Giá khí đốt ở châu Âu có thể sắp giảm 30%
Nếu dự báo trên trở thành hiện thực, đó sẽ là một thay đổi lớn so với những gì diễn ra hồi tháng 8...
Trong một báo cáo đưa ra cách đây ít ngày, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu có thểm giảm 30% trong vài tháng tới đây, khi các quốc gia trong khu vực tạm thời kiểm soát được vấn đề nguồn cung.
Ở thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - giảm còn chưa đầy 115 Euro/megawatt giờ. Goldman Sachs dự báo giá sẽ tiếp tục giảm, về mức 85 Euro/megawatt giờ vào quý 1/2023.
Nếu dự báo trên trở thành hiện thực, đó sẽ là một thay đổi lớn so với những gì diễn ra hồi tháng 8. Ở thời điểm đó, do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine và căng thẳng giữa Moscow với Liên minh châu Âu (EU) xung quanh cuộc chiến này, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng lên mức cao chưa từng có, hơn 340 Euro/megawatt giờ.
Gần đây, có nhiều yếu tố khiến giá khí đốt ở châu Âu “hạ nhiệt”: dự trữ khí đốt của châu Âu cho mùa đông năm nay về cơ bản đã đầy; nhiệt độ trong mùa thu này không lạnh như dự báo trước đó, nên nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong khu vực chưa tăng mạnh; và nguồn cung khí đốt hóa lỏng (LNG) đang dôi dư.
Các thông tin gần đây cho thấy khoảng 60 tàu chở LNG đang “vật vờ” ngoài khơi ở châu Âu để chờ tới lượt vào cảng dỡ hàng. Trong số này có những lô LNG được mua trong mùa hè và giờ mới tới nơi, trong khi các kho chứa đã đầy. Dữ liệu mới nhất từ cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE) cho thấy mức dự trữ khí đốt của khu vực đã đạt 94% công suất.
Theo dự báo, giá khí đốt ở châu Âu trong ngắn hạn sẽ nghiêng về giảm và nhờ đó cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong khu vực sẽ bớt căng thẳng. Tuy nhiên, trong trung hạn, các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục đối mặt sức ép lớn trong việc tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga.
“Chúng tôi dự báo giá khí đốt sẽ tiếp tục giảm về mức 85 Euro/megawatt giờ trong quý 1 tới, trước khi tăng mạnh trở lại vào mùa hè, khi châu Âu phải xây dựng dự trữ khí đốt cho mùa đông tiếp theo”, báo cáo của Goldman Sachs viết. Theo báo cáo, đến cuối tháng 7/2023, giá khí đốt ở châu Âu sẽ lại tăng lên gần ngưỡng 250 Euro/megawatt giờ.
Theo hãng tin CNBC, có một số nguyên nhân có thể dẫn tới việc giá khí đốt tăng mạnh trở lại sau quý 1/2023.
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên CNBC, ông Fatih Birol - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - nói rằng nguồn cung LNG toàn cầu trong năm tới sẽ chỉ tăng thêm rất ít. “Nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong năm tới có thể tăng lên”, trong lúc châu Âu cũng phải tăng nhập khẩu LNG nếu không được Nga nối lại những dòng chảy khí đốt đang bị gián đoạn.
Trung Quốc là nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm 2021 - theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Tuy nhiên, do chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid với những đợt phong tỏa trở đi trở lại, nền kinh tế Trung Quốc đã sụt tốc nhanh trong năm nay. Chỉ cần Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu nhập khẩu LNG của nước này sẽ lại tăng mạnh và các nhà nhập khẩu từ châu Âu sẽ phải trả mức giá cao hơn để mua được những lô LNG.
Ngoài ra, dự trữ khí đốt của châu Âu ở thời điểm hiện tại phần lớn là khí đốt Nga, trong khi châu Âu đang ra sức “cai” năng lượng hóa thạch Nga. Thủ tướng Xavier Bettel của công quốc Luxembourg, một thành viên EU, hồi tháng 10 thừa nhận dự trữ khí đốt của châu Âu hiện nay chủ yếu là khí đốt Nga. Trong khi đó, lượng khí đốt mà Nga còn bơm cho châu Âu đã giảm xuống mức gần như tối thiểu, và châu Âu cũng đạt mục tiêu tiến tới chấm dứt sử dụng năng lượng hóa thạch gồm cả khí đốt, dầu mỏ và than đá có nguồn gốc từ Nga.
Trao đổi với CNBC mới đây, CEO Miguel Stilwell d’Andrade của công ty dịch vụ tiện ích Bồ Đào Nha EDP tóm lược tình hình khủng hoảng năng lượng châu Âu: “Chắc chắn là chúng tôi đang ở vào một vị thế tốt hơn nhiều so với cách đây đôi tháng. Nhưng tình hình sắp tới sẽ còn nhiều biến động”.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-khi-dot-o-chau-au-co-the-sap-giam-30.htm