Gia Lai: Hơn 21.000 đại biểu nghe quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11
Sáng 16-4, tại thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến hơn 21.000 điểm cầu với trên 1,5 triệu đại biểu tham dự. Trong đó, tại Gia Lai, hội nghị kết nối đến 246 điểm cầu với hơn 21.000 đại biểu tham dự.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại Hội trường 2-9. Ảnh: Đ.T
Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Lương-Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Tham dự hội nghị có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh đang sinh sống trên địa bàn TP. Pleiku; các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (đang công tác tại cơ quan, đơn vị cấp tỉnh); lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các tổ chức được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp tỉnh; lãnh đạo các đơn vị: Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên Tỉnh ủy khóa XVI (đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh); trưởng, phó các phòng ban chuyên môn: Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; trưởng ban tuyên giáo MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh.
Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm trong các văn kiện Hội nghị Trung ương 11; là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp quán triệt chuyên đề về “Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030”.
Theo đó, các báo cáo đã được bổ sung, hoàn thiện theo hướng có tính cách mạng, hành động, khả thi cao, ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời bảo đảm tính khái quát cao của Văn kiện Đại hội Đảng.
Tiếp đến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề về “Sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tập trung vào 2 nhóm nội dung: Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội (tập trung ở Điều 9, 10) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình. Các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Khi tiến hành sửa đổi, bổ sung, đặc biệt lưu ý đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rành mạch thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp tỉnh với cấp xã để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện.
Về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến vào ngày 15-3-2026; sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý danh sách cử tri, niêm yết danh sách ứng cử viên và công bố kết quả bầu cử. Về tiêu chuẩn đại biểu, có điểm mới là ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ, người được đào tạo cơ bản về pháp luật…

Các đại biểu nghe Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: A.H
Cũng tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã quán triệt chuyên đề về “Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18-1-2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”. Kế hoạch triển khai thực hiện.
Ngày 14-4-2025, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng thay thế Chỉ thị số 35-CT/TW đã ban hành trước đó. Theo đó, Chỉ thị số 45CT/TW nêu rõ thời gian đại hội đảng bộ các cấp: Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu cấp cơ sở không quá 2 ngày, hoàn thành trước ngày 30-6-2025. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và đảng bộ xã, phường, đặc khu không quá 2 ngày, hoàn thành trước ngày 31-8-2025. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 30-10-2025.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.
Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh về 3 yêu cầu chung và 4 lưu ý cụ thể. Đó là phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11. Xác định đây là một cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách đổi mới để phát triển đất nước.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức tư tưởng trong toàn Đảng và lan tỏa ra toàn xã hội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu định hướng mà trung ương đã đề ra. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân
Triển khai các công việc trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản không nóng vội, chủ quan, có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan và phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, không qua loa đại khái bất cứ công việc nào. Bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch để đảm bảo các công việc thực hiện đúng tiến độ theo thời gian quy định nhất là các mốc thời gian quan trọng.
Tăng cường tuyên truyền nhằm phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân, các quy trình thủ tục lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung hiến pháp, sáp nhập các đơn vị hành chính nhằm tạo sự đồng tình hưởng ứng và triển khai thực hiện của nhân dân.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Đ.T
Tổng Bí thư lưu ý, việc thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài. Đề nghị các địa phương chủ động nghiên cứu để có phương án sắp xếp cụ thể phù hợp với địa bàn, mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, chủ động hướng về nhân dân để phục vụ tốt hơn.
Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị phải hết sức công tâm, khách quan, việc bố trí cán bộ cần đúng người, đúng việc theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Về văn kiện đại hội Đảng các cấp, Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức đại hội đảm bảo chặt chẽ, bài bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị. Các Tỉnh ủy, Thành ủy khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo các văn kiện cấp mình, hoàn thành trước ngày 30-6-2025 bao gồm cả các tỉnh sau khi sáp nhập.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, các Tỉnh ủy, Thành ủy cần khẩn trương khắc phục tình trạng một bộ phận lãnh đạo, cán bộ có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng sắp xếp tổ chức nên hạn chế tính quyết liệt trong triển khai công việc. Đồng thời đề nghị, trước mắt tập trung tổ chức thật tốt các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, khơi dậy khí thế hào hùng của dân tộc, biến thành động lực để thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mang tính cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thực hiện.
“Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương, tôi đề nghị các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra, chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng để đất nước vững vàng tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.