Gia Lai đón năm mới với nhiều ước vọng
Những tờ lịch đầu tiên của năm 2022 đã được lật giở, mang theo niềm tin và kỳ vọng của mọi người, mọi nhà về một tân niên nhiều khởi sắc. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm nay không quá rộn ràng nhưng vẫn đong đầy ấm áp, tươi vui và an toàn.
An toàn đón năm mới
Những ngày nghỉ lễ trôi qua trong tiết trời cuối đông se lạnh, một số địa phương trong tỉnh còn xuất hiện mưa nhẹ kéo dài. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, không khí vui chơi đón chào năm mới đều “giảm nhiệt” và có phần trầm lắng hơn so với mọi năm. Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, nhiều người đã gác lại kế hoạch về quê hay đi du lịch để tận hưởng thời gian nghỉ lễ đầm ấm, vui vầy bên người thân và bè bạn. Anh Nguyễn Thiện Nhật (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) chia sẻ: Vợ tôi làm dâu ở Chư Pưh đã được 5 năm. Cứ đến dịp Tết Dương lịch, chúng tôi thường về Bình Định thăm ba mẹ vợ nhưng năm nay đành phải hủy vì dịch bệnh. Gia đình chỉ vui lễ tại gia, ngày đầu cùng nhau uống cà phê hàn huyên và nấu ăn chào đón năm mới, còn những ngày sau thì tranh thủ chăm sóc vườn cây ăn quả đang độ ra hoa.
Tranh thủ những ngày nghỉ lễ giữa mùa dịch, em Lê Hoàng Hải Yến (tổ 6, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku)-sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) đã dành thời gian để sum họp cùng gia đình và gặp gỡ bạn bè. “Thay vì đi chơi xa, em chỉ đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại các điểm vui chơi giải trí ở Pleiku và đi uống trà sữa cùng bạn thân. Tại những nơi em tới, tuy không đông đúc như mấy năm trước, song không khí chào đón năm mới vẫn khá ấm áp và vui tươi”-Yến cho hay.
Những năm trước, vào dịp Tết Dương lịch, anh Đỗ Xuân Diệu-công nhân Nhà máy tinh bột sắn Gia Lai thường đi tham quan, du lịch ngoài tỉnh cùng đồng nghiệp. Năm nay, do dịch bệnh, hoạt động này không được tổ chức. Vì thế, anh đã dành thời gian trọn vẹn cho vợ con và gia đình. “Sau khi đến một số điểm du lịch, khu vui chơi ở thị xã An Khê, chúng tôi đã có những bữa cơm ấm cúng bên bố mẹ và những người thân yêu. Dịch Covid-19 dù tác động không nhỏ đến cuộc sống, song nó cũng trở thành chất xúc tác gắn kết tình thân, giúp mỗi người thêm trân quý tình cảm gia đình”-anh Diệu nhìn nhận.
Theo ghi nhận của P.V, thực hiện khuyến cáo của chính quyền địa phương, hầu hết người dân đều nêu cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng-chống dịch trong những ngày đón Tết Dương lịch. Ngay sau khi chụp được những tấm hình kỷ niệm ưng ý, mọi người đều đeo khẩu trang để giữ an toàn cho chính mình và cộng đồng. Các điểm vui chơi, giải trí, cửa hàng, quán cà phê... đều trang bị nước rửa tay sát khuẩn ở cửa ra vào và bố trí bàn ghế giãn cách, hạn chế tập trung đông người. Chị Siu Htriêu-quản lý quán trà sữa Ocha House (29 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) cho hay: “Chúng tôi đã trang trí lại không gian sao cho thật bắt mắt nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch để thu hút khách tới sử dụng dịch vụ và check-in trong dịp Noel và Tết. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, lượng khách đến quán giảm khoảng 50% so với dịp Tết Dương lịch năm trước, chỉ tương đương với những ngày cuối tuần. Đa số khách là người dân Pleiku và một số huyện lân cận thành phố”.
Ngoài ra, tại một số địa phương có dịch, công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong dịp Tết Dương lịch được đề cao. Theo ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn huyện khiến việc đón tân niên của bà con không được vui như mọi năm. Từ ngày 24-12-2021 đến sáng ngày 2-1-2022, địa phương đã ghi nhận 47 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; truy vết và cách ly y tế đối với 521 trường hợp F1 và 579 trường hợp F2. “Huyện đã tập trung thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch với tinh thần chủ động, quyết liệt, thực chất, hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, theo dõi địa bàn và vận động các làng đồng bào dân tộc thiểu số không tổ chức các hoạt động, lễ hội tập trung đông người như: lễ bỏ mả, ăn mừng đóng cửa kho, lễ đón năm mới...; tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân bình tĩnh, không hoang mang, nâng cao cảnh giác và thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống dịch. Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch, phương án duy trì các hoạt động lưu thông hàng hóa, nhu yếu phẩm, bảo đảm vận tải hàng hóa thông suốt, tránh không làm đứt gãy chuỗi lưu thông, cung ứng, tiêu thụ hàng nông sản của người dân”-ông Súy thông tin.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Hiện nay, một số xã như Ayun Hạ, Ia Hiao, Ia Yeng, Ia Sol vẫn đang là điểm nóng về dịch bệnh. Trước kỳ nghỉ lễ, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng-chống dịch, hạn chế tập trung đông người. Đối với các khu vực phong tỏa tạm thời phải bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm soát dịch bệnh. Công tác lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện theo kế hoạch nhằm sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, phấn đấu sớm đưa huyện trở lại “vùng xanh”.
Ước vọng đầu năm
Một năm 2022 tươi sáng, an vui, dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi... chính là mong ước chung của người dân cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng trong những ngày hân hoan đón chào xuân mới. Tranh thủ tiết trời tạnh ráo, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) ra vườn chăm sóc rau. Chị trải lòng, ngoài trồng rau, gia đình còn nuôi heo và bò. Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn. Giá nông sản bấp bênh, trong khi phân bón và vật tư nông nghiệp lại không ngừng tăng giá; thu nhập vì thế cũng chẳng được bao nhiêu. Chưa kể, nghề thợ hồ “ăn nên làm ra” của chồng chị suốt hơn 20 năm cũng trở nên ế ẩm. “Chồng thất nghiệp, sản xuất khó khăn khiến kinh tế gia đình giảm sút. Việc chi tiêu, chăm lo học hành cho 3 đứa con cũng bị ảnh hưởng. Tôi hy vọng năm mới, mưa thuận gió hòa, giá cả nông sản ổn định, đầu ra thuận lợi để nông dân đỡ vất vả. Chồng tôi có việc làm ổn định, con cái thì ngoan ngoãn, khỏe mạnh học hành. Như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi”-chị Thảo bộc bạch.
Với chị Nay H’Duyên (buôn Chư Ma, xã Ia Trok, huyện Ia Pa), kỳ nghỉ lễ rút ngắn hơn vì phải tranh thủ nước mương về để gieo sạ lúa Đông Xuân cho kịp thời vụ. Sau 2 ngày đầu năm, công việc đồng áng tạm ổn, ngày thứ 3, gia đình chị quyết định nghỉ ngơi, dành thời gian cho các con đi chơi, mua sắm, tạo tâm lý thoải mái trước khi bước quay lại trường học và thi cuối học kỳ 1. “Năm 2021, xã Ia Trok đã bị phong tỏa 1 tháng để phòng-chống dịch Covid-19 nên người dân gặp không ít khó khăn. Nhiều diện tích rau ngót của bà con không thể tiêu thụ, gây thiệt hại về kinh tế. Sang năm 2022, chúng tôi không mong gì hơn ngoài việc dịch bệnh sẽ được khống chế; Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ người nông dân và đề ra giải pháp giúp ổn định về giá vật tư nông nghiệp để bà con yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập”-chị H’Duyên kỳ vọng.
Với anh Vi Văn Bắc-Công an viên xã Ia Hiao (huyện Phú Thiện), đây là kỳ nghỉ lễ đáng nhớ khi toàn bộ thời gian anh đều có mặt để trực tại chốt phong tỏa tại buôn Ma Hrai. “Tết cổ truyền năm 2021, tôi cũng làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát dịch. Vì vậy, mong ước lớn nhất của tôi lúc này là dịch Covid-19 sẽ được khống chế trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần để bản thân cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ khác được sum họp bên gia đình, đón một cái Tết đoàn viên, ấm cúng”-anh Bắc mong ước.
Thoát khỏi cảnh ngồi học trước màn hình máy vi tính, điện thoại; được trở lại trường học tập, vui chơi cùng thầy cô, bạn bè là điều mà hầu hết học sinh, sinh viên đang phải học trực tuyến mong muốn trong năm mới. Em Đỗ Ngọc Tân (tổ 13, phường An Phú, thị xã An Khê) chia sẻ: “Từ khi nhà trường chuyển sang dạy học theo hình thức trực tuyến để phòng-chống dịch Covid-19, em thấy khá bức bách khi phải ôm máy tính ngồi học suốt thời gian dài. Dẫu vậy, em vẫn còn may mắn hơn nhiều người khi được học tập, sống trong tình thương yêu của cha mẹ, thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè chia sẻ niềm vui. Bước sang năm mới, em hy vọng dịch bệnh không còn để việc học trở lại bình thường; cầu mong người thân, bạn bè có nhiều sức khỏe, cuộc sống bình an”.