Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp Việt vẫn trúng hợp đồng lớn giá cao

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm 13/9 quay đầu giảm mạnh. Hoạt động mua bán lúa gạo trong nước sôi động trở lại, doanh nghiệp nội trúng thầu đơn hàng 50.000 tấn gạo từ Indonesia với giá 640-650 USD/tấn.

Doanh nghiệp mua bán gạo trở lại

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đỉnh 643 USD/tấn với gạo 5% tấm và gạo 25% tấm là 628 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của nước ta giảm 3 phiên liên tiếp, về mức 623 USD/tấn và 608 USD/tấn, sau đó đi ngang.

Hôm 12/9, giá gạo xuất khẩu đã tăng trở lại. Cụ thể, cả gạo 5% tấm và gạo 25% tấm đều tăng thêm 5 USD/tấn, lên mức 628 USD tấn và 613 USD/tấn.

Song, đến phiên giao dịch 13/9, giá gạo của nước ta bất ngờ giảm mạnh 15 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm giảm còn 613 USD/tấn, gạo 25% ở mức 598 USD/tấn - chính thức mất mốc 600 USD/tấn.

VFA cho biết, từ ngày 1-7/9 có 43 tàu vào các cảng TP.HCM và Mỹ Thới xếp hàng chờ bốc dỡ, số lượng dự kiến 351.200 tấn gạo các loại.

Trong phiên mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo 5% tấm của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia, công bố vào hôm 12/9, một doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu đơn hàng 50.000 tấn.

Giá trúng thầu dao động từ 640-650 USD/tấn. Thời gian giao hàng từ tháng 9 đến hết tháng 11 năm nay.

Tại thị trường nội địa, sau một thời gian tạm dừng thu mua lúa gạo ở vùng ĐBSCL, đến nay nhiều doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động này.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, giá lúa giảm 400-500 đồng/kg. Doanh nghiệp đang thu mua lúa OM5451 với giá 7.500-7.600 đồng/kg. Ông tính toán, mức giá lúa này tương đương với giá gạo xuất khẩu từ 650-680 USD/tấn.

Theo ông Bình, cuối tháng 8, giá lúa tăng lên trên 8.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá gạo xuất khẩu khi đó. Thế nên, một số doanh nghiệp tạm dừng mua để nghe ngóng thị trường, tránh thua lỗ.

Nhưng từ khi Philippines áp trần giá gạo nội địa thấp hơn nhiều giá gạo trên thị trường thế giới, giá lúa gạo Việt bị ảnh hưởng liền quay đầu giảm. Doanh nghiệp đã chấp nhận mua bán gạo để xuất khẩu trở lại, ông Bình cho hay.

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam những tháng tới vẫn duy trì ở mức cao. Bởi, nhu cầu từ các thị trường thường tăng mạnh dịp cuối năm, trong khi nguồn cung gạo của nước ta dành cho xuất khẩu không còn nhiều.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2023, nước ta xuất khẩu hơn 5,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng nhưng tăng tới 35,7 về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái do giá gạo xuất khẩu tăng mạnh.

Doanh nghiệp bắt đầu mua bán lúa gạo trở lại để xuất khẩu (Ảnh: Hoàng Hà)

Doanh nghiệp bắt đầu mua bán lúa gạo trở lại để xuất khẩu (Ảnh: Hoàng Hà)

Giá gạo trắng tại châu Á tăng 40-60%

Theo báo cáo cập nhật giá gạo mới nhất của FAO, chỉ số giá gạo đạt trung bình 142,4 điểm vào tháng 8/2023; tăng khoảng 9,8% so với tháng trước và cao hơn 31,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giá gạo nếp tăng 13,8% so với tháng trước do lo ngại về tác động của các cơn mưa bất thường ảnh hưởng đến tình hình sản xuất ở Thái Lan và sự phục hồi nhu cầu gạo nếp từ Trung Quốc. Giá gạo thơm và Japonica tăng chủ yếu do giá gạo Việt Nam.

Giá gạo tăng tại các quốc gia ở châu Á xuất phát từ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati của Ấn Độ dẫn đến nhu cầu gạo từ các quốc gia khác tăng lên. Ngoài ra, việc Bulog của Indonesia tiếp tục mua hàng và khả năng Chính phủ Philippines sẽ tiếp tục nhập khẩu đã ảnh hưởng đến giá cả.

Hiện, giá gạo trắng tại châu Á cao hơn từ 40-60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu thụ gạo trên thế giới trong năm 2023/24 được chốt ở mức 520,9 triệu tấn, tăng 800.000 tấn so với kỳ vọng vào tháng 7. FAO hạ dự báo thương mại gạo quốc tế vào năm 2023 giảm 600.000 tấn và năm 2024 giảm 3 triệu tấn kể từ tháng 7.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong báo cáo mới nhất công bố hôm 31/8, đã điều chỉnh tăng dự báo sản lượng gạo xay xát cả năm 2023 của Thái Lan lên 20,9 triệu tấn, tăng 5,2% so với năm 2022.

USDA cũng điều chỉnh giảm dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2023 xuống còn 8 triệu tấn.

Tồn kho gạo cuối kỳ năm 2023 của Thái Lan ước tăng 1,7%, đạt 3,4 triệu tấn dù xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đều cao hơn so với năm 2022.

Song, USDA dự báo, sản lượng gạo xay xát Thái Lan trong năm 2024 giảm 6,4%, xuống còn 19,6 triệu tấn do thiếu nguồn nước tưới tiêu, cụ thể là trong thời gian sản xuất vụ mùa (tháng 11 đến tháng 4 hàng năm).

Hiện giá gạo 5% và 25% tấm của Thái Lan ổn định mức 613 USD/tấn và 558 USD/tấn. Nhờ giữ ở mức này, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ngang bằng với giá gạo cùng loại của Việt Nam; còn gạo 25% vẫn thấp hơn của Việt Nam 40 USD/tấn.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-gao-xuat-khau-giam-manh-doanh-nghiep-viet-van-trung-hop-dong-lon-gia-cao-2189276.html