Gia Lai: Chủ động phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã xuất hiện tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Do đó, để phòng ngừa bệnh này, ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương và người dân Gia Lai đã chủ động triển khai nhiều biện pháp.

Krông Pa là địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn nhất tỉnh, với hơn 63.200 con. Hàng năm, để chủ động phòng-chống bệnh trên đàn trâu, bò, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai tiêm vắc xin ngừa lở mồm long móng (LMLM) 55.710 liều và tụ huyết trùng (THT) 28.000 liều cho 57.125 con.

Ông Ksor Ngai (buôn Chờ Tung, xã Ia Hdreh) cho biết: Đầu tháng 8 vừa qua, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện có xuống tiêm phòng bệnh THT cho 6 con bò của gia đình. Hàng năm, đàn bò của nhà được tiêm phòng định kỳ nên phát triển tốt”.

Tương tự, ông Ksor Oan (buôn Chờ Tung) cho hay: Đàn bò 7 con của gia đình ông cũng được cán bộ Trung tâm xuống tiêm phòng bệnh THT, LMLM và hướng dẫn phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Nhờ đó mà việc chăn nuôi của gia đình ông và những người nuôi bò trong buôn ổn định, bò không bị mắc bệnh.

Người dân thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) chăm sóc đàn bò. Ảnh: Lê Nam

Người dân thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) chăm sóc đàn bò. Ảnh: Lê Nam

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Đường lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Triệu chứng chính là sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2-5 cm.

Ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa-cho biết: Nhìn chung, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định. Trung tâm thường xuyên cử cán bộ phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

“Vừa qua, nhận được văn bản chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động phòng-chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, Trung tâm đã chủ động thông báo cho các địa phương và cử cán bộ chuyên môn tuyên truyền cho người dân cách nhận biết về bệnh; đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi nếu thấy có dấu hiệu lạ trên đàn vật nuôi phải báo cho thú y viên để kịp thời xử lý”-ông Trung cho biết thêm.

Tương tự, tại huyện Chư Păh, hiện toàn huyện có hơn 890 con trâu, hơn 19.620 con bò của 3.501 hộ chăn nuôi. Đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai tiêm vắc xin LMLM type O, A được 2 đợt với 36.400 liều và THT 10.100 liều. Ông Rơ Châm Duyl (làng Grut, xã Ia Khươl) nói: “Đầu tháng 4-2020, đàn bò của gia đình được tiêm vắc xin LMLM. Ngoài ra, cán bộ còn hướng dẫn gia đình cách chăm sóc bò, vệ sinh chuồng, khử trùng khu vực nuôi để phòng bệnh”.

Ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh-cho hay: Định kỳ hàng tháng, hàng quý, Trung tâm tổ chức họp giao ban với các thú y viên để báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo cho đội ngũ thú y viên phối hợp với UBND các xã tuyên truyền đến người chăn nuôi hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin định kỳ theo quy trình nuôi.

Trước tình hình bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện ở 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, UBND tỉnh đã có Công văn số 2238/UBND-NL chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng-chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Ngoài hướng dẫn các địa phương, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, Chi cục tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Tuyệt đối không cho nhập trâu, bò hay sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vào địa bàn tỉnh.

“Chi cục cũng đã chỉ đạo các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông bố trí lực lượng cùng với Công an, Quản lý Thị trường tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra-vào tỉnh, phun thuốc sát trùng các phương tiện vận chuyển để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, giám sát và ứng phó bệnh viêm da nổi cục”-ông Dũng cho biết thêm.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202011/gia-lai-chu-dong-phong-ngua-benh-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo-5710142/