Giá kim loại cơ bản giảm trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu xấu đi
Hầu hết giá các kim loại cơ bản đều đang sụt giảm do dấu hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang xấu đi trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng trên toàn cầu.
Giá nguyên liệu thô leo thang gây ra nhiều mối lo ngại về chi phí gia tăng. Hầu hết các chỉ số về các mặt hàng bao gồm năng lượng, kim loại và cây trồng của Bloomberg đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong tuần này. Đồng USD cũng tăng giá, trong khi lạm phát kỳ vọng bình quân 10 năm (Breakeven Inflation Rate), một thước đo chính của kỳ vọng thị trường đối với tăng trưởng về giá đã đạt mức 4% lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Những lo lắng về triển vọng nhu cầu cho đến nay chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, vì các nhà sản xuất nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng các dấu hiệu suy thoái cũng đang xuất hiện ở châu Âu.
Số liệu chính thức cho thấy, các đơn đặt hàng tại nhà máy của Đức đã giảm 7,7% trong tháng 8, đây là đợt giảm mạnh thứ ba trong 30 năm qua. Trong khi đó, giá khí đốt tăng tiếp tục gây áp lực lên các công ty công nghiệp trên khắp châu Âu (hợp đồng tương lai giá khí đốt lên mức cao kỷ lục trong ngày 6/10).
Colin Hamilton, Giám đốc điều hành nghiên cứu hàng hóa tại BMO Capital Markets cho biết: “Châu Âu là khu vực có mức độ hồi phục kinh tế mạnh bất ngờ trong năm nay, nhưng với việc giá năng lượng tăng, chúng tôi đang thấy áp lực ngày càng lớn đối với các công ty công nghiệp. Châu Âu rõ ràng cũng đang ở giai đoạn cuối của những vấn đề tắc nghẽn trong hoạt động sản xuất”.
Tuy nhiên, mức tăng về giá nguyên liệu đầu vào có vẻ sẽ hạ nhiệt do các nhà máy sản xuất cả nhôm và thép tại Trung Quốc hạn chế do thiếu điện. Giá các kim loại cơ bản như đồng, nhôm, thiếc đều sụt giảm nhẹ trong ngày 6/10. Trên thị trường sắt, giá quặng sắt kỳ hạn tại Singapore đang giao dịch ở mức 116,75 USD/tấn, nhưng giao dịch trầm lắng. Giá nguyên liệu sản xuất thép cũng đã giảm một nửa kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 5 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu để sản xuất hạn chế, trong khi nguồn cung tăng.