Giá hàng hóa đánh mất đà tăng trong năm nay khi thị trường tiêu thụ ảm đạm

Giá hàng hóa đã đánh mất đà tăng trong năm nay do triển vọng đầy thách thức ở Trung Quốc, đợt bán tháo khí đốt tự nhiên của Mỹ và một số mặt hàng lương thực khác đã gây sức ép lên giá nguyên liệu thô.

Chỉ số giao ngay hàng hóa Bloomberg - theo dõi một loạt các sản phẩm năng lượng, kim loại và cây trồng - đã giảm gần 6% trong tháng 7, khiến chỉ số này hướng đến hiệu suất hàng tháng tệ nhất kể từ tháng 5/2023.

Warren Patterson, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV cho biết: "Hàng hóa đã mất đi sự ủng hộ của các nhà đầu cơ. Mối lo ngại ngày càng tăng về Trung Quốc đã làm lu mờ triển vọng nhu cầu và cuộc họp gần đây của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc đã không làm giảm bớt những lo lắng này”.

Nhiều ngân hàng trung ương bao gồm cả Mỹ có thể chào đón sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô vì nó sẽ làm tăng thêm áp lực sụt giảm của phát vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc chuyển sang lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, đây sẽ là thách thức đối với các nhà sản xuất, chẳng hạn như các thành viên của liên minh OPEC+. Các công ty khai thác và kinh doanh hàng hóa cũng có thể phải đối mặt với áp lực.

Triển vọng kém lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ chi phối thị trường dầu mỏ, trong khi đối với đồng, lượng dự trữ trong nước phình to đang khiến Trung Quốc xuất khẩu khối lượng lớn vào các thị trường toàn cầu.

Diễn biến chỉ số hàng hóa giao ngay của Bloomberg

Diễn biến chỉ số hàng hóa giao ngay của Bloomberg

Đồng đã giảm hơn 6% trên Sàn giao dịch kim loại London trong tháng này, giảm xuống dưới 9.000 USD/tấn sau khi đạt mức kỷ lục trên 11.000 USD/tấn vào tháng 5. Giá dầu Brent đã giảm 8%, khí đốt tự nhiên của Mỹ đã giảm hơn 20% vào tháng 7, trong khi trên thị trường nông sản, giá ngô, lúa mì và đậu nành tương lai đều giảm.

Một số hàng hóa chính không có trong Chỉ số hàng hóa giao ngay của Bloomberg cũng chịu áp lực. Trong số những hàng hóa quan trọng nhất, giá hợp đồng tương lai quặng sắt tại Singapore đã giảm xuống dưới 100 USD/tấn do các nhà máy Trung Quốc sản xuất ít thép hơn, trong khi các công ty khai thác hàng đầu khai thác nhiều quặng hơn.

Trong các cổ phiếu liên quan đến hàng hóa, cổ phiếu của BHP Group niêm yết tại Úc - công ty khai thác lớn nhất thế giới - đã đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ năm 2022 vào đầu tháng này; Glencore niêm yết tại London đã giảm hơn 5% vào tháng 7; và công ty khai thác quặng sắt của Brazil Vale đang trên đà giảm tháng thứ sáu trong vòng bảy tháng.

Chỉ số hàng hóa của Bloomberg đã giảm hơn 10% so với mức đỉnh vào giữa tháng 5. Hiện tại, chỉ số này đang ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3.

Tuy nhiên, không phải mọi hàng hóa đều giảm. Vàng - có sức nặng lớn nhất trong chỉ số - đã tăng hơn 2% trong tháng 7. Kim loại này đã đạt mức kỷ lục vào đầu tháng này do kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ đợt cắt giảm lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-hang-hoa-danh-mat-da-tang-trong-nam-nay-khi-thi-truong-tieu-thu-am-dam-post350411.html