng cao gần gấp 2 lần so với mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ. Điều này đã ngay lập tức gây ra cú sốc cung trên thị trường lương thực thế giới trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực. Đồng thời, Ấn Độ cũng hạn chế và siết chặt kiểm soát xuất khẩu đường niên vụ 2021/2022 nhằm kìm giữ giá mặt hàng này trên thị trường nội địa.
Giới phân tích cảnh báo nếu Ấn Độ siết chặt hoạt động xuất khẩu gạo thì động thái này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hàng tỷ người tiêu dùng trên toàn cầu và gần như không có quốc gia xuất khẩu gạo nào có thể bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ.
Trong năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu được 19,5 triệu tấn gạo, cao hơn gấp 3 lần so với lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam (6,2 triệu tấn) và Thái Lan (6,1 triệu tấn). Ấn Độ đang xuất khẩu gạo đến hơn 100 quốc gia trên thế giới với các khách hàng lớn nhất là Bangladesh, Trung Quốc, Nepal và một số quốc gia khu vực Trung Đông.
Hoạt động canh tác gạo của Ấn Độ phụ thuộc mạnh vào diễn biến gió mùa. Hiện một số nhà khoa học nông nghiệp Ấn Độ cho rằng nước này vẫn còn thời gian để tiếp tục trồng và bù đắp phần nào sự thiếu hụt sản lượng của nửa đầu năm nay với nhận định mưa sẽ diễn ra bình thường trong tháng 8 và tháng 9 tới đây. Tuy nhiên, nhiều nông dân Ấn Độ tỏ ra ít lạc quan hơn và cho rằng tình hình canh tác lúa gạo hiện rất bấp bênh.
Bên cạnh đó, Ấn Độ vẫn chưa có động thái xem xét lại chính sách phân bổ gạo để sản xuất ethanol. Trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã thúc đẩy hoạt động sản xuất ethanol từ gạo và mía đường nhằm giảm chi phí năng lượng khi giá các mặt hàng năng lượng như dầu thô, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đều lập mức cao kỷ lục.