Hiệp hội Blockchain Việt Nam đổi tên, mở rộng sang lĩnh vực tài sản số
Việc đổi tên của Hiệp hội Blockchain Việt Nam thành Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hành lang pháp lý cho tài sản số đang dần được định hình, cho thấy sự chuyển hướng chiến lược nhằm đón đầu tiềm năng của thị trường mới này...

Ngày 25/7/2025, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức thông qua việc đổi tên thành Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam (tên viết tắt vẫn giữ là VBA). Quyết định được 100% đại biểu đồng ý tại Đại hội Bất thường năm 2025.
THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ SINH THÁI TÀI SẢN SỐ VIỆT NAM
Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần về tên gọi mà còn phản ánh sự chuyển dịch chiến lược của Hiệp hội, từ việc tập trung vào công nghệ blockchain sang vai trò rộng hơn là thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ sinh thái tài sản số tại Việt Nam.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh pháp lý thuận lợi, đặc biệt là sau khi Luật Công nghiệp Công nghệ Số được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2025 (có hiệu lực từ 1/1/2026), trong đó lần đầu tiên công nhận tài sản số là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ.
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ (Bộ Nội Vụ), nhấn mạnh tài sản số là một lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ về lừa đảo và rửa tiền.
Do đó, bà đề nghị Hiệp hội sớm ban hành Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo hoạt động minh bạch, lành mạnh và tuân thủ các quy định pháp luật.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách quan trọng như Chiến lược Blockchain Quốc gia (Quyết định 1236/QĐ-TTg) và Danh mục Công nghệ Chiến lược và Sản phẩm Công nghệ Chiến lược (Quyết định 1131/QĐ-TTg), xác định blockchain là một trong những công nghệ ưu tiên phát triển.
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ (Bộ Nội Vụ), ghi nhận tầm nhìn của Hiệp hội trong việc nắm bắt xu hướng thị trường tài sản số. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh đây là một lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ về lừa đảo và rửa tiền. Do đó, bà đề nghị Hiệp hội sớm ban hành Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo hoạt động minh bạch, lành mạnh và tuân thủ các quy định pháp luật.
Theo bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA, việc đổi tên khẳng định quyết tâm của Hiệp hội trong việc tích hợp công nghệ blockchain và tài sản số vào hệ thống pháp lý, tài chính và dịch vụ công của quốc gia.
PHÁT TRIỂN MẠNG DỊCH VỤ ĐA CHUỖI BLOCKCHAIN VIỆT NAM
Để hiện thực hóa định hướng mới, VBA đã đề ra các mục tiêu cho giai đoạn 2025–2030. Trọng tâm là đồng hành phát triển Mạng Dịch vụ đa chuỗi Blockchain Việt Nam (VBSN) – một nền tảng hạ tầng mở do doanh nghiệp trong nước làm chủ. Hiệp hội đặt mục tiêu hỗ trợ kết nối ít nhất 50 doanh nghiệp triển khai dịch vụ trên VBSN, thử nghiệm ba dịch vụ công ứng dụng blockchain và phát triển hai sáng kiến fintech trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
VBA dự kiến thành lập văn phòng đại diện tại các trung tâm tài chính như Bắc Mỹ và Dubai để tăng cường kết nối quốc tế.
Đại hội cũng đã bầu bổ sung 08 ủy viên Ban Chấp hành mới, bao gồm nhiều đại diện từ các ngân hàng lớn và tập đoàn công nghệ hàng đầu như ông Hồ Anh Ngọc (Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank), ông Lê Văn Đại (Tổng giám đốc Viettel Digital), ông Phùng Anh Tuấn (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam), ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á; ông Nguyễn Cảnh Bình, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Alphabooks; bà Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Thư ký Liên minh kỷ lục Thế giới; bà Đồng Thị Khánh Ngọc, Giám đốc cao cấp Vận hành Công ty 1Matrix; ông Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII. Ông Phan Đức Trung tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội.
Ông Phan Đức Trung cho biết: "Với tên gọi mới và định hướng mở rộng, VBA sẽ tiếp tục là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần đưa Việt Nam ghi dấu trên bản đồ kinh tế số toàn cầu".
Theo ông, công nghệ không còn là mục tiêu mà đã trở thành động lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới mục tiêu lớn góp phần đưa Việt Nam ghi dấu trên bản đồ kinh tế số toàn cầu.