Giá hồ tiêu hôm nay 28/12: Liên tiếp giảm 1.000 - 2.500 đồng/kg
Giá hồ tiêu tại thị trường trong nước liên tiếp giảm 1.000 - 2.500 đồng/kg, đang giao dịch ở mức 52.000 - 53.500 đồng/kg, khiến người trồng tiêu lo lắng cho vụ thu hoạch sắp tới.
Giá hồ tiêu giao ngay ngày 27/12 tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 22,2 Rupee/tạ (0,06%)
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá hồ tiêu hôm nay được thu mua với mức 52.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 52.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá hồ tiêu hôm nay ở mức 52.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá hồ tiêu ở mức 53.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá hồ tiêu hôm nay được thu mua với mức 53.000 đồng/kg.
Thời điểm này, tại các vùng trồng hồ tiêu lớn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều vườn tiêu lại đang rơi vào cảnh mất mùa, trong khi đến nay thị trường tiêu vẫn không có dấu hiệu khởi sắc. Mất mùa - rớt giá khiến nông dân trồng tiêu lại rơi vào cảnh nguy cơ thất thu nặng nề ở niên vụ 2020-2021 này.
Có một thực tế là khi giá tiêu ở mức cao thì nông dân ồ ạt phá bỏ các vườn cây khác để chuyển qua trồng tiêu, khiến diện tích hồ tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên nhanh chóng, có thời điểm lên đến khoảng 13.000ha. Sau khi cây tiêu rớt giá xuống thấp thì người dân lại bỏ bê, ồ ạt phá bỏ để chuyển trồng qua các loại cây ăn trái. Hiện, toàn tỉnh chỉ còn trên 11.300 ha, giảm gần 2.000ha so với cùng kỳ năm 2019.
Trên thị trường thế giới, giá hồ tiêu giao ngay ngày 27/12 tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 22,2 Rupee/tạ (0,06%) xuống mức 35.200 Rupee/tạ.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 24/12 đến 30/12 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 313,7 VND/INR.
Xu hướng giảm giá hồ tiêu đã diễn ra mạnh mẽ trên thị trường thế giới vào tuần qua. Vào cuối tuần các thị trường hàng hóa đều có khối lượng giao dịch thấp do bước vào đợt nghỉ lễ Giáng sinh sẽ kéo dài sang hết ngày hôm nay (28/12).
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay, phần lớn sản lượng tiêu của Việt Nam đều xuất bán ra thị trường nước ngoài. Trước sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng từ các nước như Brazil, Malaysia, Indonesia… thì muốn phát triển được, hồ tiêu của Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chuyển dần sang chế biến sâu.
Về lâu về dài, nếu không hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chế biến thì người trồng tiêu vẫn sẽ mãi phải theo đuổi với điệp khúc được mùa - mất giá và ngược lại.