Gia Lai: Đặc sắc lễ bỏ mả của người Jarai - đưa linh hồn người chết về cõi Atâu

Lễ bỏ mả hay còn gọi là lễ pơ thi - nghi lễ quan trọng, phản ánh đậm nét đời sống tâm linh của người Jarai để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết. Sau lễ bỏ mả, linh hồn người chết sẽ thực sự về với thế giới thần linh (Atâu) theo truyền thống của người Jarai.

Vào khoảng tháng 3 hàng năm, khắp các buôn làng Jarai ở Gia Lai lại rộn ràng tổ chức lễ bỏ mã, một trong những lễ hội lớn nhất của người Jarai, quy tụ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Những ngày đầu tháng 3 - mùa con ong đi lấy mật, chúng tôi có dịp trở về làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah (Gia Lai) để cùng người dân bản địa tìm hiểu sâu hơn về nghi thức tâm linh này.

 Ngôi nhà mả tại làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông

Ngôi nhà mả tại làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông

Ngay từ sáng sớm, không khí chuẩn bị cho lễ bỏ mả đã rộn ràng trên khắp các nẻo đường làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông. Dịp này ở làng Kép 1 có 6 gia đình cùng góp trâu bò, gà, rượu để làm lễ bỏ mả cho người thân.

Theo quan niệm của người Jarai, trước khi lễ bỏ mả diễn ra, người chết vẫn được những người thân trong gia đình ngày ngày đưa cơm nước, rượu thịt ra... nuôi, bằng cách cúng rồi đổ thức ăn xuống mồ qua một cái lỗ lớn. Không những thế, họ còn phải thường xuyên ra quét dọn nhà cửa cho người chết, tâm sự, kể chuyện cho người chết nghe... Ngoài ra còn phải chia các tài sản có giá trị như ché, chiêng, công cụ sản xuất cho người chết sử dụng.

 Trong lễ bỏ mả, người phụ nữ sẽ tham gia chuẩn bị các món ăn truyền thống như cơm lam, lá cây, chuối tươi, nấu cháo...

Trong lễ bỏ mả, người phụ nữ sẽ tham gia chuẩn bị các món ăn truyền thống như cơm lam, lá cây, chuối tươi, nấu cháo...

Thời gian nuôi mả dài hay ngắn tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình. Sau khi gia đình tổ chức lễ bỏ mã, sự ràng buộc giữa người sống với người chết mới chấm dứt, khi đó linh hồn người chết mới thực về thế giới Atâu.

Chia sẻ với PV, ông Rơ Châm Puih - Trưởng thôn làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông cho biết: “Người Jarai thường chọn những ngày trăng sáng nhất để bắt đầu làm lễ bỏ mả, nghi lễ này thường kéo dài suốt 3 ngày, 3 đêm: Ngày đầu tiên gọi là ngày vào nhà mả, ngày thứ hai là ngày vỡ hay còn gọi là ngày ăn lớn và ngày cuối cùng được gọi là ngày rửa nồi. Lễ vật cúng bao gồm: Gà con, cơm lam, rượu ghè, thủ heo… Sau khi già làng thực hiện nghi lễ cúng, các nghệ nhân trong làng sẽ đánh cồng chiêng, khi tiếng cồng chiêng bắt đầu nổi lên thì tất cả mọi người tham dự lễ sẽ đứng dậy và bắt đầu trình diễn các nghi thức dân gian tiễn đưa người đã khuất”.

 Kết thúc lễ cúng cũng là lúc tiếng cồng chiêng bắt đầu nổi lên, tất cả mọi người tham dự lễ đứng dậy và bắt đầu trình diễn các nghi thức dân gian tiễn đưa người đã khuất

Kết thúc lễ cúng cũng là lúc tiếng cồng chiêng bắt đầu nổi lên, tất cả mọi người tham dự lễ đứng dậy và bắt đầu trình diễn các nghi thức dân gian tiễn đưa người đã khuất

Cũng theo ông Puih, lễ bỏ mả được tổ chức tùy thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình. Nếu như ngày trước lễ bỏ mả khá tốn kém, bởi những gia đình tham gia bỏ mả sẽ phải giết nhiều trâu bò, chuẩn bị nhiều rượu để cho cả làng (và các làng khác) đến ăn uống trong vài ngày thì nay cả dân làng sẽ đóng góp. Trâu, bò mang đến cúng cũng tùy thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình.

 Giữa âm thanh vang vọng, dồn dập của chiêng trống, những chàng trai Jarai hóa trang bằng bùn đất, lá cây và mang mặt nạ xuất hiện trong sự reo hò, phấn khích của đám đông dân làng. Sau một vòng đi quanh nhà mồ cùng đội xoang và chiêng, họ nhanh chóng biến mất như những hồn ma để lại sự vắng lặng của khu nhà mồ

Giữa âm thanh vang vọng, dồn dập của chiêng trống, những chàng trai Jarai hóa trang bằng bùn đất, lá cây và mang mặt nạ xuất hiện trong sự reo hò, phấn khích của đám đông dân làng. Sau một vòng đi quanh nhà mồ cùng đội xoang và chiêng, họ nhanh chóng biến mất như những hồn ma để lại sự vắng lặng của khu nhà mồ

Ông Rơ Châm Viuh (làng Kép 1, một trong 6 gia đình tham gia bỏ mả dịp này) cho biết: “Sau khi nghi lễ bỏ mả được thực hiện cũng là lúc người sống không còn ràng buộc gì với người thân đã chết. Họ có thể lấy vợ, lấy chồng, có thể dự những cuộc vui trong làng. Khi lễ bỏ mả chấm dứt, ngôi nhà mồ cũng bị bỏ luôn, không còn được chăm sóc. Lễ bỏ mả còn là dịp để tất cả bà con trong làng được hội ngộ, cùng nhau ăn uống, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày...”.

 Trong bỏ mả có rất nhiều cung bậc cảm xúc, đó là những nỗi buồn sâu thẳm, vấn vương không nỡ rời xa hay niềm vui từ những cuộc hội giữa người sống với người chết, giữa người sống với nhau

Trong bỏ mả có rất nhiều cung bậc cảm xúc, đó là những nỗi buồn sâu thẳm, vấn vương không nỡ rời xa hay niềm vui từ những cuộc hội giữa người sống với người chết, giữa người sống với nhau

Không chỉ những người dân trong làng mà những người làng khác hay các du khách đến tham gia lễ bỏ mả cũng được quây quần bên đốm lửa, thưởng thức những miếng thịt nướng nóng hổi, béo ngậy hòa quyện bên ché rượu cần thơm ngon của người Jarai. Xuyên suốt lễ hội, những ghè rượu cần cứ vơi lại đầy, tiếng cồng chiêng thâu đêm suốt sáng, những vòng xoang được nối dài bởi các cô gái Jrai cứ thế níu chân du khách.

 Phụ nữ múa vòng quanh nhà mồ theo tiếng chiêng

Phụ nữ múa vòng quanh nhà mồ theo tiếng chiêng

Ông Rơ Châm Hỹup - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ Nông cho hay: “Lễ pơ thi của người Jarai là nét văn hóa độc đáo mà bà con lâu nay vẫn gìn giữ qua bao thế hệ. Để giữ gìn văn hóa truyền thống, Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền, đoàn thể tuyên truyền dân làng cùng chung tay giữ gìn nét đẹp văn hóa, tổ chức lễ hội ý nghĩa, tiết kiệm. Lực lượng công an cũng ngày đêm túc trực nhằm đảm bảo an ninh trong những ngày diễn ra lễ pơ thi”.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-dac-sac-le-bo-ma-cua-nguoi-jarai--dua-linh-hon-nguoi-chet-ve-coi-atau-post237827.html