Giá gạo Việt Nam liên tục tăng, châu Á lên mức đắt đỏ nhất 3 năm qua

Giá gạo Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung liên tục tăng sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, ra lệnh cấm một số loại gạo để bình ổn giá trong nước.

 Giá gạo ở châu Á tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 năm qua sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu phần lớn các loại gạo.

Giá gạo ở châu Á tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 năm qua sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu phần lớn các loại gạo.

Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương (DGFT) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ ra quyết định cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á).

Động thái được đưa ra sau khi vụ mùa thất bát vì mưa gió kéo dài khiến giá gạo trong nước tăng cao, gây nguy cơ mất an ninh lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chiếm hơn 40% thị phần. Do đó, việc nước này ngưng xuất khẩu gạo khiến thị trường thế giới chao đảo vì đột nhiên bị thiếu hụt nguồn cung đến gần phân nửa.

Quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ diễn ra trong thời điểm giá gạo thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua trong bối cảnh thế giới đang gia tăng lo ngại về nguồn cung nông sản do ảnh hưởng của hình thái thời tiết El Nino, vốn khiến nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu, và thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen bị đình trệ, cũng như tình hình xung đột ở Ukraine.

Giá gạo vào đà tăng

Theo CNBC, một số quốc gia, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan có thể hưởng lợi từ lệnh cấm của Ấn Độ.

Việt Nam và Thái Lan hiện là hai nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng hai nước này sẽ dễ trở thành lựa chọn thay thế khả thi nhất khi các quốc gia đang tìm cách lấp đầy khoảng trống cho gạo Ấn Độ.

Theo Bloomberg, giá bán cao hơn cùng nguồn cung xuất khẩu bị siết chặt khiến gạo Ấn Độ mất đi vị thế cạnh tranh với gạo Thái Lan và Việt Nam.

Ghi nhận của Bộ Công thương cho thấy giá lúa gạo ngày 27/7/2023 tại thị trường trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng 50 - 100 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu tăng 5 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 548 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 528 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.

Cùng với gạo Việt Nam, giá gạo Thái Lan điều chỉnh tăng mạnh 11 – 15 USD/tấn. Cụ thể, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm - tiêu chuẩn của châu Á - tăng vọt lên 572 USD/tấn, mức đắt nhất kể từ tháng 4/2020, Con số này tăng 7% so với hai tuần trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, tức là trước khi có lệnh cấm của Ân Độ, Việt Nam đã xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,3 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam đầu năm ở châu Á gồm Philippines, Trung Quốc và Indonesia, với kết quả lần lượt là (cập nhật theo thị trường trong 6 tháng đầu năm): 1.698.593 tấn, 857,7 triệu USD; 677.387 tấn, 390,6 triệu USD: 492.801 tấn, 244 triệu USD. Hoạt động xuất khẩu sang 3 thị trường chủ lực đều có tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến ngày 15/7, bình quân mỗi tấn gạo xuất đi có giá trị hơn 530 USD/tấn, tăng hơn 40 USD mỗi tấn so với cùng kỳ năm 2022.

Quang Đăng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/gia-gao-viet-nam-lien-tuc-tang-chau-a-len-muc-dat-do-nhat-3-nam-qua-20180504224287037.htm