Nuôi cá tầm, hướng giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang
Khu vực đèo Gió (xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, Hà Giang) với khí hậu và nguồn nước thuận lợi, thích hợp với mô hình nuôi cá nước lạnh.

Mô hình nuôi cá nước lạnh khu vực đèo Gió (xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần).
Tận dụng lợi thế đó, huyện Xín Mần đã cho chủ trương phát triển các chuỗi liên kết nuôi cá tầm với nhiều hộ dân tham gia. Đây không chỉ là mô hình kinh tế mới đầy hứa hẹn giúp người dân cải thiện sinh kế, mà còn là một phần của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho các vùng miền núi, mở ra cơ hội để người dân Nấm Dẩn thoát nghèo.
Xã Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, Hà Giang) nằm giữa những dãy núi hùng vĩ của phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang. Là nơi có khí hậu mát mẻ và tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn. Tận dụng những lợi thế tự nhiên, dự án liên kết nuôi cá nước lạnh tại xã Nấm Dẩn, đặc biệt là cá tầm đã được triển khai từ năm 2023.
Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2023 – 2025. Dự án với số vốn gần 4 tỷ đồng. Các hộ dân tham gia dự án được cung ứng con giống, thực hiện nuôi đúng theo kỹ thuật, quy trình đã được tập huấn.
Để người dân tiếp cận và triển khai nuôi hiệu quả cá tầm, Ban Dân vận huyện Xín Mần đã theo sát, tuyên tryền, hướng dẫn và động viên người dân tham gia.
Bà Vương Thị Nhung, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Xín Mần cho biết: Do mô hình mới lạ với người dân nên ban đầu ít người tham gia. Tuy nhiên, công tác dân vận tại địa phương đã thực hiện rất tốt trong việc thúc đẩy người dân tham gia các mô hình kinh tế mới. Hiện nay, nhiều hộ dân đã tham gia nuôi cá tầm. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như của địa phương.
Để dự án nuôi cá tầm đến với người dân, hợp tác xã nuôi trồng Nông, lâm, thủy sản Đại An thành lập với sự tham gia của hàng chục hộ dân xã Nấm Dẩn. Năm 2023, hợp tác xã triển khai dự án liên kết với quy mô 16.800 con cá nước lạnh và tổ chức tập huấn 2 lớp kỹ thuật nuôi cá nước lạnh theo hướng an toàn sinh học cho các hộ dân tham gia dự án. Năm 2024 - 2025 hỗ trợ tiêu thụ 16.800 con cá nước lạnh, đồng thời xây dựng 1 cơ sở sơ chế.
Ông Vũ Thiện Ngữ, Phó Giám đốc hợp tác xã cho biết: Cá tầm rất hợp với nguồn nước ở nơi đây, cá tầm phát triển ổn định. Hiện nay cũng đã có nhiều hộ gia đình xuất cá thương phẩm. Lợi nhuận thu được từ nuôi cá tầm của hợp tác xã đã giúp nhiều hộ gia đình có kinh tế ổn định. Hợp tác xã đang tiếp tục khuyến khích người dân cùng phát triển mô hình này.
Mô hình nuôi cá tầm ở xã Nấm Dẩn đã giúp các hộ dân nâng cao trình độ nuôi trồng thủy sản, qua đó tạo ra việc làm thường xuyên, gia tăng thu nhập cho các hộ tham gia.

Mô hình nuôi cá nước lạnh khu vực đèo Gió (xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần).
Gia đình anh Ly Seo Lìn là một trong nhừng tiên phong nuôi cá tầm trong Hợp tác xã nuôi trồng Nông, lâm, thủy sản Đại An. Trước đây, số diện tích đất nương dưới chân Đèo Gió của gia đình anh dùng để trồng lúa 1 vụ. Cuối năm 2023, gia đình tham gia hợp tác xã và cải tạo thành 3 bể nuôi cá Tầm. Sau 1 năm, trung bình mỗi con cá tầm đạt từ 2 đến 2,5kg, tổng sản lượng ước đạt 5 tấn và mang về hơn 100 triệu đồng trong lứa đầu tiên.
Anh Seo vui vẻ chia sẻ: “Mỗi năm, gia đình tôi có thể thu hoạch một lượng cá lớn, mang lại thu nhập ổn định. Tôi rất vui vì dự án đã tạo điều kiện để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.
Một trong những điểm nổi bật của dự án là việc xây dựng thương hiệu cá tầm và các sản phẩm chế biến như ruốc cá tầm, thịt cá tươi đóng khay. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời tạo ra cơ hội học hỏi và phát triển cho người dân trong khu vực. Việc hỗ trợ xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm giúp gia tăng giá trị từ việc nuôi cá nước lạnh và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn Lù Văn Hiền cho biết: Hiện nay, toàn xã đã có hơn 30 hộ nuôi cá tầm. Việc phát triển mô hình nuôi cá tầm trên địa bàn xã là một bước đi đúng đắn. Chúng tôi luôn khuyến khích các hộ dân tham gia vào mô hình này vì không chỉ giúp phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự án nuôi cá nước lạnh tại xã Nấm Dẩn là một mô hình phát triển kinh tế nông thôn đầy triển vọng. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự đồng lòng của người dân, mô hình này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cá tầm đặc trưng của vùng núi Hà Giang. Trong tương lai, dự án này hứa hẹn sẽ mở rộng quy mô và trở thành một hình mẫu phát triển kinh tế bền vững cho các vùng miền núi, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số…