Giá Gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới: Cẩn trọng 'đu đỉnh' sẽ dẫn đến 'già néo đứt dây'
Việc giá gạo xuất khẩu leo thang như hiện nay sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và sau đó giảm dần, cho tới khi trở về mức cân bằng. Do đó, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, 'đu đỉnh' sẽ dẫn đến 'già néo đứt dây'.
Cẩn trọng “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt dây”
Sau khi Ấn Độ, UAE và Nga tuyên bố cấm xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới lập tức tăng phi mã. Trong đó, gạo Việt Nam là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng mạnh nhất.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chỉ trong 2 tháng, từ cuối tháng 6/2023 đến cuối tháng 8/2023, giá hầu hết các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 30%.
Thậm chí, trong phiên giao dịch ngày 18/8, giá gạo 5% thiết lập kỷ lục 628 USD/tấn, đây là mức giá cao nhất thế giới và vượt xa giá gạo của Thái Lan - đối thủ trực tiếp của gạo Việt Nam.
Không chỉ tăng giá, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng trên đà tăng. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, sự tăng trưởng mạnh mẽ ngành gạo đã khẳng định vị thế trụ cột của ngành nông nghiệp.
Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Vĩnh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội chia sẻ, từ xưa tới nay, làm nông nghiệp chưa bao giờ hết khổ, nhất là người nông dân. Đó chính là lý do vì sao càng nhiều người nông dân bỏ ruộng để đi làm những ngành nghề khác có thu nhập cao hơn.
Chính vì vậy, ở giai đoạn hiện nay, khi giá lúa gạo tăng giá, người nông dân chí ít cũng có vui mừng. Đời sống của người nông dân ít nhiều được trực tiếp cải thiện. Cũng nhờ vào giá gạo xuất khẩu tăng cao, nhiều người sẽ chủ động thay đổi các giống lúa chất lượng cao, từ đó cả chất và lượng của đầu ra lúa gạo được tăng lên.
Không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng mừng bởi doanh thu, lợi nhuận từ xuất khẩu lúa gạo tăng cao. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, song ngành nông nghiệp nói chung và ngành xuất khẩu gạo nói riêng vẫn chưa thể tạo ra chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới.
Thứ nhất, đó là chi phí vận chuyển logistics và các chi phí khác phục vụ cho xuất khẩu tại Việt Nam đang rất cao. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam đang cao hơn từ 17 - 20%, thậm chí gấp đôi so với các nước tiên tiến. Đây chính là nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh, một rào cản vô hình đối với lúa gạo xuất khẩu.
Thứ hai, tại Việt Nam, các kho cảng còn rất ít, thậm chí có tình trạng làm cảng rồi nhưng không có đường ra cảng. Việc triển khai, xây dựng hệ thống cảng bãi không đồng bộ cũng gây khó khăn cho xuất khẩu lúa gạo.
Ông Phú nhấn mạnh, để Việt Nam có thể trở thành một trung tâm xuất khẩu gạo của thế giới, trước hết phải hoàn thiện chuỗi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho tới hệ thống kho bãi, cảng biển xuất khẩu.
“Trên thế giới, không phải riêng Việt Nam xuất khẩu gạo. Vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đặt các lợi ích dài hạn, có tính bền vững để giữ được bạn hàng, đừng quá đặt lợi ích ngắn hạn. Giả thiết đặt ra, nếu như Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo, đôi khi ta lại trượt chân trên chính sân nhà” - ông Phú thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Cũng có nhận định này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế đánh giá: Việc giá gạo Việt Nam thiết lập ở mức cao như vậy trước hết là tin vui. Bởi lẽ, từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan.
Tuy nhiên, ông Thịnh lưu ý, việc giá gạo xuất khẩu leo thang như hiện nay sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và sau đó giảm dần, cho tới khi trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều.
“Các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt dây” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Vẫn có những lo ngại
Phải khẳng định rằng, việc giá gạo xuất khẩu gạo tăng mạnh là niềm vui của ngành nông nghiệp Việt Nam, thế nhưng vẫn còn đó một số lo ngại.
Thứ nhất, trong giai đoạn giá gạo “đu đỉnh”, nhiều doanh nghiệp sẽ xuất khẩu ồ ạt, khiến lượng gạo dự trữ giảm mạnh, đe dọa tới tình hình an ninh lương thực trong nước.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản chỉ đạo, trong đó mục tiêu xuyên suốt là làm sao vừa tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là vấn đề đúng và trúng, bởi an ninh lương thực là vấn đề sống còn của nền kinh tế. Do đó, không thể để chuỗi cung ứng bị đứt gãy, người dân thiếu lương thực hoặc phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Để có được an ninh lương thực thì điều đầu tiên chúng ta cần là phải có tích trữ phù hợp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xem xét mức độ chúng ta bán được đến đâu. Bởi việc bán được hàng hóa với mức giá hấp dẫn cũng là cơ hội không phải khi nào cũng có.
“Tích trữ là cần thiết, nhưng cần vừa đủ. Cần tính toán cẩn trọng, nếu không, khi mùa vụ mới đến, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn trong kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho ngành gạo” - ông Thịnh nói.
Thứ hai, khi giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, khiến giá gạo trong nước tăng mạnh. Mặc dù theo ghi nhận của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ tháng 6 đến nay, giá gạo trong nước đã tăng hơn 25%, thế nhưng giới chuyên gia vẫn đưa ra nhận định “đà tăng trong vòng kiểm soát”.
Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế đánh giá, tại Việt Nam, những ngày qua, giá gạo bán ra trên thị trường không có nhiều biến động. Đặc biệt là ở các siêu thị và điểm bán hàng bình ổn giá.
“Mặc dù giá gạo thế giới đang tăng mạnh, song giá gạo tiêu dùng trong nước về cơ bản hiện đang rất ổn định, thậm chí nhiều thời điểm có xu hướng giảm nhẹ…” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.
PGS.TS Ngô Trí Long đề nghị các địa phương, doanh nghiệp kéo dài các chương trình bình ổn thị trường. Đồng thời, cần phải tính toán thật kỹ sản lượng xuất khẩu và khả năng dự trữ gạo, để tránh giá gạo tăng quá cao.
“Nếu chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu ngay vào lúc này thì sẽ làm cho nguồn thu mua tăng lên và giá gạo trong nước sẽ tăng theo, tác động lớn đến người tiêu dùng trong nước cũng như mức tăng chỉ số CPI của cả năm” - ông Long nói.
Thứ ba, khi giá gạo tăng sẽ xuất hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoặc trà trộn hàng nhập lậu, gạo không rõ nguồn gốc xuất xứ lẫn với gạo Việt Nam để thu lợi bất chính.
Trên thực tế, lực lượng Quản lý thị trường Bến Tre đã phát hiện một số trường hợp kinh doanh gạo tại huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm đang trữ hàng chục tấn gạo không rõ nguồn gốc xuất xứ, với giá trị hàng hóa lên tới 850 triệu đồng.
Ông Vũ Vĩnh Phú cho biết, hiện trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý.
Theo ông Phú, mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong “rổ” tính giá CPI. Chính vì vậy, làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ.
“Mà xưa nay, các loại hình dịch vụ vốn được cho là lên nhanh nhất nhưng gần như không bao giờ xuống. Với cái lo này, thì từ Chính phủ cho tới Bộ, ban, ngành cùng với doanh nghiệp, người dân phải tính tới và chung tay kiểm soát” - ông Phú nhấn mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.