Gia Lai đối phó với nạn phá rừng ngày càng phức tạp, tinh vi

Trước thực trạng phá rừng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, UBND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) yêu cầu các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm các vụ vi phạm luật lâm nghiệp để răn đe.

Thủ đoạn khoan lỗ đổ thuốc sâu

Chiều 30/12, UBND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, huyện có diện tích rừng lớn, tổng diện tích tự nhiên là 169.391,2ha, trong đó 72.544,98ha là đất có rừng, chiếm 42,83% tổng diện tích.

Diện tích rừng này phân bổ trên 12 xã, bao gồm các xã biên giới Ia Púch và Ia Mơ giáp với Campuchia. Với địa bàn rộng, nhiều tuyến đường xuyên rừng và 36,3km đường biên giới, công tác quản lý bảo vệ rừng và kiểm soát lâm sản gặp nhiều khó khăn, dù địa hình thuận lợi cho canh tác nông nghiệp.

Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, Chư Prông là huyện biên giới có diện tích rừng tương đối lớn.

Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, Chư Prông là huyện biên giới có diện tích rừng tương đối lớn.

Nhận thấy tình hình công tác quản lý và bảo vệ rừng tại xã Ia Mơ có diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm, UBND huyện Chư Prông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch truy quét, ngăn chặn vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn.

Từ ngày 10/12/2023 đến 20/12/2024, các lực lượng chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 32 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Các tang vật và phương tiện bị thu giữ bao gồm: 48,597m³ gỗ tròn, 46,5 ster, 6 ô tô tải, 7 xe công nông, 1 máy cày mini, 1 máy cày và 3 cưa xăng. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 2,84 ha và 330 cây rừng bị ken, với tổng khối lượng gỗ thiệt hại lên tới 67,778m³.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Văn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, chia sẻ: "Hầu hết người dân sống trong khu vực có rừng là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Vì lợi ích trước mắt, một số đối tượng tham gia vào các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Do điều kiện khó khăn, một số người vào rừng phá rừng để lấy đất canh tác, chặt cây làm nhà, thu củi sử dụng trong gia đình.

Việc tiếp cận tuyên truyền với những trường hợp này rất khó khăn. Các đối tượng ngày càng tinh vi, thường thực hiện hành vi vào ban đêm, canh chừng lực lượng chức năng. Dụng cụ chủ yếu được sử dụng là dao, rựa và cưa điện, nên rất khó phát hiện. Một số đối tượng từ các địa phương khác xâm nhập vào khu vực và móc nối với người địa phương để thực hiện hành vi vi phạm",

Ông Nguyễn Trung Văn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Trung Văn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Mặc dù ,cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp, tình hình phá rừng tại xã Ia Mơ vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, cho biết xã quản lý diện tích rừng lớn nhưng không có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, chỉ thuê lao động phổ thông chưa được đào tạo chuyên môn. Cán bộ xã tham gia quản lý rừng còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, dẫn đến công tác phối hợp không thường xuyên và hiệu quả chưa cao.

Xây dựng cơ sở để mỗi người dân là một cán bộ bảo vệ rừng

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, tình trạng khai thác, vận chuyển và phá rừng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi như cắt quanh gốc cây chờ gió đổ, ken vỏ cây và khoan đổ thuốc độc để cây chết từ từ.

Một số ngành và lực lượng chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động và tuần tra, xử lý vi phạm kịp thời.

Các đối tượng vi phạm chủ yếu từ các địa bàn lân cận, lợi dụng địa bàn rộng và các nương rẫy xen kẽ trong rừng. Khi bị phát hiện, họ thường manh động, kéo đông người chống đối lực lượng chức năng, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ phát biểu.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ phát biểu.

Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị chủ rừng trong thời gian qua, mặc dù thiếu nhân lực nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Thông nhấn mạnh: "Để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, cần phòng ngừa trước, vì khi sự việc xảy ra mới phát hiện sẽ rất phức tạp. Các chủ rừng phải nắm rõ khu vực có gỗ, khu vực có củi, lên kế hoạch tuần tra kiểm soát chặt chẽ. Cần phối hợp với các tổ bảo vệ rừng của xã và xây dựng cơ sở để mỗi người dân trở thành 'cán bộ giữ rừng', kịp thời thông báo khi phát hiện vi phạm để xử lý ngay".

Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, nhấn mạnh, nhiều vụ vi phạm lâm nghiệp xảy ra mà các ban quản lý, xã gần khu vực lại không biết, trong khi lãnh đạo huyện đã nắm được.

Thậm chí, khi kiểm tra thực tế, chúng tôi phát hiện các đối tượng lập lán trại để vi phạm pháp luật. Điều này cần được xem xét lại.

"Rừng là tài sản của nhà nước, mỗi cá nhân, tổ chức, đặc biệt các đơn vị chủ rừng, phải nâng cao trách nhiệm trong quản lý và bảo vệ rừng", ông Dũng nói.

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-lai-doi-pho-voi-nan-pha-rung-ngay-cang-phuc-tap-tinh-vi-204241230191657912.htm