Giá kit test COVID-19 mỗi nơi một kiểu, nước muối sinh lý 'không có mà mua'.
Khách hàng đến hầu hết nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội đều không có sự lựa chọn loại kit test bởi chỉ còn duy nhất một loại để mua.
Gần đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc mới liên tụ tăng cao. Thị trường thuốc điều trị COVID-19 nói chung và kit test COVID-19 nói riêng là mặt hàng được nhiều người quan tâm nhất.
Ngày 1-3, phóng viên của PLO khảo sát tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận thấy, sức tiêu thụ các thiết bị y tế tăng mạnh và giá bán kit test cũng có sự chênh lệch nhau, cùng một loại kit test nhưng có nơi bán giá 110.000 đồng/bộ, có nơi lại bán chỉ với 90.000 đồng/bộ.
Giải thích về điều này, các nhân viên nhà thuốc nói do giá nhập và tiền thuê mặt bằng khác nhau nên sẽ bán giá khác nhau. Tại hệ thống nhà thuốc Long Châu, khi được hỏi về kit test COVID-19, nhân viên cho biết, cửa hàng chỉ còn duy nhất một loại kit test Humasis COVID-19 Ag Home Test do Hàn Quốc sản xuất, có giá 110.000 đồng/bộ, khi mua 5 bộ giá là 525.000 đồng, mua 25 bộ giá còn 2.375.000 đồng.
Tương tự, tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity, đại diện một nhà thuốc cho biết, hiện nay tại đây chỉ còn duy nhất một loại kit test của Hàn Quốc, có giá 110.000 đồng/bộ. “Gần đây sức tiêu thụ kit test COVID-19 tăng nóng, hầu như 10 khách vào thì 9 khách hỏi mua kit test. Chỉ tính riêng một cửa hàng, trung bình mỗi ngày bán khoảng 100-250 bộ kit test SARS-CoV-2 Ag Home Test (Hàn Quốc)”- Đại diện này chia sẻ.
Nhân viên một quầy thuốc khác nằm trên đường Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, kit test COVID-19 bán rất nhanh, cửa hàng còn hai loại kit test của Việt Nam và Hàn Quốc. Khách thường ưu tiên lựa chọn kit test của Hàn Quốc dù giá cao hơn vì phần tăm bông nhỏ, mềm, khi lấy mẫu không bị đau.
“Loại Rapid Antigen Test của Hàn Quốc bán 90.000 đồng/bộ, loại còn lại có giá 85.000 đồng/bộ. Nhà thuốc chỉ bán lẻ vì số lượng hàng không còn nhiều”- Nhân viên này nói.
Chưa hết, trên mạng xã hội, việc mua bán kit test nhanh COVID-19 cũng diễn ra khá sôi động. Không quá khó để bắt gặp những bình luận cho thấy việc nhiều người muốn tìm mua với số lượng lớn để dự phòng, thậm chí để bán lẻ. Và giá bán trên các nhóm mạng xã hội cũng “nhảy múa” không khác gì so với ngoài thị trường.
Không chỉ kit test khan hiếm, hàng loạt mặt hàng trang thiết bị y tế khác cũng trong tình trạng “không có mà mua”.
Nhiều người hỏi mua nước muối sinh lý tại các hệ thống nhà thuốc lớn, nhỏ đều nhận được những cái lắc đầu và tặc lưỡi từ nhân viên bán hàng: “Còn hàng đâu mà bán, lúc nhiều thì không ai hỏi, khi mắc bệnh lại dồn dập lui tới” – Nữ nhân viên bán thuốc nói.
Không tìm được máy đo nồng độ SpO2 ở các hiệu thuốc, chị Dương Thị Yến (32 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lên mạng tìm nhưng cũng chỉ dám vào xem và đi ra vì giá đắt gấp đôi so với máy đo nồng độ SpO2 bình thường vẫn được bán ngoài tiệm. Chị nói: “Trên các trang mạng đúng là rất nhiều nhóm bán trang thiết bị y tế, trong đó có máy đo SpO2 nhưng giá biến thiên thì vô biên, có loại vài trăm nghìn, cũng có máy tiền triệu song không biết chất lượng thế nào”.
Trước đó, ngày 23-2, trả lời báo chí, đại diện Bộ Y tế cho biết hiện nhu cầu sử dụng kit test nhanh COVID-19 của người dân tăng cao do dịch đang phức tạp. Sau Tết Nguyên đán, người dân quay lại làm việc, đi du lịch, lễ hội, học sinh, sinh viên trở lại trường học... cũng đẩy mạnh nhu cầu dùng kit test nhanh COVID-19.
Để kiểm soát giá bán, tránh tình trạng trục lợi trong dịch bệnh, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp, liên thông cung cấp thông tin về giá nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có giá nhập khẩu test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Bộ Y tế mong sớm phối hợp nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng vào diện bình ổn giá, ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, chức năng tăng cường thanh kiểm tra các hoạt động kinh doanh, quảng cáo kit test xét nghiệm nhanh trên mạng không rõ nguồn gốc, không được phép lưu hành, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.