Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng giảm khi nhu cầu vẫn yếu ớt

6 tháng qua, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giảm hơn 75%. Dự kiến, nhu cầu nhập khẩu sau mùa đông vừa phải và những lo ngại về tiêu dùng công nghiệp do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh có thể làm giá LNG tụt giảm hơn nữa.

Năm 2022 là khoảng thời gian biến động mạnh nhất từ trước đến nay đối với giá LNG. Sự bất ổn của chuỗi cung ứng toàn cầu do chiến tranh Nga - Ukraine và trở ngại xuất khẩu từ nhà sản xuất hàng đầu là Mỹ đã dẫn đến biến động giá bất thường.

Khí tự nhiên là nguồn năng lượng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghiệp do đó giá của loại nhiên liệu này và nhu cầu của ngành có liên quan chặt chẽ với nhau. Hàng hóa này là một nguồn năng lượng chủ chốt trong các ngành công nghiệp với các ứng dụng từ sưởi ấm và làm mát đến cung cấp năng lượng cho máy móc và thiết bị.

 Ảnh minh họa: WSJ.

Ảnh minh họa: WSJ.

Những bất ổn gần đây trong nền kinh tế toàn cầu do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ đã gây áp lực lên các hoạt động công nghiệp và kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu LNG.

Khi mùa đông dần qua đi, nhu cầu nhập khẩu khí đốt của các quốc gia tiêu thụ nhiều nhất cũng bắt đầu giảm nhiệt, đồng thời mùa hè vẫn chưa bắt đầu.

Đặc biệt, nhu cầu sử dụng LNG cho mục đích sinh hoạt trong khoảng thời gian giữa mùa đông và mùa hè thường thấp. Hơn nữa, các công ty điện lực đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên nhờ mức tiêu thụ điện của các hộ gia đình giảm.

Ước tính, giá LNG tiêu chuẩn châu Âu (TFT) của Hà Lan đã tăng vọt vào năm ngoái sau cuộc chiến của Nga vào Ukraine, hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm.

Cho đến nay, nhiều người cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đã vượt qua thành công cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách tập hợp các giải pháp thay thế khí đốt của Nga, các nỗ lực bảo tồn dự trữ rộng rãi và một mùa đông tương đối ôn hòa.

Vào tháng 8/2022, giá tiêu chuẩn của LNG đã tăng gấp bốn lần do khủng hoảng Nga - Ukraine và sau đó là việc giảm khí đốt của Nga sang châu Âu.

Nga là nhà xuất khẩu khí đốt chủ chốt sang nhiều nước châu Âu và các nước khác, nhưng đất nước xứ bạch dương đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho phương Tây để đáp trả lệnh trừng phạt.

Việc cắt giảm lưu lượng khí đốt của Nga và khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng khí đốt từ các quốc gia khác đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng vào nửa cuối năm 2022. Điều này đã làm xáo trộn dòng chảy thương mại toàn cầu, cản trở người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế trên toàn thế giới.

Các báo cáo về việc khởi động lại Freeport LNG, cơ sở xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai ở Mỹ cũng làm tăng thêm lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung. Cơ sở này đã đóng cửa kể từ tháng 6/2022 sau một vụ hỏa hoạn và có thể đưa ra thị trường khoảng 2,1 tỷ feet khối khí đốt mỗi ngày. Tuy nhiên, nước này dự đoán xuất khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong hai năm tới.

Đồng thời, Mỹ đã báo cáo mức tiêu thụ LNG kỷ lục trong năm trước. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu mùa đông cao từ các khu dân cư và tăng sử dụng thương mại trong mùa hè.

Nhiệt độ dưới mức trung bình vào mùa đông khiến các nhà máy chạy bằng khí đốt tăng đột biến để tạo ra điện cho mục đích sưởi ấm và mùa hè cực kỳ ấm áp đã dẫn đến nhu cầu điều hòa không khí cao hơn ở nước này.

Trong tương lai, nhu cầu có thể chứng kiến một con đường gập ghềnh do sự thiếu hụt liên tục trong nhu cầu công nghiệp và hộ gia đình. Giảm bớt sự không chắc chắn của chuỗi cung ứng và tăng sản lượng từ Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến giá cả.

Trong khi đó, triển vọng nhu cầu dài hạn vẫn bị che mờ. Nhu cầu công nghiệp từ các nước mới nổi, nguồn cung của Nga, mức sản xuất và hàng tồn kho của Hoa Kỳ cũng như nhu cầu liên quan đến thời tiết đã tạo ra sự không chắc chắn về giá của loại nhiên liệu hóa thạch này.

Khánh Vy (Theo The Economic Times)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-khi-dot-tu-nhien-hoa-long-giam-khi-nhu-cau-van-yeu-ot-post239905.html