Gia Lai đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân
Trong bối cảnh TP. Pleiku đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm cung ứng đầy đủ nhu cầu hàng thiết yếu cho người dân, đảm bảo thông suốt vận tải, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Cam kết hàng hóa luôn dồi dào
Theo ghi nhận của P.V, những ngày qua, thị trường hàng hóa trên địa bàn TP. Pleiku có sự biến động khi nhiều người đổ dồn về các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng để mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động mạnh về giá đã không xảy ra. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: Trước ngày Pleiku áp dụng Chỉ thị số 16, lượng khách hàng đến Siêu thị mua sắm rất đông, chủ yếu là mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: mì tôm, phở, gạo, gia vị, hàng thực phẩm tươi sống. Lượng hàng thiết yếu bán ra tăng gấp đôi so ngày thường, riêng đơn hàng online tăng gấp 3 với khoảng 300 đơn/ngày. “Để tránh việc khách dồn vào Siêu thị cùng một lúc, dẫn đến tập trung quá đông người, Siêu thị đã phân luồng ra vào và giới hạn lượng khách vào khu mua sắm tự chọn. Đồng thời, chúng tôi khuyến cáo người dân chỉ nên mua số lượng vừa phải, đủ dùng vì hàng hóa ở Siêu thị lúc nào cũng đầy đủ”-bà Thy cho biết thêm.
Các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm công nghệ có sức mua tăng gấp 2-3 lần so với ngày bình thường. Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh-tiểu thương ở chợ Hoa Lư-cho hay: “Sức mua chỉ tăng mạnh trong ngày trước và ngày đầu tiên TP. Pleiku thực hiện giãn cách. Sau đó, tình hình ổn định trở lại. Hiện tại, nguồn thịt từ các lò mổ rất dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng”.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân bắt đầu mua hàng hóa tích trữ. Vì vậy, sức mua tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng lúc này, người dân đổ xô đi mua hàng chỉ mang tính tâm lý chứ không có hiện tượng thu mua găm hàng làm lũng đoạn thị trường. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hàng hóa tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ). Dự kiến, tổng trị giá hàng hóa dự trữ trong thời gian 2 tháng khoảng 10.000 tỷ đồng với 65 doanh nghiệp đầu mối và 115 doanh nghiệp phân phối tham gia.
Sở Công thương đã có công văn về việc thực hiện các biện pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP. Pleiku. Theo đó, Sở đề nghị UBND TP. Pleiku chỉ đạo các ban quản lý chợ yêu cầu hộ kinh doanh quây ni lông tạo vách ngăn với khách hàng, cửa hàng với cửa hàng nhằm đảm bảo giãn cách; cho hộ kinh doanh bán hàng hóa thiết yếu luân phiên bán theo ngày, giảm ít nhất 50% số người làm việc đối với cửa hàng có trên 10 người; tổ chức lại các cửa hàng tại chợ cho người mua hàng di chuyển theo một chiều. Bên cạnh đó, thành phố cần tính đến phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân bằng việc cấp thẻ vào chợ cho các hộ (2 ngày/lần hoặc 3 ngày/lần); đồng thời, khẩn trương xây dựng phương án “đi chợ giúp dân” trong trường hợp phải giãn cách xã hội ở mức độ cao nhất, người dân không thể ra ngoài để mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày; thiết lập và thực hiện tiếp nhận đề nghị mua hàng hộ của người dân qua đường dây nóng và qua các sàn thương mại điện tử…
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng
Thành phố Pleiku hiện có 1.874 điểm bán hàng thiết yếu gồm 20 chợ, 3 siêu thị và 1.851 cửa hàng phân bố khắp ở 22 xã, phường. Các điểm bán mặt hàng thiết yếu được giới thiệu đầy đủ thông tin từ tên điểm bán, số điện thoại liên lạc, thời gian mở cửa và mặt hàng bán. Việc có nhiều điểm bán hàng thiết yếu sẽ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong tình hình thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Về phương án tổ chức vận tải hàng hóa thiết yếu, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) cho biết: Ngày 27-8, Sở đã có Công văn hỏa tốc số 1924/SGTVT-KHTCVT, trong đó nêu rõ: Để đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, lĩnh vực vận tải hàng hóa vẫn được hoạt động thông suốt; trong quá trình hoạt động phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 theo quy định.
Cũng theo ông Hạnh, để vận chuyển hàng hóa từ vùng an toàn hoặc vùng khác đến vùng dịch và ngược lại trong thời gian này, phương tiện phải được phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn trước, trong và sau hành trình. Lái xe, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe phải có điện thoại thông minh cài đặt các phần mềm như: NCOVI, Bluezone và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế. Hàng hóa ở các địa phương vùng dịch trước khi xuất đi phải đảm bảo an toàn phòng dịch… Đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án vận chuyển hàng hóa cụ thể, bao gồm: số lượng phương tiện, hành trình, dự kiến điểm dừng nghỉ, ngày giờ phương tiện hoạt động…; danh sách phương tiện, lái xe, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe; các điểm/khu vực bốc xếp, dỡ hàng hóa; thông tin về xét nghiệm và tiêm phòng cho lái xe, người bốc xếp, dỡ hàng hóa (nếu có)… Đồng thời, căn cứ vào hệ thống thiết bị giám sát hành trình, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hành trình của phương tiện và người điều khiển phương tiện theo quy định để thông báo cho cơ quan chức năng hoặc Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tại địa phương khi cần thiết. Đặc biệt, để được lưu thông giữa các vùng, lái xe và nhân viên xếp dỡ hàng hóa phải có giấy chứng nhận âm tính bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR được thực hiện trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu.
Riêng về “luồng xanh” vận tải, từ ngày 25-8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai phần mềm cấp giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa bằng hình thức tự động, không qua phê duyệt của các sở GT-VT. Các đơn vị đăng ký và hệ thống tự động cấp, trả kết quả. Việc kê khai các thông tin, đơn vị tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Đây được coi là một trong những giải pháp tối ưu giúp cơ quan quản lý, đơn vị kinh doanh gia tăng tính chủ động, rút ngắn thời gian xử lý việc cấp mã QR Code cho phương tiện vận tải hàng hóa”-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT nêu rõ.
Tuy nhiên, trong thực tế, một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn gặp khó khăn. Ông Huỳnh Văn Phong-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Gia Lai-cho biết: Doanh nghiệp có 38 phương tiện vận tải hàng hóa đi các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ngày 28-8, khi TP. Pleiku thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, phương tiện đi đến một số địa phương bị các chốt không cho qua. Cụ thể, tại 3 huyện Ia Grai, Chư Păh và Chư Prông, lực lượng chức năng yêu cầu nếu xe đi vào địa bàn thì tài xế và nhân viên trên xe phải thực hiện cách ly tập trung. Bởi vậy, doanh nghiệp có 7-8 phương tiện đưa hàng tới chốt buộc phải quay đầu. “Chi phí tổ chức cho một chuyến xe đưa hàng về đến nơi đã khó nên việc quay đầu vừa tốn kém cho doanh nghiệp, vừa không đảm bảo cung ứng kịp thời hàng hóa cho khu vực đó”-ông Phong bày tỏ.
* Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại rà soát, triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng hoặc có hành vi tăng giá quá mức; có kế hoạch phân bổ thời gian hoặc tăng thời gian phục vụ nhu cầu người tiêu dùng một cách hợp lý khi cần thiết; bán theo định mức hạn chế đối với những mặt hàng thiết yếu khi có hiện tượng đột biến, người tiêu dùng đua nhau mua. Bên cạnh đó, khuyến khích các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh như giao dịch bằng hình thức trực tuyến, giao hàng tận nhà để hạn chế tập trung đông người; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá quá mức nhằm trục lợi.
* Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT: Về việc chưa thống nhất cho lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thì tại cuộc họp trực tuyến về phòng-chống dịch Covid-19 với 1.060 xã, phường tại 20 tỉnh, thành phố do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng 29-8 đã giải quyết rất rõ. Trong giai đoạn đầu, nếu có nơi này, nơi khác chưa nhịp nhàng thì cũng rất mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ với lực lượng làm công tác phòng-chống dịch vì chúng ta đang hướng đến mục tiêu cao nhất là phòng-chống dịch Covid-19 hiệu quả.
* Ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường: Hiện nay, hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng rất dồi dào. Cục Quản lý Thị trường sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; chú trọng kiểm tra các điểm bán hàng thiết yếu, đặc biệt là trang-thiết bị, vật tư y tế, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Đến thời điểm hiện tại đã có 419 cơ sở kinh doanh ký cam kết niêm yết giá đầy đủ, bán đúng giá niêm yết và bán hàng hóa có đầy đủ chứng từ chứng minh nguồn gốc, đảm bảo chất lượng; không găm hàng, đầu cơ, tích trữ. Đồng thời, 1.007 cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.