Giá gạo xuất khẩu tăng: Vui nhưng cần tính kỹ
Chuyên gia lẫn doanh nghiệp đều cho rằng để xuất khẩu gạo có lợi, cơ quan quản lý cần điều phối, cung cấp thông tin đầy đủ về gạo tồn kho, nhu cầu trong và ngoài nước.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao, kéo theo giá lúa nội địa tăng đang là tin vui cho người nông dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần phải tính thật kỹ bài toán thu mua, xuất khẩu để có lợi và đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Giá cao nhưng vẫn có hợp đồng lỗ
Dù giá xuất khẩu gạo đang tăng, đơn hàng mới cũng nhiều nhưng các DN xuất khẩu gạo cho biết họ đang tăng mua vào để đáp ứng giao hàng theo hợp đồng cũ đã ký trước đó. Trong khi đó, giá gạo thế giới tăng, giá lúa tươi trong nước cũng tăng cao.
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2023 đạt gần 2,6 tỉ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo bình quân bảy tháng đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho biết hiện giá lúa tươi mua tại ruộng đang thu hoạch đã tăng lên mức 7.000-7.100 đồng/kg. Trong khi những hợp đồng cũ mà một số DN xuất khẩu gạo trước đó ở thời điểm giá lúa tươi chỉ khoảng 5.500 đồng/kg.
Với giá lúa tươi hiện nay, để chế biến gạo trắng (5% tấm), theo ông Long, giá xuất khẩu phải trên 600 USD/tấn thì DN mới có lãi. Các hợp đồng cũ chắc chắn có dưới mức 600 USD/tấn, mà DN thu mua giá lúa thời điểm tăng cao này thì chắc chắn lỗ. “Nếu giá lúa tiếp tục tăng, DN không chủ động được nguồn cung thì rất khó khăn” - ông Long cảnh báo.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, cũng cho rằng các DN cần tính toán thu mua trước rồi mới đàm phán hợp đồng mới. Nếu giá gạo thế giới tiếp tục tăng cao, mà DN hăm hở quá ký trước, trong khi giá lúa nội địa cũng tăng rất cao thì nguy cơ hợp đồng lỗ là rất lớn.
Theo ông Có, lúc này các DN cần tăng mua cho nông dân, vừa để kịp giao các đơn hàng xuất khẩu cũ vừa mua được giá tốt. Vì khi nông dân đang vào vụ thu hoạch, DN mua nhanh thì nông dân phấn khởi bán nhanh, giá ổn định, không tăng bất thường.
Cần tính kỹ các hợp đồng bán ra
Ông Phan Văn Có cho biết mấy năm nay công ty ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, có vùng nguyên liệu ổn định nên giá gạo xuất khẩu tăng càng có lợi. “Hiện công ty đang đàm phán các hợp đồng có giá tốt. Công ty dự tính đẩy mạnh thu mua trong tháng 8, kịp giao ngay trong tháng 9 sẽ rất tốt” - ông Có nói.
Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, cho biết hiện nay DN cần phải cố gắng có lượng thu mua ổn định. DN cần tính kỹ các hợp đồng bán ra vừa đảm bảo thị trường trong nước ổn định vừa đảm bảo xuất khẩu có lợi nhuận.
Theo ông Nam, ĐBSCL chỉ mới thu hoạch khoảng 80% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa thu hoạch trong thời gian tới dự kiến sẽ còn dư địa gia tăng mạnh khi vụ hè thu đạt điểm rộ nhất rơi vào tháng 8.
Ông Nam đánh giá giá gạo có thể sẽ tiếp tục tăng nhưng trung bình mỗi năm dù có biến động thì Việt Nam vẫn xuất khẩu trên dưới 6,5 triệu tấn gạo, trong khi hiện nay mới xuất được khoảng 4 triệu tấn gạo.
Vì thế, ông Nam cho rằng các DN nên tập trung mua vào, giá lúa đang có lợi cho người nông dân và giúp đảm bảo nguồn cung để DN đáp ứng hợp đồng mới. Gạo Việt phải tập trung vào chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
“Theo tôi, Việt Nam cần tiếp tục duy trì xuất khẩu gạo, tính toán thu mua, ký hợp đồng giá tốt, khả năng Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay” - ông Nam nêu ý kiến.
Có liên kết, nông dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi
Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, với giá gạo xuất khẩu tăng hiện nay có thể nói là cơ hội tốt cho DN lẫn người nông dân.
Theo ông, những DN nào không có chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, làm kiểu “ăn xổi ở thì”, manh mún, không có vùng nguyên liệu mới lỗ. Còn với giá gạo xuất khẩu tăng, DN xuất khẩu có chuỗi liên kết sẽ có lợi nhuận tốt.
Như giá lúa tươi trên thị trường hiện 7.100 đồng/kg là giá thương lái thu mua rồi bán lại cho các DN không có vùng nguyên liệu, trong khi hợp đồng ký xuất khẩu giá không cao thì lỗ là đúng. Còn những DN làm ăn bài bản, có vùng nguyên liệu, sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị thì không lo.
Nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị với DN kiểu như mô hình cánh đồng lớn, họ sẽ được lựa chọn chốt giá trước vụ hoặc có thể chốt giá trước một tuần khi thu hoạch, kiểu nào nông dân cũng có lợi nhuận ổn định.
Ông Bình đồng tình với việc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vì giá gạo tăng là điều đã được DN lẫn ngành hàng dự báo từ trước. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, còn nguyên nhân chính vẫn là biến đổi khí hậu, lương thực càng khan hiếm.
“Năm nay và năm 2024, nguồn cung tiếp tục khan hiếm, giá gạo vẫn tăng. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu mỗi năm 6,5-7 triệu tấn gạo để giá lúa cao, nông dân mới giữ đất trồng lúa. Việt Nam vẫn là nước dư gạo hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực nên không lo thiếu” - ông Bình nhận định.
Phải nắm chặt thông tin gạo tồn kho
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho biết: Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân xuất khẩu gạo, đề nghị báo cáo tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
“Theo tôi, đây là chỉ đạo rất cần thiết, kịp thời và cần phải thực hiện mỗi tháng để không chỉ cơ quan quản lý nắm bắt chính xác, có điều hành phù hợp. Bên cạnh đó, có thông tin về hàng tồn kho, nguồn cung cũng như nhu cầu thị trường sẽ giúp ích rất lớn cho DN chủ động xuất khẩu” - ông Long nhận định.
Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-gao-xuat-khau-tang-vui-nhung-can-tinh-ky-post745302.html