Gia Lai: Đường liên xã hơn 26km xuống cấp toàn tuyến gây mất ATGT
Đường liên xã từ TT Chư Sê đi 4 xã: Chư Pơng, Ia Tiêm, Bờ Ngoong, Bar Măih (Chư Sê, Gia Lai) xuống cấp nghiêm trọng, gây mất ATGT toàn tuyến...
Sau khi tuyến đường hơn 26km nối từ trung tâm huyện Chư Sê đi Chư Pơng, Ia Tiêm, Bờ Ngoong, Bar Măih (Chư Sê, Gia Lai) được đưa vào chủ trương đầu tư thì tuyến đường này không được sửa chữa dẫn đến mất ATGT toàn tuyến.
Đường đã hẹp lại xuống cấp
Hàng chục năm trước, tỉnh Gia Lai đã triển khai tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) liên xã nối từ Bar Măih đến trung tâm huyện Chư Sê với chiều dài khoảng 26km, mặt đường chỉ 3,5m. Tuyến đường huyết mạch này đi qua 4 xã gồm: Bar Măih, Bờ Ngoong, Ia Tiêm, Chư Pơng rồi kết nối vào thị trấn Chư Sê.
Hệ thống đường GTNT này thời gian qua đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa khu vực vùng đồng bào thiểu số tại huyện Chư Sê.
Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và lượng phương tiện giao thông ngày một tăng, xe cơ giới có tải trọng lớn ngày càng xuất hiện nhiều khiến cho tuyến đường ngày một xuống cấp nghiêm trọng.
Đặc biệt, trên mặt của tuyến đường xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà dẫn đến mất ATGT khu vực nông thôn qua 4 địa phương trên xảy ra với tần suất lớn.
Có mặt trên tuyến đường này, PV Báo Giao thông chứng kiến nhiều vị trí ổ voi, ổ gà sâu hoắm. Có vị trí lút nửa bánh xe máy của người dân. Dẫu vậy, tuyến đường này gần đây chưa được duy tu, sửa chữa nên ngày càng xuống cấp, mặt đường bong tróc, đất đá lởm chởm.
Đặc biệt, vào mùa mưa, nhiều đoạn bị sụt lún tạo thành những hố rộng đến vài mét, sâu hàng chục centimet, đọng đầy nước mưa, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ông Kpă Thaih (làng Khối Zét, xã Ia Tiêm) bức xúc: “Rất nhiều người bị ngã khi đi trên tuyến đường này. Mùa mưa vừa rồi, mình cũng bị trượt ngã do sụp xuống ổ gà. Gần 2 năm nay, dù đường hư hỏng, nhiều ổ voi, ổ gà nhưng không được duy tu, sửa chữa, gây khó khăn cho người dân trong làng đi lại cũng như vận chuyển nông sản. Mình mong Nhà nước quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại tuyến đường này nhằm tạo điều kiện đi lại thuận tiện hơn”.
Còn ông Kpă Nhín (trú tại llàng Hố Lang, xã Chư Pơng) cho hay: “Vừa rồi có vài cơn mưa lớn, nước đổ về ngập các ổ voi, ổ gà khiến người dân đi lại rất khó khăn. Nhất là khi né tránh các xe ô tô qua lại thì các ổ gà này thành “cái bẫy” nguy hiểm cho người đi đường", ông Nhín nói và cho biết thêm "rất nhiều người bị ngã khi lưu thông trên tuyến đường này”.
Chờ dự án nâng cấp
“
Khắc phục tạm để giúp dân
“Mới đây, để giúp người dân đi lại an toàn hơn, xã đã bỏ kinh phí mua đất cấp phối và huy động thanh niên trên địa bàn san lấp một số ổ voi, ổ gà trên tuyến đường này.
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời, nếu không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp thì mùa mưa đến, lớp đất này lại bị cuốn trôi, tiếp tục tạo ra các “hố bẫy” nguy hiểm trên tuyến đường”, ông Phạm Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Chư Pơng cho biết.
”
Đem việc đường liên xã xuống cấp mà chưa được sửa chữa, bảo trì gây mất ATGT trên, ông Trần Quốc Sĩ - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chư Sê xác nhận, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện không bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa vì tuyến này đã được HĐND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư.
“Hiện nay, huyện đang điều chỉnh chủ trương đầu tư các tuyến đường này để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Nếu tuyến đường được đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện thì không những tạo thuận lợi trong đi lại của người dân các xã mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã Chư Pơng, Ia Tiêm, Bờ Ngoong, Bar Măih”, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chư Sê cho hay.
Được biết, tuyến đường liên xã nối thị trấn Chư Sê đến các xã Chư Pơng, Ia Tiêm, Bờ Ngoong và Bar Măih (dài 26,5km); đường từ xã Kông Htok đi xã Ayun (6km) và đường nối từ QL25 đi hồ Ayun Hạ (khoảng 4,6km) đã được HĐND tỉnh Gia Lai thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6/2021.
Tổng kinh phí thực hiện là 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và dự kiến triển khai thi công trong giai đoạn (2023-2025). "Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng đột biến kéo theo giá vật liệu, nhân công cũng tăng khiến tổng mức đầu tư của dự án vượt so với mức đã phê duyệt, hiện huyện đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư", ông Sĩ cho biết thêm.