Giá hoa, kiểng tết Giáp Thìn năm 2024 giảm
Thời điểm này, các loại hoa, kiểng đã được tập kết về chợ hoa Xuân năm 2024 (Khu đô thị 5A) và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết giá bán các loại hoa, kiểng đều giảm so với cùng kỳ.
Hoa, kiểng đều giảm giá…
Để phục vụ thị trường Tết tại Sóc Trăng, anh Nguyễn Văn Đại (tỉnh Vĩnh Long) đem cây mai vàng (5 cánh) 80 năm tuổi để bán. Gốc mai có đường kính 80cm, cao 6m, có giá 100 triệu đồng. Theo anh Đại, trong những năm trước, cây mai vàng này anh bán ít nhất là 150 - 170 triệu đồng, nhưng năm nay do kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, bản thân anh kinh doanh cũng chậm lại. Nếu khách hàng mốn chọn loại rẻ hơn, có thể chọn cây mai vàng 10 năm tuổi, cao khoảng 2,5m, có giá 4,5 triệu đồng. Ngoài mai vàng, tết Giáp Thìn 2024, anh Đại cũng mang theo khoảng 20 gốc linh sam (bonsai), mỗi gốc có mức giá 4 triệu đồng.
Anh Thanh Hồng ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tập kết tại chợ hoa khoảng 10 loại kiểng như: mai, lộc vừng, vú sữa, lý, nguyệt quế, trang (mẫu đơn), hoa giấy… có mức giá dao động từ vài chục nghìn đến vài chục triệu đồng/cây. Anh Hồng cho biết, giá các loại kiểng giảm khoảng 30 - 50% so với trước đây. Đơn cử như gốc vú sữa 30 năm tuổi, 1 bệ 2 thân, thân lớn 100cm, thân nhỏ 80cm, được bán với giá 25 triệu đồng; lộc vừng cao 1,8m, mỗi 1 cặp 15 triệu đồng, giảm hơn 3 triệu đồng so với năm 2023; gốc hoa giấy Mỹ 30 năm tuổi, có nu, gốc to trên 100cm, nếu mọi năm phải có giá khoảng 50 triệu đồng nhưng nay chỉ còn 30 triệu đồng.
Mai ghép các loại cũng quanh mức giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng/cây. Theo các tiểu thương, giá mai năm nay giảm so với cùng kỳ. Nếu muốn có cây mai vàng rực rỡ để chưng trong những ngày Tết, người dân chỉ cần bỏ ra 700.000 - 800.000 đồng là có thể mua được cây mai ghép có chiều cao và tán rộng gần 1m. Cúc pha lê, cúc mâm xôi, mào gà, phụng dĩ… có giá từ 100.000 - 280.000 đồng/cặp (tầm trung), mỗi loại giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/cặp.
… nhưng vẫn lo ế
Hơn 30 năm kinh doanh hoa, kiểng, chủ yếu là hoa lan nhưng chưa năm nào chị Sương (thành phố Sóc Trăng) bán “ế” như năm nay. Chị Sương bộc bạch, doanh số bán thường ngày giảm khoảng 50% so với các năm trước đây, nên Tết năm nay chị không chủ động nhập hoa về nhiều vì lo phải “ôm hàng lỗ vốn”. Mọi năm cơ sở của chị Sương phải thuê thêm người phụ bán, kết hoa vô chậu, riêng năm nay chỉ cần 1 - 2 người nhưng vẫn nhàn rỗi. “Dù giá lan thường năm nay giảm nhẹ, chỉ có lan hồ điệp ổn định, mỗi cành dao động quanh mức 160.000 - 180.000 đồng nhưng đơn hàng rất ít. Một số khách quen vẫn chọn mua tặng người thân, bạn bè nhưng thay vì đặt 1 chậu 20 cành thì họ giảm xuống còn 10 cành, để tiết kiệm chi phí” - chị Sương thông tin.
Nắm bắt được tình hình kinh tế khó khăn nên chị Tuyền, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) giảm số lượng trồng tại vườn, đồng thời chọn đem các loại hoa có mức giá tầm trung, độ bền cao để phục vụ người dân Sóc Trăng trong dịp tết Nguyên đán 2024. Như cúc bi, thược dược lùn, cúc kim cương, hoa giấy, cúc ruby với nhiều màu sắc vàng, cam, tím, đỏ cam, trắng hồng, hồng sen… mỗi cặp có giá chưa đến 100.000 đồng.
Bà Ngô Thị Bền, huyện Chợ Lách (Bến Tre) tập kết 200 cây mai về chợ hoa xuân từ ngày mùng 9 âm lịch với hy vọng bán hết hàng sớm. Nhưng theo bà Bền, sức mua năm nay chậm, chủ yếu khách hỏi mua những chậu mai nhỏ có giá 100.000 - 200.000 đồng để chưng Tết cho có, còn loại lớn có giá khoảng 2 triệu đồng thì khách chỉ vào xem, hỏi giá.
Tiểu thương kinh doanh cúc pha lê (loại chậu lớn), mâm xôi (loại lớn), vạn thọ, đỗ quyên, hoa ly… cho biết, do Tết năm 2023 nguồn cung nhiều hơn cầu nên hoa tồn chợ nhiều. Tết năm nay đời sống người dân gặp khó khăn do kinh tế sụt giảm nên họ chủ động giảm số lượng hoa nhập về. Hiện giá các loại hoa cũng giảm so với cùng kỳ nên nhiều tiểu thương kỳ vọng sức mua sẽ khả quan hơn khi cận Tết.