Giá hồ tiêu tăng cao và duy trì ổn định: Cơ hội phát triển sản xuất bền vững
Những năm trước, do dịch bệnh hoành hành, giá cả xuống thấp khiến không ít người trồng hồ tiêu trong tỉnh lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ xứ đi làm thuê. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá hồ tiêu trên thị trường liên tục tăng và duy trì ổn định ở mức cao đã mang lại niềm vui lớn cho người nông dân.
Đặc biệt, dù mới chỉ bắt đầu bước vào niên vụ thu hoạch 2024-2025 nhưng giá hồ tiêu đã tăng lên hơn 160 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho người trồng hồ tiêu.
Tại “thủ phủ” hồ tiêu Chư Sê, sau “cơn bạo bệnh”, diện tích loại cây được mệnh danh là “vàng đen” một thời hiện chỉ còn hơn 1.000 ha. Phần lớn diện tích được người dân trồng xen trong vườn cà phê hoặc trồng thuần có cây che bóng mát.
Đồng thời, người trồng hồ tiêu cũng đã thay đổi tư duy sản xuất, không còn tình trạng lạm dụng phân bón hóa học mà đã chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững.
Với hơn 800 trụ hồ tiêu trồng xen trong vườn cà phê, niên vụ này, gia đình chị Lê Thị Trang (làng Hố Lâm, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) dự kiến thu được hơn 2 tấn khô. Với giá bán hơn 160 ngàn đồng/kg, gia đình chị có thêm thu nhập đáng kể ngoài cà phê.
Chị Trang cho biết: “Lúc đầu, tôi trồng thêm hồ tiêu chỉ nhằm mục đích tận dụng khoảng trống giữa các cây cà phê. Không ngờ, hồ tiêu sinh trưởng và phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh như trồng thuần. Tuy trồng xen trong vườn cà phê năng suất không cao bằng trồng thuần nhưng bù lại, cây phát triển khá bền vững, năm nào cũng thu hái khoảng 3 kg/trụ.
Nếu tính cả nguồn thu từ cây cà phê thì lợi nhuận sẽ cao hơn so với việc trồng thuần 1 loại cây. Tôi đang tiếp tục trồng xen hồ tiêu trên 1 ha cà phê còn lại của gia đình”.
Còn tại huyện Đak Đoa, diện tích hồ tiêu hiện có khoảng 2.000 ha. Dù hồ tiêu chưa chín đều nhưng vì giá đang cao nên nhiều nông dân đã tranh thủ hái bói những cây chín sớm.
Clip: Quang Tấn
Anh Trương Văn Quân (thôn 1, xã Nam Yang) phấn khởi cho biết: Những năm trước, giá hồ tiêu xuống thấp thì không ai đi hái bói kiểu này vì không đủ bù chi phí. Tuy nhiên, năm nay, giá hồ tiêu tăng cao nên nhiều người chịu khó lựa hái những chùm chín, vừa tránh để rụng gây lãng phí, vừa có thêm thu nhập.
Nếu mức giá hơn 160 ngàn đồng/kg tiếp tục duy trì, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lãi khoảng 500 triệu đồng từ 2.000 trụ hồ tiêu trồng thuần và trồng xen trong vườn cà phê”-anh Quân nói.
Cũng theo anh Quân, cùng với cà phê thì hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực của gia đình anh. Vì thế, ngay cả khi giá xuống chỉ khoảng 40 ngàn đồng/kg thì anh vẫn quyết giữ vườn cây.
Anh cũng đã thay đổi tư duy, chuyển sang sản xuất theo hướng sạch, bền vững. Anh tận dụng vỏ cà phê ủ với phân chuồng và các chế phẩm sinh học để bón cho vườn cây. Nhờ đó, vườn cây của gia đình phát triển tốt, trong khi chi phí sản xuất giảm hẳn nên hiệu quả kinh tế cũng khá ổn định.
Theo ông Lê Kim Nam-Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang (huyện Đak Đoa): Sau thời hoàng kim, hiện nay, trên địa bàn xã còn hơn 200 ha hồ tiêu chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê. Trong đó, 191 ha đang trong giai đoạn kinh doanh ổn định với năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha.
Với giá hiện tại, người trồng hồ tiêu có lãi cao. Đây là điều kiện để họ tiếp tục đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ bền vững. Xã cũng đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn, tránh tình trạng ồ ạt trồng mới.
Đồng thời, xã cũng khuyến cáo người dân nên trồng xen hoặc có cây che bóng mát để đảm bảo vườn cây phát triển theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Dù diện tích hồ tiêu toàn huyện đã giảm hơn 1.000 ha so với trước và hiện chỉ còn khoảng 2.000 ha nhưng đây vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.
Để cây hồ tiêu phát triển theo hướng bền vững, hướng đến thị trường xuất khẩu, những năm qua, huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Đồng thời, khuyến khích người dân trồng xen trong vườn cà phê, vừa đảm bảo phát triển bền vững, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Qua theo dõi, quy trình sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn đã hạn chế hiện tượng sâu bệnh, nhất là dịch bệnh chết nhanh, chết chậm.
“Với giá hồ tiêu hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, tránh lặp lại bài học đắt giá như những năm trước. Đặc biệt, huyện khuyến cáo người dân không nên trồng lại trên những diện tích đã nhiễm dịch bệnh, không có nước tưới hoặc đất không phù hợp với cây hồ tiêu…
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa