Giá hồ tiêu tăng vọt, xuất khẩu dự báo hồi phục tích cực nửa cuối năm
Sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị xuất khẩu hồ tiêu chủ yếu đến từ sự bứt phá của giá xuất khẩu. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/Bnews/vnanet.vn
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, do Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam tổ chức sáng 24/7, tại Hà Nội, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định, nửa cuối năm xuất khẩu hồ tiêu sẽ khởi sắc hơn. Bởi trong nửa đầu năm, xuất khẩu diễn ra chậm, một phần do các vấn đề liên quan đến thông tin chính sách thuế của Mỹ.
Hiệp hội hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực về chính sách thuế vào tháng 8. Tuy nhiên, về nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm sẽ tăng. Bởi, trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu có xu hướng "nén" nhu cầu ở mức tối thiểu, do đó đến một thời điểm nhất định, họ sẽ buộc phải nhập hàng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động mua bán trở lại.
Thực tế hiện tại cũng cho thấy tín hiệu tích cực, thị trường đang dần phục hồi. Với các yếu tố như chính sách thuế có thể được nới lỏng và nhu cầu tăng trở lại, triển vọng xuất khẩu hồ tiêu trong nửa cuối năm sẽ khả quan hơn, bà Hoàng Thị Liên nhận định.
Theo ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, thị trường hồ tiêu toàn cầu tiếp tục duy trì xu hướng tiêu thụ ổn định và tăng nhẹ, bất chấp bối cảnh nguồn cung sụt giảm so với năm 2024. Giá tiêu duy trì ở mức cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tạo động lực thúc đẩy một số quốc gia mở rộng diện tích trồng mới. Tuy nhiên, hiệu ứng từ các diện tích này chỉ có thể tác động đến nguồn cung trong vòng 2-3 năm tới, không giải quyết được tình trạng thiếu hụt trước mắt.
Tính đến hết tháng 6/2025, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 124.133 tấn Hồ tiêu các loại; trong đó tiêu đen chiếm tỷ trọng lớn với 105.939 tấn, còn lại là 18.194 tấn tiêu trắng. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2024, song kim ngạch xuất khẩu lại đạt 850,5 triệu USD, tăng mạnh 34,1% so với năm trước.
Sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị chủ yếu đến từ sự bứt phá của giá xuất khẩu: tiêu đen đạt bình quân 6.665 USD/tấn, tăng 93,6%, còn tiêu trắng đạt 8.079 USD/tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh rõ nét xu hướng phục hồi của thị trường hồ tiêu thế giới và sự cải thiện về chất lượng, giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất của Việt Nam.
Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là điểm đến lớn nhất, chiếm 23,6% tổng lượng xuất khẩu, tương ứng 24.979 tấn, tuy nhiên lại giảm mạnh 29,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu cần được theo dõi kỹ lưỡng, bởi Mỹ là thị trường có ảnh hưởng lớn đến xu hướng giá và chính sách xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường quan trọng khác như: Ấn Độ, UAE, Trung Quốc và Đức đều duy trì lượng nhập khẩu ổn định, cho thấy thị trường đang dần phân hóa và đa dạng hóa, giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.
Với Trung Quốc, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có sự cải thiện nhẹ trong nửa đầu năm, song chưa có dấu hiệu bùng nổ rõ rệt. Dự kiến 6 tháng cuối năm, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu từ Việt Nam nhưng khó lặp lại mức độ mua ồ ạt như năm 2023, một phần do cạnh tranh giá từ Indonesia - quốc gia đã xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 100,7% trong 4 tháng đầu năm.
Theo ông Lê Việt Anh, hiện thách thức lớn nhất với xuất khẩu Việt Nam là việc áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng trong ngành hàng nông sản chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng trong kê khai, làm chậm lại hoạt động giao dịch và tạm thời làm trầm lắng thị trường trong nước. Khi chính sách thuế được làm rõ, nhiều khả năng giá tiêu sẽ hồi phục trở lại nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường quốc tế.
Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2025 tại Việt Nam đã chính thức kết thúc với sản lượng ước đạt 180.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với năm 2024. Dù giá hồ tiêu nhìn chung vẫn giữ được mức cao và ổn định so với cùng kỳ năm trước, song sức hút đầu tư vào hồ tiêu lại suy giảm đáng kể khi so sánh với các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng và cà phê, vốn đang ghi nhận mức giá hấp dẫn và ổn định hơn trên thị trường.
Gần đây, giá hồ tiêu có sự phục hồi nhanh chóng được cho là đến từ việc doanh nghiệp quay lại mua vào để dự trữ khi giá xuống quá thấp, cũng như kỳ vọng thị trường xuất khẩu sẽ sôi động trở lại trong quý IV khi các yếu tố chính sách dần được làm rõ và nhu cầu quốc tế tăng trở lại, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định.