Gia Lai: Dự án giao thông chậm tiến độ vì thiếu đất đắp, gỡ vướng thế nào?
Tỉnh Gia Lai đang 'cải thiện' dần tình trạng khan hiếm đất đắp để phục vụ thi công các công trình dự án trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Gia Lai đã gỡ vướng dần việc thiếu mỏ đất san lấp mặt bằng các dự án thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên vẫn chỉ ở mức "cải thiện".
Chậm tiến độ nhiều dự án
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên nối từ khu vực Bình Định đến tỉnh Gia Lai được kỳ vọng sẽ kết thúc vào cuối tháng 7/2023. Thế nhưng, dự án này mới đây đã được bổ sung thêm một số đoạn và xin gia hạn hoàn thành đến cuối tháng 12/2024.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, sản lượng thi công dự án đạt hơn 55%, chậm so với tiến độ ban đầu hơn 38% và chậm hơn 12% so với tiến độ điều chỉnh. Nguyên nhân dẫn đến công trình thi công trên chậm tiến độ có phần một do thiếu đất san lấp mặt đường.
Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ GTVT) cho biết, công tác cấp phép khai thác đất đắp kéo dài hơn dự kiến do khâu quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản (đất đắp) được siết chặt.
"Đặc biệt, từ ngày 8/3/2023, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản tạm thời chưa xem xét cấp phép, gia hạn khai thác đất san lấp đối với một số mỏ đất để rà soát thủ tục trước khi cấp phép lại. Một số gói thầu xây lắp trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện đang thiếu nguồn đất đắp nên không đáp ứng được tiến độ thi công phần nền đường”, Ban QLDA cho hay.
Cũng theo Ban QLDA 2, gói thầu XL04A (tại Gia Lai) khó cán đích trong năm 2023 do khối lượng công việc còn nhiều trong khi đã bước vào mùa mưa. Nhu cầu đất đắp phục vụ thi công còn lại (40.000 m3) vẫn đang chờ cấp có thẩm quyền địa phương chấp thuận cấp phép gia hạn khai thác cho nhà thầu.
"Tình trạng thiếu đất san lấp trên là điều bất khả kháng", ông Nguyễn Ngọc Tân - Giám đốc Dự án nâng cấp QL19, Ban QLDA 2 cho biết.
Không chỉ riêng dự án nâng cấp QL19, các dự án khác tại tỉnh Gia Lai cũng chậm tiến độ do thiếu nguồn đất khai thác để phục vụ san lấp công trình.
Đơn cử như tại thị xã An Khê, trong số 25 dự án đang triển khai, có 7 dự án chậm tiến độ do liên quan đến quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản, mà cụ thể là thiếu mỏ đất. UBND thị xã An Khê lo ngại nếu không sớm gỡ vướng mắc sẽ làm lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Còn tại huyện Krông Pa, có một công trình đầu tư lớn với số vốn 60 tỷ đồng (chiếm trên 50% số vốn các dự án huyện quản lý). Ngành chức năng đã bàn giao mặt bằng sạch cho dự án, khá thuận lợi để thi công nhưng phải dừng lại vì không có vật liệu san lấp, đổ nền.
Gỡ dần thiếu mỏ đất
Liên quan đến việc thiếu mỏ đất để phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Minh Trung - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh cho biết, tình trạng thiếu đất san lấp tại công trình dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh đã có phần "cải thiện".
Tỉnh cũng đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 8 mỏ đất san lấp, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 4 mỏ tại các địa phương.
Liên quan đến việc quy hoạch mỏ đất san lấp trong thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai đã khảo sát trên 280 vị trí, với diện tích trên 1.100ha, trữ lượng dự báo trên 75 triệu m3 vào phương án thăm dò và tích hợp quy hoạch chung của tỉnh. Theo lộ trình, sau khi tỉnh Gia Lai tổng hợp các quy hoạch chung toàn tỉnh sẽ gửi đến các cơ quan bộ ngành góp ý, sau đó trình Chính phủ phê duyệt.