Gia Lai chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan

Sau đợt hạn hán kéo dài gây thiệt hại trên nhiều diện tích cây trồng, Gia Lai đang bước vào đầu mùa mưa nên dễ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như: dông, lốc, sét, mưa đá… Vì vậy, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần chủ động ứng phó để giảm thiệt hại.

Từ nhiều năm nay, cánh đồng Đak Kut (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) rộng khoảng 140 ha được người dân ở làng như A Dơk Kông, Broach sản xuất lúa nước và hoa màu. Tuy nhiên, do không có công trình thủy lợi, người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước trời nên việc sản xuất dễ gặp thiệt hại nếu nắng hạn kéo dài. Điển hình như vụ Đông Xuân 2024-2025, nắng hạn kéo dài đã làm mất trắng 52 ha lúa nước của người dân.

 Cánh đồng Đak Kut( xã A Dơk, huyện Đak Đoa) bị hạn trong vụ Đông Xuân 2024-2025. Ảnh: L.H

Cánh đồng Đak Kut( xã A Dơk, huyện Đak Đoa) bị hạn trong vụ Đông Xuân 2024-2025. Ảnh: L.H

Ông Nhưt-Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn ADơk Kông-cho hay: Nhiều năm nay, bà con trong làng sản xuất khoảng 23 ha lúa nước và hoa màu trên cánh đồng Đak Kut. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực cánh đồng không có hồ chứa tích trữ nước nên người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước trời nên thường xuyên bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Trong Đông Xuân 2024-2025, nắng nóng kéo dài nhiều hộ trong làng bị mất trắng do không đủ nước tưới. “Cơ quan chuyên môn của huyện, xã đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh hạn hán nhưng vì không có nguồn nước tích trữ nên khó lựa chọn cây trồng phù hợp. Mong muốn lớn nhất của người dân là được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thì mới hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra”-ông Nhưt nói.

Không chỉ hạn hán cục bộ trên các loại cây trồng, những ngày cuối tháng 4, mưa lớn kèm gió mạnh tại một số địa phương như: Krông Pa, Kbang, Ia Grai… đã gây thiệt hại về nhà cửa và hoa màu. Tại huyện Krông Pa mưa dông kèm gió lốc vào chiều ngày 25-4 đã làm tốc mái 69 căn nhà của người dân tại xã Chư Rcăm, Ia Rsai và Ia Rsươm, chưa kể diện tích hoa màu cũng bị thiệt hại.

 Mưa lớn kèm gió mạnh gây thiệt hại tại xã Chư Rcăm( huyện Krông Pa) vào chiều ngày 25-4-2025. Ảnh: M.P

Mưa lớn kèm gió mạnh gây thiệt hại tại xã Chư Rcăm( huyện Krông Pa) vào chiều ngày 25-4-2025. Ảnh: M.P

Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Pa-cho biết: Sau khi mưa lớn và lốc xoáy xảy ra gây thiệt hại nhà cửa và hoa màu của người dân, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện phối hợp với các xã thăm hỏi, hướng dẫn người dân chủ động mua vật liệu về khắc phục, sửa chữa lại nhà ở sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, đề xuất UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí giúp người dân vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra.

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến khó lường. Tổng lượng mưa trong những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Gia Lai thấp hơn so với trung bình nhiều năm trước từ 39-90%. Dự báo, mùa mưa năm nay ở Gia Lai sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm trước.

 Người dân xã Ia Pếch(huyện Ia Grai) vét nước tại hồ Ku Tông tưới nước cà phê trong mùa khô 2025. Ảnh: N.D

Người dân xã Ia Pếch(huyện Ia Grai) vét nước tại hồ Ku Tông tưới nước cà phê trong mùa khô 2025. Ảnh: N.D

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay, hạn hán cục bộ, lốc xoáy, sương muối đã gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu của người dân trên địa bàn tỉnh là hơn 9, 5 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do hạn hán hơn 6,3 tỷ đồng; dông, lốc, sét, mưa đá gây thiệt hại khoảng 2,1 tỷ đồng và thiệt hại do sương muối tại huyện Kbang hơn 1,2 tỷ đồng.

Thạc sĩ Vũ Anh Tuân-Điều hành Đài Khí tượng Thủy văn Gia Lai-thông tin “ Hiện nay, Gia Lai đang bước vào giai đoạn đầu mùa mưa, dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc xoáy, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn cục bộ vào buổi chiều và tối ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và tính mạng con người. Vì vậy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan cùng người dân cần chủ động theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra”

Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho biết: Từ đầu năm đến nay, các hiện tượng thiên tai đã gây thiệt hại cục bộ tại một số địa phương đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Đặc biệt, hiện nay đang bước vào giai đoạn chuyển mùa dễ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước. Để chủ động ứng phó, ngành nông nghiệp phối hợp cùng các đơn vị liên quan thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa và sẵn sàng các giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

“Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết trên địa bàn để chủ động ứng phó kịp thời với thiên tai. Bên cạnh đó, thống kê kịp thời tình hình thiệt hại về Sở Nông nghiệp và Môi trường để báo cáo UBND tỉnh có hướng xử lý…”- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh thông tin thêm.

NGUYỄN DIỆP

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-chu-dong-ung-pho-voi-cac-hien-tuong-thoi-tiet-cuc-doan-post322805.html