Gia Lai: Kiểm tra, xác minh vụ phá rừng tại xã biên giới Ia Mơ

Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn kiểm tra 'điểm nóng' phá rừng tại xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông.

Rừng liên tục bị phá

Thời gian vừa qua, trên địa bàn xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) liên tục xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng. Nơi đây, trở thành điểm nóng khiến cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ rừng "đau đầu" tìm cách giữ những cánh rừng.

Mới đây, cơ quan chức năng lại phát hiện thêm vị trí rừng bị "lâm tặc" cưa hạ, dấu vết còn rất mới, gốc còn rỉ nhựa tươi, cành lá còn xanh nằm ngổn ngang tại hiện trường.

Sáng 13/7, trao đổi với Người Đưa Tin, một lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh, Chi cục đã cử đoàn kiểm tra liên ngành số 2 phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, Đồn Biên phòng Ia Lốp, UBND xã Ia Mơ và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur tiến hành kiểm tra, xác minh vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 1008 và tiểu khu 1012 (xã Ia Mơ).

Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai kiểm tra hiện trường rừng bị phá.

Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai kiểm tra hiện trường rừng bị phá.

Quá trình kiểm tra tại hiện trường, đoàn kiểm tra xác định vị trí khai thác rừng trái pháp luật thuộc lô 31, khoảnh 9, tiểu khu 1008, loại rừng sản xuất, trạng thái rừng núi đất lá rộng rụng lá nghèo kiệt, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur. Tiếp đó là vị trí lô 13, khoảnh 8, tiểu khu 1012, loại rừng sản xuất, trạng thái rừng núi đất lá rộng rụng lá nghèo thuộc UBND xã Ia Mơ quản lý.

Số lượng cây rừng bị khai thác trái pháp luật là 183 cây, chủng loại Căm xe, Cà chít, Dầu, Sp, thuộc loài thông thường, đường kính gốc chặt từ 8cm đến 30cm, chiều cao gốc chặt từ 10cm đến 80cm. Tổng khối lượng thiệt hại cơ quan chức ăng đo đếm được khoảng gần 9m3 gỗ.

Tại hiện trường, cây rừng bị khai thác nằm rải rác. Toàn bộ phần thân cây đã bị lấy đi khỏi hiện trường, chỉ còn lại gốc, mùn cưa, cành ngọn, lá đã khô cũ, dấu vết chặt hạ bằng máy cưa, thời gian chặt hạ khoảng tháng 5 năm 2024. Tại thời điểm kiểm tra, chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Hầu hết những cây rừng sau khi bị cưa hạ phần thân đã bị lấy đi, hiện trường chỉ còn lại gốc, cành nhánh.

Hầu hết những cây rừng sau khi bị cưa hạ phần thân đã bị lấy đi, hiện trường chỉ còn lại gốc, cành nhánh.

Có mặt tại hiện trường, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, có nhiều cây gỗ đường kính từ 10- 30 cm bị cưa hạ, phần thân đã bị vận chuyển đi nơi khác, còn lại gốc, và cành nhánh bỏ lại. Bên cạnh đó, có nhiều cây rừng bị cưa hạ dấu vết đã cũ. Những khoảng rừng bị phá nằm rải rác trên hai tiểu khu, tiếp giáp với diện tích rẫy của người dân canh tác.

Khó quản lý

Ông Nguyễn Trung Văn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơ cho biết, phần diện tích rừng bị phá nằm xen kẽ với diện tích hoa màu của người dân nên rất khó trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo thống kê của địa phương, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xã Ia Mơ đã xảy ra 9 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp gây thiệt hại 1.300m2 rừng, gần 28m3 gỗ tròn, 75.800kg củi.

Theo ông Văn, hoạt động sản xuất chủ yếu của người dân địa phương là sản xuất nông nghiệp nên khi chưa có thu nhập ổn định, người dân sẽ lại tiếp tục xâm hại rừng để lấy đất sản xuất. Để hạn chế tình trạng người dân địa phương phá rừng, cơi nới đất canh tác, cần phải quy hoạch lại diện tích đất sản xuất cho người dân.

Theo đơn vị chủ rừng, diện tích rừng nằm xem kẽ với nương rẫy của người dân nên rất khó để quản lý.

Theo đơn vị chủ rừng, diện tích rừng nằm xem kẽ với nương rẫy của người dân nên rất khó để quản lý.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, xã không có cán bộ chuyên trách được đào tạo về quản lý bảo vệ rừng, địa bàn rộng, tiếp giáp nhiều nên địa phương phải thuê lao động phổ thông để quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần quản lý.

Lực lượng này lại không được sử dụng công cụ hỗ trợ nên dù đã làm hết sức vẫn rất khó khăn. Đặc biệt và quan trọng nhất là khi có thông tin chuyển đổi vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơ, thì người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận tràn vào rừng xâm canh, chiếm đất vì sợ sau này không có đất sản xuất.

"Mong rằng, các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm các vấn đề liên quan đến hồ thủy lợi Ia Mơ, xem xét kĩ lưỡng, sớm có những quyết sách để xác định khu vực nào làm vùng tưới cần chuyển đổi, khu vực nào là rừng bảo vệ để thông tin rộng rãi, từ đó tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế", ông Tuấn Anh nói.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, dự án hồ thủy lợi Ia Mơ, được xây dựng tại xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) với mục tiêu cấp nước tưới cho 8.500ha đất sản xuất tỉnh Gia Lai và 4.000ha đất sản xuất của tỉnh Đắk Lắk.

Đến nay, dự án đã xây dựng xong hồ chứa và tuyến kênh chính nhưng chỉ phục vụ được khoảng 3.200ha đất sản xuất (tỉnh Gia Lai khoảng 800ha, tỉnh Đắk Lắk khoảng 2.400ha). Nguyên nhân của tình trạng này là do vùng tưới vướng quy hoạch đất rừng chưa chuyển đổi và thiếu hệ thống kênh nhánh. Trước thông tin chuyển đổi vùng tưới, nhiều người dân đã phá rừng cơi nới đất rẫy, để khi thực hiện chuyển đổi vùng tưới sẽ được đền bù.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-lai-kiem-tra-xac-minh-vu-pha-rung-tai-xa-bien-gioi-ia-mo-204240713110006844.htm