Giá hải sản tăng giúp ngư dân yên tâm bám biển

'Chuyến đi biển bây giờ là phiên biển đôi' - các ngư dân ở cảng cá Đông Tác, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cười và cho biết. Phiên đôi là tàu ra khơi và ở lại tới 2 tháng ngoài biển. Và đó cũng là cách thức ứng phó hiệu quả với cơn tăng phi mã của dầu. 369 tàu cá công suất lớn của Phú Yên vẫn đang bám biển Hoàng Sa, Trường Sa để phát triển kinh tế, gắn với việc hiện diện trên biển để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Cá ít, thì thuyền trưởng Lương Công Đông và các tàu trong nhóm phải kéo dài phiên đi biển lên tới 60 ngày. Ảnh: Văn Chương

Cá ít, thì thuyền trưởng Lương Công Đông và các tàu trong nhóm phải kéo dài phiên đi biển lên tới 60 ngày. Ảnh: Văn Chương

Ít cá = chạy rông

Giữa tháng 5/2022, 10 chiếc tàu trong nhóm đánh bắt với ngư dân Lương Công Đông ở khu phố 6, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa đã tản mát khắp nơi trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Có chiếc đánh ở gần tọa độ 15 độ 8 phút vĩ Bắc - 116 độ 40 phút kinh Đông; có những chiếc đánh ở tọa độ 14 độ 45 phút vĩ Bắc - 116 độ 27 phút kinh Đông. Những tọa độ này chỉ mang tính tương đối và thay đổi từng ngày. Cứ 5 giờ sáng, khi 8 lưỡi câu được rút lên khỏi mặt nước, thì tàu cá lại lập tức di chuyển sang địa điểm mới.

Con tàu PY 96049 TS được anh Thân cầm lái liên tục xuôi ngược trên biển. Trong phiên biển đầu năm, lượng cá ngừ đại dương câu được khá hơn, nên “cuộc rong chơi” hàng ngày của tàu được rút ngắn lại. Vì câu có cá nên tàu ít di chuyển, hoặc có khi neo một chỗ để đêm xuống tiếp tục câu đàn cá nằm quanh quẩn gần đó. Tuy nhiên, nếu câu được ít cá, thì tàu phải chạy chuyển chỗ nhiều hơn. Con tàu dài 15,6m là loại tàu nhỏ, máy vận hành ít tốn nhiên liệu hơn các tàu thân vỏ dài 19-22m. Vì tàu chỉ lắp máy Cummins của Mỹ, công suất 440CV.

Mỗi khi hừng đông nhô lên và 6 ngư dân dọn bữa ăn sáng rồi ngủ tới 3 giờ chiều, thì anh Thân lại một mình cầm lái cho tàu chạy khoảng 60 hải lý để tìm đến một địa điểm mới vốn đã được lưu thành những nút hình dấu + trong máy định vị. Giá dầu tăng cao nên việc bám theo, di chuyển tọa độ liên tục từ 5 giờ sáng tới 2-3 giờ chiều cũng khiến tất cả các thuyền trưởng đều cảm thấy rát mặt. Ai cũng mong luồng cá dày để chỉ chạy vài hải lý, quăng câu là kiếm được cá.

Phiên biển 60 ngày

Bà Lê Thị Hằng Nga, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết, giá cá ngừ đại dương đầu mùa là 110.000 đồng/kg, cuối mùa đã tăng lên 155.000 đồng/kg. Giá mực lá tươi tăng từ 120.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg. Giá thủy sản tăng nên cũng bù được chi phí giá dầu tăng, hầu như không tàu cá nào bỏ biển vì chuyện giá dầu.

Bám biển 60 ngày từ trước đến nay chỉ là cách đánh bắt của tàu làm nghề câu mực khơi. Nhưng hiện nay, ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương cũng đi biển theo kiểu này, nên giá dầu tăng cũng không tác động quá lớn đến thu nhập.

Phiên biển đầu tiên, anh Thân liên hệ và gửi 40 con cá ngừ theo tàu của người anh là Lương Công Đông chở vào bờ. Chị Trần Thị Thanh Thiết ở nhà điện ra “công khai kinh tế” cho cả tàu biết, tổng trọng lượng cá là 1,3 tấn, giá cá phiên đầu là 110.000 đồng/kg, tổng thu 143 triệu đồng. Những chiếc tàu trong nhóm như PY 90458 TS của ngư dân Nguyễn Văn Lâm và PY 90171 TS của ngư dân Nguyễn Văn Tiến... cũng lên máy Icom chia sẻ, bàn luận về thành quả đánh bắt phiên đầu, sau đó ước tính 750 cây đá dưới hầm sẽ được sử dụng như thế nào để đủ cho chuyến biển kế tiếp.

Trong phiên biển 60 ngày, ông thuyền trưởng luôn bấm đốt ngón tay ước tính “đủ tổn phí chưa, chia cho mỗi bạn là bao nhiêu”. Còn ngư dân đi bạn thì hầu như vẫn luôn vui vẻ với việc tăng ca. Ban đêm khi vào phiên câu, chùm đèn quả dưa sáng rực, luôn thu hút mực lá bơi vào gần. Vậy là, các ngư dân đi bạn đều tranh thủ bung lưỡi câu, sáng sớm xẻ mực, phơi khô, dồn vô bao và mỗi ngày đều ước tính ra được số tiền tươi. Việc đi câu trên tàu câu cá ngừ đại dương là thu nhập tăng thêm, ai làm nhiều thì hưởng nhiều. Có ngư dân sau 2 tháng câu mực có thể kiếm được từ 8-10 triệu đồng.

“Thuyền trưởng có thể lỗ tổn, còn bạn chài thì không bao giờ” - ngư dân Nguyễn Văn Lâm cho biết.

Giá cá ngừ đại dương đã tăng lên 155.000 đồng/kg khiến ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: Văn Chương

Giá cá ngừ đại dương đã tăng lên 155.000 đồng/kg khiến ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: Văn Chương

Lấy đà phiên cuối

Tấm bản đồ điện tử hệ thống giám sát tàu cá của Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên hiển thị những thông số thể hiện ngư dân Phú Yên vẫn hoạt động bình thường trước biến động giá dầu: 369 tàu đang kết nối giám sát hành trình và đánh bắt trên biển, 240 tàu mất kết nối trong bờ. Con số 240 có nghĩa là số tàu này đã đi biển được 2-3 phiên và hiện nay chuẩn bị lấy nhiên liệu mở biển chuyến cuối của nghề câu cá ngừ đại dương năm 2022.

Tại cửa biển Đông Tảo, thành phố Tuy Hòa, những chiếc tàu chuẩn bị lấy đà cho chuyến cuối đang được các chủ tàu kiểm tra lại thiết bị. Trong khoang tàu PY 90046 TS, ngư dân Nguyễn Thân lấm lem dầu mỡ trên đôi tay. Chiếc máy hiệu Daewoo của Hàn Quốc được đưa khỏi hầm máy, đặt trên sàn tàu. “Chuyến đi kéo dài cả tháng, hai tháng nên cho thợ thay sơ mi, bạc pít tông, xi lanh, sau đó kéo lên đà làm nước lại, mất gần 100 triệu đồng” - anh Thân cho biết.

Để lấy đà cho chuyến câu cá ngừ đại dương cuối cùng trong năm, nhiều thuyền trưởng đều không tiếc chi phí tu bổ. Chiếc tàu PY 96048 TS neo gần đó cũng được thuyền trưởng Lương Công Đông tự sửa chữa. Anh Đông gây ngạc nhiên khi là người đánh cá, nhưng vào bờ thì kiêm luôn thợ đóng tàu để tự phay, bào, tiện. Anh Đông cười và cho biết: “Tui phải tự làm để tiết kiệm chi phí, lâu nay đều làm như vậy thì mới dư ra được chút ít, chứ nếu cái nào cũng thuê thợ thì tiền vô là ra hết”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-hai-san-tang-giup-ngu-dan-yen-tam-bam-bien-post452447.html